Thời Tam Quốc có một đội quân tinh nhuệ thiện chiến nhưng lại ít được lưu truyền trong sử sách. Đội quân ấy đã lập được nhiều công lớn trong cuộc chiến Nam Bì, Quan Độ, chiến thắng được đội quân hùng mạnh “Tây Lương thiết kỵ”.
Thời Tam Quốc, các nước chư hầu đều sở hữu những đơn vị quân sự tinh nhuệ và thiện chiến, chẳng hạn như Tiên Đăng Doanh của Viên Thuật, Hãm Trận Doanh của Lã Bố, rồi Bạch Nhĩ tinh binh của Lưu Bị… Tuy xuất hiện không nhiều, cũng ít được liệt kê, dẫn chứng qua các tài liệu nhưng “Hổ Báo Kỵ” thực sự là nỗi ám ảnh với bất cứ đối thủ nào. Là một trong những đội quân có khả năng tác chiến với lối đánh và hành quân thần tốc, họ dũng mãnh, thiện chiến, đặc biệt rất giỏi cưỡi ngựa, tấn công phủ đầu khiến địch quân kinh hồn bạt vía.
Hổ Báo Kỵ có thể nói là đội quân đặc chủng vào loại tinh nhuệ nhất thời Tam Quốc dưới trướng của Tào Tháo. Tào Tháo chia Hổ Báo Kỵ thành: Hổ Kỵ Doanh và Báo Kỵ Doanh. Chức trưởng quan chỉ huy 2 doanh được định đoạt thông qua thi đấu võ nghệ, mưu trí, chiến lược chiến thuật… Các chức vụ chỉ huy cao nhất của Hổ Báo Kỵ chưa từng lọt khỏi tay gia tộc Tào thị.
Trong “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ, phần “Ngụy Thư” có đoạn chép rằng: “Hổ Báo Kỵ do (Tào) Thuần thống lĩnh là lực lượng tinh nhuệ trong thiên hạ, trăm kẻ giỏi chỉ tuyển được một”. Cũng chính đội quân đã lập nên nhiều chiến công hết sức vang dội trong những trận đánh then chốt của Tào Tháo. Theo “Hậu Hán thư”, cơ quan tối cao chỉ huy quân đội của Tào Ngụy gọi là “Bá phủ”. Tào Tháo chia quân đội thành 3 bộ phận: Trung ương, địa phương và quân đồn điền (sản xuất).
Trong đó, quân trung ương là đội quân quan trọng nhất, chia thành nội và ngoại quân. Trung quân còn gọi là Vũ Vệ Doanh, tương đương với “Cấm vệ quân” bảo vệ Hoàng thành, do Tào Tháo chỉ huy, quân số vào khoảng 10 vạn lính. Hổ Báo Kỵ là đơn vị “cốt lõi” của trung quân, chịu trách nhiệm bảo vệ Tào Tháo, Bá phủ và Hoàng cung.
Tinh thần cơ bản chỉ đạo của La Quán Trung trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” là “ủng Lưu, phản Tào”, do đó lực lượng Hổ Báo Kỵ hầu như không được nhắc tới, mặc dù nó rất mạnh. Chính nhờ có sự giúp sức của đội Hổ Báo Kỵ lừng danh này, Tào Tháo mới có thể chém Viên Đàm, đánh bại Lưu Bị cho tới diệt được đội thiết kỵ Tây Lương khét tiếng của Mã Siêu…
Diệt Viên Đàm
Cái tên “Hổ Báo Kỵ” xuất hiện lần đầu tiên trong quyển “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ là đầu năm Kiến An thứ 9, trong cuộc chiến giữa Tào Tháo và Viên Đàm ở Nam Bì. Cuộc chiến Nam Bì với Viên Đàm thực chất là cực kỳ gian khổ. Tào Tháo từng có ý định bỏ cuộc, tuy nhiên, Tào Thuần kiên quyết muốn tấn công, dùng Hổ Báo Kỵ để giành chiến thắng.
Tào Thuần thống lĩnh đội Hổ Báo Kỵ bao vây Nam Bì. Đội Hổ Báo Kỵ tấn công quyết liệt, quân Đàm bại trận bị đội quân của Thuần chém đầu. Đó chính là lần lập công đầu tiên của đội quân trứ danh này. Tiếp đó, vào năm Kiến An thứ 12 khi quân Tào ngược lên phía bắc chinh phạt các bộ tộc Ô Hoàn của Hung Nô, chính đội Hổ Báo Kỵ do Tào Thuần thống lĩnh đã chém đầu thiền vu của Ô Hoàn là Đạp Đốn ngay trên chiến trường.
Đánh bại Viên Thiệu
“Tam Quốc diễn nghĩa” mô tả Viên Thiệu có 70 vạn quân, còn Tào Tháo chỉ có 7 vạn quân trong trận hai bên đối đầu ở Quan Độ. Tuy nhiên trong sử sách lại không nói rõ quân số của hai bên, chỉ đề cập tới quân số của Viên Thiệu đông hơn nhiều so với Tào Tháo. Với lực lượng quân đội tinh nhuệ nhất là “Hổ Báo Kỵ”, Tào Tháo đã tiêu diệt gần như hoàn toàn quân số của đối thủ lớn nhất Viên Thiệu, tiến tới đánh bại nốt các thế lực chống đối ở Trung Nguyên, tạo điều kiện xây dựng nên nhà Tào Ngụy, đồng thời chấm dứt thời kì tiền Tam Quốc.
Chiến dịch Quan Độ, Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, lúc này uy danh Tào Tháo vang cả Hoa Hạ, Trung Nguyên rúng động, thế lực và sự bành trướng của quân Tào rất nhanh. Qua chiến dịch này Tào Tháo đã bình định gần như toàn cõi phương bắc, đó là một chiến công đầy hãnh tiến của “Hổ Báo Kỵ”.
Đuổi Lưu Bị
Trung tuần tháng 9, Tào Tháo tiến đến Tương Dương, lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, sợ họ Lưu sẽ tranh mất nơi chứa lương thảo và vũ khí, nên ông vội lấy 5000 quân tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần cùng hàng tướng Văn Sính chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo, mỗi ngày đêm đi được 300 dặm.
Đội quân 5000 kỵ binh truy đuổi Lưu Bị được mô tả trong “Tam quốc diễn nghĩa” chính là đội Hổ Báo Kỵ lừng danh. Khi truy kích Lưu Bị ở dốc Trường Bản đội Hổ Báo Kỵ phải truy kích đối phương một quãng đường rất dài “một đêm vượt 300 dặm”. Đủ thấy tính cơ động và khả năng chiến đâu của đội quân này mạnh mẽ tới mức nào.
Trong cuộc chiến này, quân Kinh Châu đại bại, Tào Thuần cùng đội Hổ Báo Kỵ của mình truy đuổi Lưu Bị ở dốc Trường Bản bắt được gia quyến Lưu Bị, trong đó có 2 phu nhân. Nhưng ngay sau đó trong quá trình quân áp giải chưa về tới trại Tào thì Triệu Vân, một trong những chiến tướng xuất sắc nhất thời bấy giờ đã đột kích vòng vây đánh tới nơi, giết hơn 50 tướng Tào. Và cũng bởi Tào Tháo rất thích Triệu Vân nên không cho cung thủ bắn lén, chỉ được bắt sống mà Cam phu nhân và A Đẩu mới được Triệu Vân giải cứu, đưa thoát ra ngoài, trở về với Lưu Bị. Nếu không thì thật khó để Triệu Vân có thể thoát khỏi đội quân tinh nhuệ này một cách bình yên trở về.
Phá Mã Siêu
Quân Quan Tây của Mã Siêu có đội kỵ binh gọi là “Tây Lương thiết kỵ” nổi tiếng. Theo sử liệu Trung Quốc, Mã Siêu “dùng sức một châu đối đầu với toàn bộ Tào Ngụy tất cả dựa vào ‘Tây Lương thiết kỵ’”, đủ thấy sức mạnh của lực lượng này. Tuy nhiên, Tây Lương thiết kỵ vẫn không địch lại sức mạnh khủng khiếp của đội Hổ Báo Kỵ của họ Tào.
Sử chép, “Ban đầu, (Tào Tháo) dùng khinh binh khiêu chiến. Sau một thời gian khi cuộc chiến đã kéo dài, (Tào Tháo) dùng đội Hổ Báo Kỵ tấn công chớp nhoáng, phá quân của Mã Siêu”. Từ những chiến tích trên đây, có thể thấy rằng, gần như trong mỗi chiến dịch trọng yếu của Tào Tháo, hoặc khi Ngụy quân rơi vào tình thế nguy cấp, Hổ Báo Kỵ mới được điều động tham chiến để “nghịch chuyển càn khôn”, “chuyển bại thành thắng”, có vai trò rất quyết định.
Sau khi vị tư lệnh cuối cùng của Hổ Báo Kỵ là Tào Thuần qua đời, Tào Tháo đã trực tiếp thống lĩnh đội quân Hổ Báo Kỵ tinh nhuệ này cho đến cuối đời. Một đội quân hùng mạnh mà bất cứ một minh chúa nào cũng muốn có được, nhưng chỉ duy nhất Tào Tháo là may mắn nhất, âu đó cũng là an bài của lịch sử.
Chuyên gia bàn:
Lật lại lịch sử chúng ta nhận thấy rằng có quá nhiều an bài thú vị. Một đội quân hùng mạnh lừng danh nhưng không lưu danh trong sử sách. Nếu chỉ dựa trên những hiểu biết qua các tác phẩm nghệ thuật như “Tam Quốc diễn nghĩa” thì sẽ không nhận ra hết ẩn đố của lịch sử. Một đội quân tinh nhuệ lập được bao chiến công như “Hổ Báo Kỵ”, nhưng dưới ngòi bút của La Quán Trung, một người “ủng Lưu, phản Tào”, đội quân hùng mạnh ấy lại bị ẩn danh. Còn Tào Tháo lại được xây dựng như một đại gian hùng, đầy mưu mô, quỷ quyệt, độc ác. Nhưng trong chính sử, Tào Tháo được ghi nhận là một chính trị gia lỗi lạc với tầm nhìn và kỹ năng lãnh đạo hơn người. Ông còn có tài năng thi phú cũng như mưu lược quân sự.
Khác với những quan niệm cố hữu, thiên kiến, Tào Tháo trong sử sách thường được mô tả là một bậc đại trượng phu đầy đủ bao dung và nhẫn nại. Cả một tác phẩm đồ sộ như “Tam Quốc diễn nghĩa” lại không hề miêu tả chi tiết rất cảm động đó là lúc Tào Tháo vừa khóc vừa tiễn Trần Cung ra pháp trường. Trần Cung chết, Tào Tháo đã đón người nhà Trần Cung tới phủ mình và đối đãi vô cùng trọng hậu. Một con người có trái tim đôn hậu, rộng lượng, vị tha, bao dung đến như vậy lại bị miêu tả với vẻ ngoài lạnh lùng tàn ác, đa nghi nhất thời đại.