Cây gạo này nằm trong vườn nhà bà Trần Thị Hoàn (60 tuổi), trú tại thôn 4, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Cây gạo của gia đình bà được trồng năm 1979, thân cây cao đến 40 m.
Cách đây 3 năm, cây gạo này bỗng có 3 đàn ong cùng về làm tổ. Và từ đó đến nay, vào tháng 5 hàng năm cây gạo lại đón thêm hàng chục đàn ong về trú ngụ.
Riêng năm 2017 đã có 46 đàn ong chọn cây gạo làm “ngôi nhà” của mình, ong làm tổ ở đây đến tháng 10 chúng lại bay đi tránh rét. Đến năm 2018, số lượng tổ đã tăng lên gần 60.
Điều khá đặc biệt, mặc dù xung quanh đó có rất nhiều cây cối nhưng đàn ong chỉ đến “xây nhà” ở cây gạo nhà bà Hoàn và chung sống rất hòa bình. Theo quan sát, tổ lớn nhất có chiều dài tới 1,5 m, rộng gần 1 m; tổ nhỏ nhất dài gần 0,5 m, rộng 0,3 m. Cũng theo người chủ, số tổ ong sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới vì mỗi ngày bà theo dõi lại thấy những đàn ong mới về xây tổ.
Cũng đã có nhiều người đến đề nghị mua các tổ ong nhưng gia đình bà Hoàn nhất quyết không bán. Bà cho rằng đó không chỉ là điều kỳ lạ mà còn là điều may mắn của gia đình mình và bà phải có trách nhiệm bảo vệ những đàn ong đặc biệt này.
Giới buôn mật ong rừng cũng nhiều lần đến “gạ” bà Hoàn bán để lấy mật, sáp ong, và sữa ong chúa, song, bà nhất quyết từ chối. Thậm chí có người trả giá 80 – 90 triệu đồng nhưng cả gia đình vẫn nhất quyết không đồng ý.
Ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: “Do nằm trên trục đường chính của xã nên đã gây sự chú ý của người qua đường. Tuy nhiên đàn ong chưa đốt ai bao giờ”.