Trên cơ sở của thuyết nghiệp, Phật muốn trước hết con người phải làm thiện từ tâm, thân, khẩu, chính cái này đem lại hạnh phúc cho mình, cho người và cho xã hội.

Mọi người đều biết, hiện nay, ngoài những việc chúng ta đã làm được, bên cạnh đó còn để lại một xã hội lộn xộn. Tham nhũng tràn lan, ngày càng tinh vi, mà xem chừng khó đẩy lùi. Phải khẳng định, đây là căn bệnh của công quyền. Trong xã hội loài người, tham nhũng xuất hiện từ khi có giai cấp và nhà nước. Ngoài ra, còn kéo theo hàng loạt những hiện trạng khác như vô cảm, bất công, gian dối, băng hoại lối sống và đạo đức. Ðiều này không nói thì mọi người cũng thấy quá rõ…

Từ thực trạng của xã hội như trên, trong kinh, Phật đã dạy về đạo đức cho một quốc gia hưng thịnh, một xã hội thái bình, mà ngẫm ra, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Phật quan niệm quốc gia bao gồm dân chúng và quốc vương. Ðiều này, chí ít, Phật giáo quan niệm quốc gia không phải của ông vua như Nho giáo và những tư tưởng bị ảnh hưởng Nho giáo. Rất tiếc, ngày nay, nhất là các cấp cơ sở, không ít người hiểu về cơ quan, đơn vị mình theo tinh thần như vậy!

Phật giáo dựa vào một trong những cơ sở rất vững chắc để xây dựng một hệ thống đạo đức.

Trước hết, nói về dân. Một trong những chuẩn mực đạo đức để cho một xã hội, một quốc gia hưng thịnh là dân chúng phải đoàn kết, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời tôn trọng truyền thống và luật pháp. Vấn đề này, trong kinh Ðại bát Niết bàn (kinh Trường bộ), nhân chuyện vua nước Magadha là Ajatasattu muốn xâm lược nước Vajjì, nên cho đại thần Vassakara đến hỏi Phật.

Phật đưa ra 7 điều và hỏi Ananda trước mặt Vassakara, nội dung như sau:

1. Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.

2. Ngày nào mà dân chúng thường hay tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.

3. Ngày nào mà không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống đã được ban hành thuở xưa.

4. Ngày nào mà dân chúng tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão.

5. Ngày nào mà dân chúng không cướp và ép những phụ nữ và thiếu nữ.

6. Ngày nào mà dân chúng còn tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các miếu tự ở trong và ngoài tỉnh thành, không bỏ lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.

7. Ngày nào mà dân chúng bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp với các vị A-la-hán ở tại nơi mình, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến sẽ sống an lạc.

Cuối cùng Phật kết luận:

“Này Vassakara, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjì, khi nào dân chúng Vajjì được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời dân Vajjì sẽ cường thịnh, không bị suy giảm”­(1).

Nghe xong, Vassakara chắp tay bạch Phật rằng: Chỉ cần dân chúng Vajjì giữ trọn một điều thôi thì nước Magadha cũng không dễ gì xâm lược được!

Như vậy, người ta thấy ngay rằng, sức mạnh của một đất nước bắt nguồn từ sự tôn trọng công lý và đoàn kết thành một khối thống nhất. Ðây cũng là điều mà Nguyễn Trãi nhận xét về sự thất bại của nhà Hồ, cho nên: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa” (Thuận cơ trời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng thuận lòng dân)(2).

Thứ đến, muốn cho một xã hội an bình, cường thịnh còn phải có vai trò của người đứng đầu. Ðương thời, Phật nhìn thấy rất rõ về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và Ngài chứng minh rằng: Toàn thể xứ sở có thể trở thành đồi trụy, thối nát và bất hạnh, nếu vua quan đều thối nát và bất công. Theo Phật, muốn cho một quốc gia hạnh phúc phải có nền chính trị công bằng, mà phần cốt tử đóng góp cho sự công bằng là từ đời sống đạo đức, sống thiện của người cầm đầu. Do vậy, Ngài thuyết Thập vương pháp với nội dung:

1. Là sự rộng rãi, bố thí, bác ái. Người cai trị không được thèm khát và bám víu vào tài sản, tiền của mà phải bố thí cho dân tộc no ấm.

2. Phải có một đức tính cao đẹp. Làm vua không bao giờ được sát hại, lừa bịp và bóc lột kẻ khác, tà dâm, nói lời sai quấy, rượu chè. Ðiều này có nghĩa là, chí ít ông vua cũng phải giữ năm giới của nhà Phật.

3. Hy sinh tất cả vì hạnh phúc của dân chúng. Ông vua phải sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cho cá nhân mình, tên tuổi danh vọng và ngay cả sự sống của mình vì lợi ích của dân.

4. Trực hạnh. Ông vua phải xa lìa sự sợ hãi và thiên vị khi thi hành công vụ, phải thật trong ý định và không được lừa bịp dân chúng.

5. Khổ hạnh. Ông vua phải sống một cuộc đời giản dị, không được xa hoa, đồng thời phải biết chế ngự bản thân mình.

6. Nhu hòa. Ông vua phải có tính tình hòa nhã.

7. Không thù hằn ác độc. Ông vua không được có tư thù và tâm địa độc ác với bất cứ ai.

8. Bất hại. Ông vua không làm hại ai mà còn phải cố tạo hòa bình bằng cách tránh và ngăn ngừa chiến tranh hay sự dính dáng đến bạo động, sát hại chúng sinh.

9. Nhẫn nại. Ông vua phải chịu đựng khó khăn, khổ cực và những sự nhục mạ mà không mất bình tĩnh.

10. Không đối lập, không ngăn cản. Ông vua không được đi ngược với ý chí của toàn dân, không được ngăn cản bất cứ biện pháp nào đưa đến sự lợi lộc cho toàn dân. Nói cách khác là ông vua phải cai trị thuận với ý chí của dân tộc(3).

Ngoài ra, trong kinh Kùtadanta (kinh Trường bộ, tập III), Phật còn dạy rằng, các hình phạt sẽ không hữu hiệu, không thành công, không công bằng và lợi ích bằng việc cải thiện kinh tế…

Như vậy, nội dung chủ yếu của Thập vương pháp là Phật muốn ông vua phải sống có đạo đức ít ra là với tinh thần vô ngã. Ðiều này cũng giống như muốn cho quốc thái dân an thì ông vua, mà mở rộng ra là người cai trị phải công minh, chính trực. Ðó cũng là ý tứ câu “chính giả, chính dã” (người làm chính trị thì mình phải chính) của Khổng Tử, câu “dĩ chính trị quốc” (lấy ngay thẳng mà trị nước) của Lão Tử. Nếu người cai trị mà tâm địa hẹp hòi, đố kỵ, tư lợi, thiên vị, sống không công bằng, hưởng lạc, trác táng… thì đó là nguy cho nước.

Thâu tóm những tư tưởng trên, Thiền sư Pháp Thuận (?-990) có hiến kế cho vua Lê Ðại Hành một phép trị nước lừng danh trong lịch sử Việt Nam. Ðó là, “vô vi cư điện các; xứ xứ tức đao binh” (tạm dịch: ông vua cai trị phải sống với tinh thần vô tư, vô vi, thực chất là vô ngã thì khắp nơi không có cảnh đao binh, loạn lạc). Ðây là bài học cho những người cầm cân nảy mực ở các cấp công quyền suy ngẫm!

Với tinh thần nhân bản lớn, Phật giáo còn đóng góp cho một nền hòa bình trên trái đất, Niết-bàn giữa trần gian. Theo Phật, tất cả những cuộc chiến tranh, tất cả những điều nhiễu nhương… trong xã hội, suy cho cùng đều do cái tâm hữu ngã của con người loạn động từ tham, sân, si mà ra, đồng thời không bao giờ hận thù có thể xóa được hận thù. Nếu con người hữu minh từ bỏ tam độc đó bằng cách dứt trừ tâm ác, tinh tấn tâm thiện, tâm vô ngã thì sẽ góp phần đem lại hòa bình cho dân tộc và trên trái đất. Từ lẽ đó, cũng có thể rút ra nhận xét rằng: cái tâm của con người bẩn và loạn là tác nhân cho một xã hội bẩn và loạn, cái tâm của con người an tịnh và trong sạch thì xã hội sẽ yên bình, lành mạnh và trong sáng. Do vậy, con đường đạo đức của Phật giáo là xây dựng cái tâm ổn định, bất hại, an lạc và từ bi cho từng người, từng loại người, cho nên tự thân giáo lý Phật giáo nổi bật sắc thái của từ bi, bất hại, bất sát, bất đạo. Ðó cũng là sắc thái của giáo lý hòa bình, an lạc và điều này được gói gọn trong lời dạy của Ðức Phật: Từ bỏ mọi điều ác, làm mọi điều lành, giữ tâm ý trong sạch (kinh Pháp cú, kệ 183).

Có một điều phải bàn thêm, luật pháp và đạo đức, cả hai đều trực tiếp tác động đến hành vi của con người; chỗ khác nhau cơ bản là: sức mạnh của luật pháp nằm ở việc thực thi các điều luật do nhà nước thống trị ban hành, còn sức mạnh của đạo đức nằm ở dư luận xã hội. Thông thường, cứ chỗ nào, khi nào đạo đức bất lực thì luật pháp lên tiếng. Nhưng, luật pháp bất lực thì sao? Trong xã hội, đây là cái mầm của loạn!

Lời Phật dạy về nguyên nhân phung phí tài sản

Bàn về vấn đề này, Phật giáo dựa vào một trong những cơ sở rất vững chắc để xây dựng một hệ thống đạo đức. Ðó là thuyết Nghiệp, nó được triển khai từ luật Nhân-quả của cùng học thuyết. Theo Phật giáo, luật Nhân-quả là một luật hiển nhiên trong cuộc sống, đồng thời, không ít các hệ tư tưởng khác cũng thừa nhận.

Cũng theo Phật giáo, thuyết Nghiệp giải thích tất cả từ cấu tạo thân thể cho đến hạnh phúc, bất hạnh… của từng chúng sinh cụ thể. Quan tòa của mỗi chúng sinh là do cái nghiệp của mình, bắt đầu từ sự tác ý của mình. Ðây là quy luật có giá trị khách quan và công bằng. Do vậy, con người hay cái ta của Phật giáo, thực chất là Nghiệp báo, cho nên con người của Phật giáo là con người của hành động – hành thế nào nhận thế ấy. Theo tinh thần đó, Phật tuyên bố: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”(4).

Rõ ràng, đây là một luật nghiêm khắc và sòng phẳng, cho nên Lão Tử nói: “Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt”. Con người để lại đằng sau những hành động của mình, dấu ấn được ghi hết sức tỉ mỉ, không có chuyện nhầm lẫn và sai sót. Người ta gieo nhân nào, sẽ gặp quả ấy, còn thời gian vay trả phụ thuộc vào quả dị thục (chín), nhưng trước sau cũng không thoát được. Cũng vì lẽ này, Phật có nói: “Kẻ phàm phu không tri giác nên đi chung với cừu địch một đường. Cũng thế, những người tạo ác nghiệp nhất định cùng ác nghiệp chịu khổ báo”(5).

Chính đây là sức mạnh, một lời cảnh báo, là quan tòa cho chính mình và thực tế đã chứng minh rằng: ngày càng có nhiều trường hợp nhân quả nhãn tiền, cho nên Bồ tát thì sợ nhân, chúng sinh thì sợ quả! Ðây là giá trị đáng trân trọng của tư tưởng Phật giáo.

Như vậy, trên cơ sở của thuyết nghiệp, Phật muốn trước hết con người phải làm thiện từ tâm, thân, khẩu, chính cái này đem lại hạnh phúc cho mình, cho người và cho xã hội. Rồi sau đó, hành giả buông xả tất cả theo tinh thần vô ngã để tiến tới bờ mé của sự giải thoát viên mãn.

Chú thích:

(1). Kinh Trường bộ, tập 1, bản dịch của Thích Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991, tr.545.

(2). Triệu Anh Dung, Hán học danh ngôn, Nxb.Ðồng Nai 1995, tr.234

(3). Ðọc Walpola Ràhula, Tư tưởng Phật học, bản dịch của Thích nữ Trí Hải, Ban Tu thư Ðại học Vạn Hạnh, Sài Gòn 1974, tr.140-142; Thích Chơn Thiện, Phật học khái luận, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.134-135.

(4). Kinh Tăng chi bộ, tập II, bản dịch của Thích Minh Châu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1996, tr.425.

(5). Kinh Pháp cú, bản dịch của Thích Thiện Siêu, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1993, tr.25-26.

Tiến sĩ Tạ Chí Hồng

Theo Phatgiao.org