(NDH) Không phải ai có tiền cũng mua được đồ Goyard.
Phần lớn thế giới coi các thương hiệu đình đám như Louis Vuitton và Hermès có thể là biểu tượng của sự giàu có. Tuy nhiên trong thế giới thượng lưu, Goyard mới là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp.
Goyard có khởi đầu khá khiêm tốn. Tiền thân của thương hiệu là một cửa hàng đóng thùng ở Paris có tên Maison Martin, chuyên đóng gói và vận chuyển tài sản quý của giới quý tộc Pháp ra nước ngoài. Công ty chỉ chuyển sang làm vali và túi xách khi François Goyard, một nhân viên học nghề 8 năm tiếp quản (và đổi tên) vào năm 1853.
Thương hiệu truyền qua 5 thế hệ Goyard trước khi được Signoles mua lại vào năm 1998. Ông mua món đồ đầu tiên của hãng từ năm 1974 và dành 2 thập niên nghiên cứu về công ty trước khi thuyết phục gia đình Goyard bán. Kể từ đó, ông luôn cố gắng giữ di sản và giúp thương hiệu liên tục nhận danh hiệu cao nhất về tay nghề trong các Hội chợ Thế giới và Triển lãm Quốc tế.
Ví cầm tay Goyard. (Nguồn: Instagram)
“Goyard là người cung cấp hành lý cho Nga hoàng và Hoàng gia Anh. Thương hiệu cũng đã quyến rũ những người Mỹ giàu có, như John D. Rockefeller”, Signoles cho biết. (Rockefeller là người giàu nhất lịch sử Mỹ, với khối tài sản 400 tỷ USD vào năm 1913, tính theo giá trị 2017).
Chiến lược truyền thông của hãng là im lặng, không quảng cáo, không bán hàng qua mạng và cũng không dùng người nổi tiếng làm gương mặt đại diện. Hãng hiếm khi nhận lời phỏng vấn và thỉnh thoảng mới tung sản phẩm ra thị trường đại chúng. Cách duy nhất để biết thông tin là qua những lời truyền miệng của những tỷ phú hay siêu sao Hollywood từng mua đồ Goyard.
“Sang trọng là một giấc mơ, và tiết lộ quá nhiều những gì diễn ra ở hậu trường sẽ phá hỏng sự kỳ diệu. Chúng tôi tin rằng thầm vào tai ai đó không chỉ tinh tế mà còn hiệu quả hơn nhiều so với quảng bá rầm rộ”, đại diện của Goyard nói.
Sự bí ẩn này càng thôi thúc những vị khách giàu có tìm hiểu và muốn sở hữu đồ của hãng.
Khách hàng giàu có và nổi tiếng
Những món đồ in họa tiết chevron và vali da của Goyard được nhìn thấy trong tay của Meghan Markle – Công nương xứ Sussex (Anh), nữ diễn viên Hollywood Gwyneth Paltrow và đầu bếp danh tiếng Michelin Alain Ducasse.
Tất cả thành viên trong gia đình rapper Kanye West và ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian đều dùng đồ Goyard. West mang theo cặp của hãng trong Tuần lễ Thời trang Paris 2009. Vào tháng 2, cô con gái 4 tuổi của cặp đội xuất hiện ở Los Angeles với một chiếc túi Goyard St. Louis thiết kế riêng với giá khoảng 1.460 USD. Khloe Kardashian, chị gái Kim, tới Tokyo với 2 vali hành lí đều từ thương hiệu này.
(Nguồn: Instagram/Goyard)
Danh sách khách hàng trong những thập kỷ trước bao gồm những tên tuổi lão làng trong giới thời trang như Coco Chanel, Jacques Cartier hay Karl Lagerfeld, họa sỹ Pablo Picasso và nhà văn Arthur Conan Doyle.
Wallis Simpson, Công nương xứ Windsor (Anh), nổi tiếng với bộ sưu tập Goyard đồ sộ, từ phụ kiện thú cưng đến chiếc rương chứa 150 đôi giày.
CEO Jean-Michel Signoles của Goyard mua lại nhiều bộ sưu tập của Quận công Edward VIII và Công nương Simpson khi Sotheby bán đấu giá đồ đạc trong nhà của cặp đôi ở Paris vào năm 1997. Một chiếc cặp tài liệu và rương được bán với giá gần 15.000 USD, trong khi một lô khác là 32.500 USD. Món đồ đắt nhất của hãng là rương theo phong cách thế kỷ 19 có giá 59.315 USD.
Bộ sưu tập Goyard của Karl Lagerfeld (trái) và Quận công – Công nương xứ Windsor. (Nguồn: Backgrid)
Không sản xuất nhiều như Louis Vuitton, Goyard tập trung vào tay nghề của thợ thủ công. Việc này giới hạn lượng hàng nhưng giúp thương hiệu giữ được chất lượng. Vì vậy sản phẩm không bao giờ mất giá.
Một trong những sản phẩm biểu tượng của hãng là chiếc túi xách “Sài Gòn”, được thiết kế vào đầu những năm 1950 theo đơn đặt hàng của một sĩ quan Pháp sống ở TP HCM làm quà sinh nhật vợ. Được làm mới sau 60 năm vào năm 2002, “Sài Gòn” đã trở thành một phần trong bộ sưu tập vĩnh viễn của hãng.
Chiếc túi xách “Sài Gòn” huyền thoại. (Nguồn: Instagram)
Mọi đơn đặt hàng “đều là kết quả của sự hợp tác rất chặt chẽ giữa khách hàng và nhóm thiết kế” và sự sáng tạo là không giới hạn, Goyard chia sẻ.
Tuy nhiên, hãng cũng sẵn sàng bỏ qua yêu cầu nếu không phù hợp với phong cách và hướng đi, dù đó là những tên tuổi lớn. “Chúng tôi đã từ chối một số đơn đặt hàng cho hộp đựng màn hình TV khổng lồ. Goyard là một thương hiệu gắn với du lịch”, đại diện hãng nói với tờ Town & Country.
Ngược lại, một chiếc rương đựng đồ làm vườn “thực sự nắm bắt được bản chất của Goyard”. Sản phẩm được đặt riêng vào năm 2015 và có chi phí khoảng 15.000 USD.
Cửa hàng Goyard đầu tiên trên đường Rue Saint-Honoré. (Nguồn: Goyard)