Không chỉ có câu chuyện nhường ống thở cho sản phụ, Facebook Trần Khoa hoàn toàn là giả mạo, bạn bè ảo cũng dựng chuyện lấy tiền từ thiện.
Vào tối ngày 7/8, trên mạng xã hội không ngừng lan truyền một câu chuyện đầy cảm động về “bác sĩ rút ống thở của ba mẹ để nhường cho sản phụ”. Bất cứ ai cũng đều không ngừng tán dương sự hy sinh cao cả của bác sĩ Trần Khoa – nhân vật chính của câu chuyện. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người phát hiện ra những tình tiết vô lý.
Hình ảnh facebook Bác sĩ Trần Khoa
Hình ảnh ‘vay mượn’ từ bác sĩ Singapore, Hongkong đến diễn viên gạo cội Hàn Quốc
Ngay ngày hôm sau (ngày 8/8), Sở Y tế TP.HCM đã lập tức ra thông báo, xác nhận những thông tin lan truyền về câu chuyện của bác sĩ Trần Khoa hoàn toàn là hư cấu. Không có chuyện rút ống thở của bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Càng đặc biệt hơn khi đến ngày hôm nay (ngày 9/8), nhiều người đã bất ngờ khi tìm được thông tin về một vị Phó Giáo sư có tên Toh Wei Seong có gương mặt giống hệt với hình ảnh được đặt làm avatar trên Facebook của bác sĩ Trần Khoa.
Thông tin về bác sĩ Toh Wei Seong được đăng tải trên fanpage chính thức của Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2017
Theo như những thông tin được đăng tải từ năm 2017 trên fanpage chính thức của Đại học Quốc gia Singapore (NUHS) từ năm 2017, Phó Giáo sư Toh Wei Seong đã công tác tại Khoa Răng hàm mặt của trường và không liên quan gì tới việc công tác hay có chuyên môn về Khoa sản như những gì chúng ta vẫn biết về bác sĩ Trần Khoa.
Ngoài ra, lần theo danh tính của Phó giáo sư Toh Wei Seong được biết ngoài công tác giảng dạy, anh cũng tập trung vào nghiên cứu, phát triển các phương pháp trị liệu mới để điều trị rối loạn thái dương hàm, các vấn đề về khớp hàm và các cơ ở mặt kiểm soát chuyển động của hàm. Về bằng cấp, Phó Giáo sư này học Cử nhân tại Đại học Melbourne, Úc; học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore.
Một hình ảnh khác của Phó giáo sư Toh Wei Seong vào năm 2018
Về cuộc sống riêng tư, trên trang Facebook cá nhân, Phó Giáo sư đã có vợ cùng hai con nhỏ và vẫn đang sống ở Singapore chứ không hề đến Việt Nam công tác.
Liên quan đến câu chuyện hư cấu “nhường ống thở”, còn có rất nhiều các tài khoản Facebook khác cũng tương tác với Facebook bác sĩ Trần Khoa khiến câu chuyện càng thêm phần… chân thực. Tuy nhiên, khi tìm hình ảnh đại diện trên Facebook của những người này cũng cho ra một số kết quả bất ngờ.
Cụ thể như Facebook Võ Thùy Linh khi tìm ảnh đại diện cũng cho ra kết quả là một chuyên gia người HongKong.
Hay như Thanh Hùng Lê – 1 người tự nhận là thầy của Facebooker Trần Khoa – thì lại có avatar Facebook là 1 diễn viên Hàn Quốc.
Hình ảnh đại điện bà Võ Thùy Linh thực chất là một chuyên gia người Hongkong
Thanh Hùng Lê – 1 người tự nhận là thầy của Facebooker Trần Khoa – thì lại có avatar Facebook là 1 diễn viên Hàn Quốc
Dựng chuyện quyên tiền từ thiện dưới danh nghĩa ‘Quỹ 82’
Ngoài ra, tài khoản FB bạn bè của Trần Khoa còn có Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra.
Câu chuyện về nhóm của Lam nuôi một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đ𝚘̣̂𝚝 𝚝𝚞̛̉. Một Facebook trong nhóm đăng đàn kêu gọi ủng hộ, quyên góp tiền làm đám tang cho cụ. Dưới lời kêu gọi kèm theo số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy. Rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ sau lời kêu gọi đẫm nước mắt này.
Thậm chí, cả câu chuyện chính bản thân Lam bị ung thư máu từ nhỏ, câu chuyện về người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được ba hiến tuỷ để cứu sống mình và sau đó Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào… đều được Lam tổng hợp cả mấy trang như một tấm gương vượt lên số phận gửi cho tất cả những người mà cô ta quen được.
Tin nhắn của Phong Lam và Nguyễn Thị Minh Thy với chị Nguyễn K.L ở TP.HCM để chuyển tiền hỗ trợ vào quỹ 82 (ảnh L.N)
“Trong bản tóm tắt cuộc đời dài cả chục trang giấy, mà Lam gửi cho tôi, Lam kể bố đã quyết tâm bán nhà đưa con gái sang Singapore chữa bệnh, làm đủ mọi nghề từ phụ hồ đến bán gà rán, hiến tuỷ cứu con gái nên bị liệt chân. Tất cả, nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới cái danh nghĩa quỹ ung thư 82”- Chị T, một doanh nhân đã đưa ra lá thư dài chục trang giấy mà Lam đã gửi cho chị và cho biết, chị đã ủng hộ vào quỹ này 5 triệu đồng và kêu gọi bạn bè ủng hộ nữa.
Chiều 9/8, trao đổi với Tiền Phong, chị Nguyễn K.L, ở TP.HCM cho biết chị là nạn nhân của nhóm “bác sĩ Khoa”. Theo chị L., vào đầu tháng 7/2020, chị đọc trên Facebook của một người bạn học cùng khoá thì phát hiện Phong Lam vào comment trên facebook của bạn mình. “Tôi vào Facebook Phong Lam xem thì thấy người này toàn viết những câu chuyện về cuộc đời mình, bố của mình bị ung thư. Sau đó, tôi có trao đổi với người này về một số bệnh tật”- chị L. kể lại. Cuối tháng 7/2020, Phong Lam nhắn cho chị L. chuẩn bị tổ chức trung thu cho các cháu mắc bệnh ung thư máu, và chị cùng nhóm “thiện nguyện 82” sẽ làm bánh bán để quyên tiền cho các em trị bệnh.
Thấy việc làm ý nghĩa nên chị L. ủng hộ 5 triệu đồng, kêu gọi các bạn bè ở TP.HCM ủng hộ người 1 triệu, người 2-3 triệu đồng. “Số tiền ủng hộ của nhóm tôi đều thông qua tài khoản có tên Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre. Đến tháng 8/2020, Thy còn gọi cho tôi để trình bày rằng nhóm đang tổ chức hoạt động nhưng thiếu 300 phần quà, tôi ủng hộ qua tài khoản của Thy 2 triệu đồng và nhiều người quen của tôi cũng ủng hộ”- chị L. kể lại.
Một bức thư dài 6 trang được Phong Lam gửi đến cho những người quen biết kể về hành trình cô điều trị ung thư và những người đang mắc căn bệnh này để sau đó kêu gọi hảo tâm
Theo chị Nguyễn K.L, đầu năm 2021, nhóm này còn kêu gọi nhiều người quyên góp vào các chương trình ung thư của “quỹ 82” nhưng sau khi tìm hiểu thấy có nhiều bất thường nên chị L. không tham gia.
Theo thông tin cùng số điện thoại của Phong Lam và Nguyễn Thị Minh Thy mà chị L. cung cấp cho phóng viên, chúng tôi liên lạc thì tất cả đã khoá máy, Facebook và Zalo đều không tồn tại.
Không rõ mục đích của những người thực hiện hành vi mạo danh, dựng lên câu chuyện về Facebook bác sĩ Trần Khoa là gì nhưng giữa thời điểm nhạy cảm như hiện nay, những thông tin không đúng sự thật đó sẽ gây thêm nhiều sự hoang mang cho cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng và người đăng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổng hợp nguồn: https://tienphong.vn/nhom-cua-bac-si-khoa-dung-chuyen-lay-tien-nguoi-ca-tin-ra-sao-post1364218.tpo