Mặc dù đã học lớp 6 nhưng một số học sinh ở Đồng Tháp đọc, viết sai rất nhiều và không thể đọc liền câu, mà phải đánh vần từng chữ.

 

Ngày 10-4, theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, liên quan đến vụ học sinh lớp 6 nhưng không đọc thông, viết thạo, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Đồng Tháp đã có công văn gửi các phòng GD-ĐT và các nhà trường nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Hoàn cảnh của các em không biết thạo chữ hầu hết đều khó khăn

Qua tìm hiểu, em N.V.K khi đang học kỳ 1 của năm lớp 6 tại Trường THCS-THPT Tân Mỹ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhưng nhất quyết đòi nghỉ học vì em không biết chữ nên mặc cảm với bạn bè.

Qua lời thuật lại của gia đình em K., năm học lớp 1 và lớp 2. em K. vẫn biết mặt chữ, ráp vần được. Tuy nhiên, sang lớp 3 thì K. bị tuột lại so với các bạn. Đỉnh điểm đến lớp 5, K. đọc chữ rất khó khăn. Có chữ em đọc được, chữ đọc sai, những từ ghép có nhiều âm tiết thì em hoàn toàn không biết đọc.

Ngoài K. đã nghỉ học, còn 5 học sinh khác đọc viết cũng sai rất nhiều và không thể đọc liền câu, mà phải đánh vần từng chữ. Riêng chính tả thì các em viết sai nhiều.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình đến nhà các học sinh để tìm hiểu những khó khăn và động viên các em trở lại lớp

 

Trước sự việc này, ông Lý Bảo Việt, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình, cho biết: “Việc các em rơi vào trường hợp chưa đọc thông, viết thạo hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Qua đó, địa phương đã nắm tình hình, động viên các em. Học sinh nào gặp khó khăn, vướng mắc gì thì hỗ trợ, giúp đỡ. Đặc biệt là cử giáo viên hỗ trợ, dạy kèm để các em theo kịp bạn bè. Với trường hợp học sinh đã bỏ học, Phòng GD-ĐT yêu cầu nhà trường sẽ kết hợp cùng địa phương vận động các em nhưng vẫn chưa đi học lại. Trường hợp các em chưa đọc, thông viết thạo nhà trường khẩn trương tìm nguyên nhân, động viên, giúp đỡ”.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, sau khi nhận được phản ánh, sở đã có công văn gửi các Phòng GD-ĐT và các trường nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng. Cụ thể, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học. Thậm chí, có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận.

Để chấn chỉnh thực trạng này, Sở GD-ĐT Đồng Tháp yêu cầu các phòng GD-ĐT, các trường THPT và cơ sở giáo dục thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê về số học sinh, học viên còn yếu. Sở cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn nghiêm túc phân tích nguyên nhân, trong đó làm kỹ nguyên nhân về phía nhà trường (như tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh yếu kém…). Từ đó, có biện pháp khắc phục cụ thể, khả thi, phù hợp.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp được lên lớp.

“Yêu cầu các đơn vị cần tổ chức kèm, bồi dưỡng học sinh, học viên yếu để các em từng bước củng cố lại kiến thức, kỹ năng chưa đạt. Sở không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng vào cuối năm học”, ông Danh khẳng định.

Nguồn:https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/so-gd-dt-dong-thap-len-tieng-vu-hoc-sinh-lop-6-khong-doc-thao-chu-20210410175411083.htm