Trong câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, giây phút làm tôi, và tôi tin nhiều người, xúc động không kém, là khi anh ra khỏi xe vì nghe tiếng la và nhìn thấy một em bé đang treo lơ lửng.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội ngày 28-2 – Ảnh: PHẠM CHIẾN

Câu chuyện thanh niên Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) tìm cách cứu em bé 3 tuổi treo lơ lửng ở lan can chung cư tầng 12 rồi rơi xuống mái tôn đã trở thành món quà ấm áp với đông đảo người Việt Nam trong đêm 28-2.

Cảm động, cảm phục… những gì mọi người truyền đi quanh câu chuyện của anh và gửi đến anh đều là những tình cảm tốt đẹp. Sự dũng cảm và lòng lương thiện của anh đã “gây ra” những cảm xúc tích cực đó.

Giây phút anh trượt chân ngã trên mái nhà nhưng vẫn ráng chụp em bé, “tim tôi như rớt ra ngoài”, “giây phút thấy một người đi vào cõi chết được người khác cứu, xúc động quá” (bạn đọc Tuổi Tre Online).

Nhưng không chỉ là thời điểm đó. Trong câu chuyện của anh, giây phút làm tôi xúc động là giây phút anh đã bước ra khỏi xe sau khi nghe tiếng la và nhìn thấy em bé sắp rơi. “Tôi nhìn xung quanh và ngẩng lên thì nhìn thấy một em bé đang leo lan can ở tầng cao ra ngoài. Thấy vậy, tôi liền mở cửa xe rồi tìm cách trèo trên mái tôn để đỡ cháu nếu rơi”, anh kể lại.

Anh Mạnh có thể cứ ngồi yên trên xe hay bước ra mà không làm gì vì sự việc quá tầm tay. Nhưng anh đã không để mình thành người chỉ quan sát, bất lực mà không nỗ lực gì. Anh hành động.

Còn nhớ năm 2020, một thanh niên Mỹ cũng được ca ngợi là người hùng. Nghe tiếng kêu cứu từ một ngôi nhà đang cháy, chàng trai Phillip Blanks bỏ ngang việc, chân trần chạy nước rút đến và kịp “đón” bé Jameson Long được người mẹ ném khỏi bancông tầng 3 của ngôi nhà.

Cả anh Mạnh hay Phillip Blanks đã nghĩ gì khi “lao ra, lao đến, đưa tay, bắt lấy”. Hầu như họ không kịp nghĩ gì xa vời.

 

“Khi ấy, tôi chẳng kịp suy nghĩ gì cả, tôi chỉ phản xạ tự nhiên. Tôi cố gắng làm hết sức. Đầu thằng bé đáp xuống khuỷu tay tôi một cách hoàn hảo. Tôi biết cách bắt bóng, tôi đã học được cách bắt bóng khi chơi bầu dục” – Phillip Blanks nói.

Còn anh Ngọc Mạnh cũng không kịp nghĩ gì, anh chỉ nói: “Con gái tôi cũng cỡ tuổi em bé đó”.

Một thứ lòng tốt bản năng, có sẵn trong tim đã khiến họ quyết định sẽ không ngồi yên trong giây phút mà đa số đều bối rối, hoặc không kịp nghĩ rằng mình sẽ chính là người cứu một ai đó.

“Cơ hội” cứu một người không phải luôn có, nhưng không phải là không có, còn có những cơ hội dễ hơn trong cuộc đời mỗi người chúng ta là giúp người, làm một việc tốt cho người khó khăn hơn quanh mình.

Chính giây phút chúng ta dám bước ra khỏi xe, khỏi nhà, khỏi sự thờ ơ của mình sẽ quyết định chúng ta đóng góp gì thêm vào cuộc sống.

“Chỉ có những người lương thiện mới làm tôi rơi lệ” – là câu nói đầy ý nghĩa bạn đọc Xamai trên Tuổi Trẻ Online nói về hành động tìm cách cứu em bé của anh Mạnh. Chúng ta đã quen khóc vì cái ác, cái thờ ơ, nhưng khi khóc vì lòng tốt xung quanh ta, điều khác biệt là chúng ta rơi nước mắt mà vẫn có thể nở nụ cười.

Nguon: https://tuoitre.vn/chi-co-nhung-nguoi-luong-thien-moi-lam-toi-roi-le-20210302074012666.htm