Đôi khi số tiền quá nhỏ nên nhiều khách hàng đi siêu thị cũng tặc lưỡi cho qua rồi nhận kẹo thay thế tiền thừa nhưng không phải ai cũng thoải mái với điều đó.
Khoảng vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của tờ 500 đồng khi đi mua sắm gần như trở nên khan hiếm hơn hẳn. Nhất là khi đến với các siêu thị, với lý do không có tiền lẻ trả lại, thu ngân thường sẽ đưa cho khách hàng những viên kẹo, bịch đường để thay thế.
Hiện tại không có quá nhiều nơi trả lại tiền lẻ 500 đồng mà thường làm tròn tổng tiền thanh toán. (Ảnh: Dân Trí)
Với số tiền không quá to tát này, nhiều người cũng đơn giản cho qua. Thế nhưng không ít trong số họ cảm thấy không thoải mái khi phải nhận về thứ mình không muốn.
“Đi siêu thị 100 lần thì 101 lần tiền thanh toán lẻ loi mấy trăm đồng. Mà chả nhẽ lại đứng kì kèo đôi co nên nhiều khi mình coi như tip luôn cho nhân viên. Cũng không quá to tát mà” – P.L chia sẻ với YAN.
Mặt khác chị A.T lại có ý kiến: “Đúng là giờ có cầm 500 đồng cũng chẳng mua được gì. Nhưng nếu siêu thị đã không có tiền trả lại thì sao không làm tròn giá lên luôn. Chưa kể có những lần thu ngân còn im ỉm đi coi như mặc định lẻ 500 đồng thì khỏi cần trả khách nên nhiều lúc cũng bực mình.”
Chẳng biết từ bao giờ những viên kẹo đã trở thành một “đơn vị tiền tệ” dùng để trả lại khách. (Ảnh: VietNamNet)
Vấn đề này cũng được đưa ra bàn tán rất nhiều trên mạng xã hội và nhận về hai luồng ý kiến. Trong khi có bình luận cho rằng dù sao cũng chỉ ít tiền lẻ, không cần thiết làm to chuyện. Số khác lại nghi ngờ liệu siêu thị có thực sự thiếu tiền lẻ trả lại khách đến thế.
Chưa tính đến chuyện, rất nhiều người thắc mắc rằng nếu một người không lấy 500 đồng, 1 nghìn đồng đã đành nhưng nếu là hàng nghìn người cùng không lấy, tích tiểu thành đại vậy số tiền dư ra sẽ đi đâu, là nhân viên, siêu thị hay ai được lợi.
Nhân viên đang thanh toán cho khách tại quầy siêu thị. (Ảnh: Báo Đầu Tư)
Là một nhân viên thu ngân của siêu thị tư nhân trên quận Long Biên, bạn T.M (hiện đã nghỉ việc) kể rằng trước khi vào ca trực, các thu ngân đều được phát một số tiền nhất định, trong đó phần lớn là tiền lẻ trả lại khách.
Đến cuối ca làm việc, họ sẽ phải nộp đủ tổng số tiền thu được dựa trên hóa đơn thanh toán. Bởi vì siêu thị chỉ quản lý đúng số tiền hiện trên hệ thống nên nếu thiếu, thu ngân phải bù, thừa là có thể lén cầm đi từ lúc chốt ca.
Do đó, việc thu ngân “xin” khách tiền lẻ, trả lại bằng kẹo hay bịch đường được xem là một cách gom tiền về lâu về dài. T.M thừa nhận vào lúc cao điểm, mỗi ca có thể thu về được số tiền kha khá.
Tất nhiên việc làm này không đồng nghĩa tất cả các siêu thị đều có hành động như thế. Nhưng nói ra đây để biết việc không trả lại những đồng tiền lẻ cho khách hàng cũng có thể coi là một chiêu trò nghề nghiệp.
Việc nhận bịch đường, viên kẹo thay tiền thừa vẫn đang gây tranh cãi nhiều. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Nói về vấn đề này, giám đốc kinh doanh của một ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh từng chia sẻ với VTC rằng các doanh nghiệp như siêu thị nếu có nhu cầu tiền lẻ đều có thể liên hệ ngân hàng để được hỗ trợ.
Bà Hằng cho hay: “Việc không trả lại tiền thừa mà thối bằng kẹo cho khách hàng là sai. Dù là 200 đồng, 500 đồng đều đang được lưu hành nên theo quy định của nhà nước, cơ sở kinh doanh phải trả lại cho khách hàng.”
Như vậy, rõ ràng các siêu thị, khu mua sắm hoàn toàn có thể tìm kiếm được nguồn tiền lẻ để trả lại cho khách. Tuy nhiên vì chưa có điều luật nào cụ thể quy định cũng như thái độ của khách hàng không quyết liệt nên câu chuyện lấy kẹo, bịch đường thay tiền lẻ này đến nay vẫn đang và có thể sẽ tiếp tục diễn ra.
Nguồn: https://www.yan.vn/di-sieu-thi-duoc-thoi-lai-bang-vien-keo-don-gian-het-tien-le-260282.html