Thời gian gần đây, cư dân mạng trên thế giới như phát cuồng vì trào lưu #10yearChallenge. Khắp Facebook, Twitter, Instagram và vô số các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bức hình cho thấy sự đổi khác của chúng ta qua quãng thời gian kéo dài 1 thập kỷ. Nhiều người còn xem đây là dịp để chứng minh họ… dậy thì thành công như thế nào, hoặc để khoe vẻ đẹp bất tử cùng thời gian.
Ở một diễn biến khác, các nhà khoa học cũng tham gia trào lưu, nhưng với đối tượng là Trái đất. Họ muốn thông qua trào lưu này để cho chúng ta thấy một sự thật, rằng qua thời gian hành tinh của chúng ta đã thay đổi theo cái cách khiến nhiều người đau lòng.
1. Vấn nạn rõ ràng nhất: phá rừng
Nguồn ảnh: Y4WC
Theo thống kê năm 2017, mỗi phút chúng ta mất đi một khoảng diện tích rừng rộng bằng 40 cái sân bóng đá – tương đương hơn 15,8 triệu hecta trong năm. Còn riêng riêng rừng rậm Amazon, trong giai đoạn 2009 – 2019 đã mất khoảng 60.000 km2 diện tích rừng bao phủ.
Dành cho những ai chưa biết, những khu rừng trên thế giới có chức năng giữ lại carbon, nhằm giảm bớt tác hại của khí nhà kính lên môi trường. Nếu rừng cứ tiếp tục biến mất, có khả năng lượng carbon được lưu giữ bấy lâu nay sẽ bùng nổ, gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng và khiến nhiều loài vật rơi vào thảm cảnh tuyệt chủng.
2. Trái đất nóng lên
Ảnh: WWF UK
Bức hình này là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy Trái đất ngày càng nóng lên, và nó tác động như thế nào với băng giá vùng cực. Theo dữ liệu từ NASA, lượng băng tại biển Bắc Cực đã giảm 12,8% trong vòng 10 năm gần nhất.
Ảnh: Greenpeace
Một bức hình khác về vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là những gì xảy ra tại Bắc Cực trong vòng 100 năm, và bạn có thể thấy thềm băng to lớn xưa kia giờ đã biến mất.
Bạn có thể thấy lượng băng tại Alaska đã thay đổi như thế nào. Theo thống kê thì trong giai đoạn 2003 – 2010, Alaska đã mất 46 tỉ tấn băng.
Biến đổi khí hậu cũng khiến cho loài vật biểu tượng của Bắc Cực trở nên thê thảm. Băng tan quá nhanh khiến cho quá trình săn mồi của gấu trắng ngày càng khó khăn hơn. Chúng phải di chuyển xa mà thức ăn thì ngày càng hiếm, khiến số lượng giảm dần. Theo thống, đến năm 2050 có lẽ số lượng gấu trắng trên thế giới sẽ chỉ còn 30% so với hiện tại mà thôi.
Trái đất nóng lên, nước biển cũng nóng lên, và nồng độ acid trong nước biển cũng tăng lên. Tất cả đã khiến cho các rạn san hô bị tẩy trắng và chết dần. Hiện tại, 1/2 số san hô tại rạn san hô khổng lồ Great Barrier của Australia đã bị tẩy trắng, và không có dấu hiệu phục hồi.
3. Ô nhiễm môi trường
Ảnh: Ghana Wildlife Society
Bức hình trên cho thấy thảm cảnh những con sông tại Ghana đã phải gánh chịu trong 10 năm: nạn ô nhiễm do khai thác vàng trái phép.
Người Ghana có thuật ngữ “Galamsey” để chỉ hiện tượng này. Theo thống kê, ít nhất 75% các con sông tại Ghana đã bị biến màu chỉ vì người dân muốn tìm vàng.
Một vấn nạn rõ ràng khác là rác thải nhựa. Mỗi năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra các đại dương, nghĩa là trong 10 năm con số lên đến 80 triệu tấn. Theo các nhà khoa học thì đến năm 2050, lượng rác nhựa trên đại dương sẽ còn vượt qua số cá về mặt khối lượng.
4. Tuyệt chủng
Đây là bức hình do NSPCA (Hội đồng phòng chống tàn ác đối với động vật) đăng tải, nhằm mục đích cảnh báo về thảm cảnh sẽ xảy ra với loài tê giác trong 10 năm tới.
Được biết, tê giác đen và tê giác trắng Nam Phi hiện là những loài đang ở mức cực kỳ dễ tuyệt chủng. Và trong năm 2018, loài tê giác trắng Bắc Phi đã được xác định là chính thức tuyệt chủng, khi cá thể đực cuối cùng trong loài là Sudan đã qua đời.
Vẹt xanh Spix – loài cùng giống với chú vẹt Blu trong bộ phim hoạt hình “Rio” cũng chính thức tuyệt chủng trong năm 2018. Năm nay, chúng ta không còn thấy chúng tồn tại nữa rồi.
Tham khảo: IFL Science, BBC