‘Tiến sĩ Tim Spector, chuyên gia về Covid-19 người Anh, đã cảnh báo rằng Covid-19 có thể khiến móng tay xuất hiện những vết lạ’. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để biết những vết lạ này!
Chuyên gia về Covid-19 người Anh, đã cảnh báo rằng Covid-19 có thể khiến móng tay xuất hiện những vết lạ – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Thấy móng tay bị hiện tượng này, nên đi xét nghiệm Covid-19
Các báo cáo cho thấy nhiều người mắc Covid-19 bị các triệu chứng như rụng tóc, cảm giác như mất hết sức lực, mất khứu giác.
Đã có báo cáo về các trường hợp xuất hiện các đường lạ trên móng tay khi mắc Covid-19 – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Mới đây có một triệu chứng mới đang được ghi nhận, theo Healthline. Tiến sĩ Tim Spector, chuyên gia về Covid-19 người Anh, đã cảnh báo rằng Covid-19 có thể khiến móng tay xuất hiện những vết lạ.
Nhưng triệu chứng này không chỉ giới hạn ở những người bị Covid-19.
Tình trạng này biểu hiện bằng những vết hằn lõm hoặc rãnh ngang trên móng tay gọi là đường Beau, có thể xuất hiện ở những người đã từng bị nhiễm virus.
Theo bác sĩ Michele S. Green, chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York (Mỹ), các đường rãnh xuất hiện khi có sự gián đoạn trong quá trình phát triển của móng tay.
Bác sĩ Green giải thích rằng còn có một số lý do khiến những đường này xuất hiện, bao gồm bệnh tật, chấn thương hoặc tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Những thông tin hữu ích của bác sĩ Green sẽ tiếp tục trên trang sức khỏe ngày 14.8.
Tóm tắt những nghiên cứu mới về triệu chứng Covid-19
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thông tin về dịch bệnh luôn được cập nhật mỗi ngày vì tính biến đổi liên tục của vi rút SARS-CoV-2. Dưới đây là tóm tắt một số nghiên cứu gần đây về dịch Covid-19.
Theo đánh giá dữ liệu từ hơn 350 nghiên cứu tính đến tháng 4.2021, khoảng 1/3 số người mắc Covid-19 không có triệu chứng – ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK |
Tình trạng không có triệu chứng rất phổ biến. Theo đánh giá dữ liệu từ hơn 350 nghiên cứu tính đến tháng 4.2021, khoảng 1/3 số người mắc Covid-19 không có triệu chứng. Tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn ở người cao tuổi hoặc người không có bệnh nền. Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y tế Cộng đồng Yale (Mỹ) ước tính khoảng 46,7% trẻ em bị nhiễm bệnh không có triệu chứng.
Điều này rất đáng lo ngại bởi vì nếu chúng ta chỉ dựa vào triệu chứng để đoán xem ai bị nhiễm hay không thì sẽ không phát hiện được. Dịch bệnh có nguy cơ lan rộng hơn. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị học sinh vẫn nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đi học lại.
Hút thuốc có thể làm giảm tác dụng của vắc xin. Các nhà nghiên cứu ở Nhật cho biết những người hút thuốc có nguy cơ đáp ứng miễn dịch thấp với vắc xin. Trong một nghiên cứu sơ bộ, các nhà nghiên cứu đã phân tích mức độ kháng thể bảo vệ do vắc xin mRNA của Pfizer và BioNTech tạo ra trên 378 nhân viên y tế từ 32-54 tuổi, đã chích đủ 2 mũi được 3 tháng.
Theo đó, nhóm người lớn tuổi có lượng kháng thể thấp hơn. Ngoài yếu tố tuổi tác, các yếu tố khác liên quan đến mức kháng thể thấp hơn là giới tính nam và hút thuốc. Mức độ kháng thể ở những người từng hút thuốc nhưng đã ngưng cũng cao hơn những người đang còn hút. Điều này cho thấy việc ngừng hút thuốc sẽ làm giảm nguy cơ hiệu giá kháng thể thấp. Những nghiên cứu tiếp theo sẽ có trên trang sức khỏe ngày 14.8.
Đừng nghĩ ăn nhiều mỡ mới bị gan nhiễm mỡ, mà chính thứ này là thủ phạm
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện kỹ thuật IIT Mandi (Ấn Độ) đã xác định được rằng tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến sự phát triển của gan nhiễm mỡ.
Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ – SHUTTERSTOCK |
Căn bệnh này khởi phát âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng trong vòng hai thập kỷ. Nếu không được điều trị, chất béo dư thừa có thể kích thích tế bào gan, dẫn đến sẹo gan hay xơ gan, trường hợp nặng có thể dẫn đến ung thư gan.
Việc điều trị các giai đoạn của gan nhiễm mỡ gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ là do tiêu thụ quá nhiều đường – cả đường tinh chế và các dạng carbohydrate khác. Việc tiêu thụ lượng đường và carbohydrate dư thừa khiến gan chuyển hóa chúng thành chất béo, dẫn đến tích tụ chất béo trong gan.
Nhà khoa học Prosenjit Mondal (Ấn Độ) cho biết các cơ chế phân tử làm tăng chất béo trong gan do tiêu thụ quá nhiều đường, sẽ là mấu chốt để phát triển phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-mong-tay-co-hien-tuong-nay-nen-xet-nghiem-covid-19-1430249.html