Từ 1-2, tức từ mùng 1 Tết Nhâm Dần đến hết năm 2022, người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% sẽ được giảm còn 8%.

 Bộ Tài chính cho biết từ ngày 1-2 đến hết năm 2022, thuế giá trị gia tăng các hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm 2% – Ảnh: N.TRÍ

Ước tính năm 2022 Nhà nước giảm thuế, thực chất là “cấp lại”, hay “tặng” cho người dân số tiền 49.400 tỉ đồng để mua sắm. Nhưng tiền đó có ở lại ví tiền hay không, người tiêu dùng phải biết đòi hỏi quyền lợi của mình.

Với mức thuế còn 8% (tính ra tỉ lệ giảm là 20%), nhưng số tiền được giảm lại lắt nhắt mỗi khi mua hàng nên lắm khi người dân không quan tâm, còn tính tổng, số tiền được giảm cũng kha khá. Ví dụ gia đình 4 người xài 20 triệu/tháng sẽ tiết kiệm 400.000 đồng/tháng (4,8 triệu đồng/năm).

Cái hay của giảm thuế GTGT chẳng cần thủ tục gì cả, mua hàng là được giảm thuế. Nhưng điều đó cũng dễ dẫn đến tình huống người tiêu dùng tiếng là được giảm thuế nhưng người khác lại hưởng.

Thuế GTGT là thuế gián thu vì Nhà nước không thu trực tiếp như thuế thu nhập cá nhân mà “ủy quyền” cho bên bán hàng thu và nộp lại cho Nhà nước. Trên hóa đơn ghi rõ: giá bán (bên bán hưởng); thuế GTGT (Nhà nước hưởng), và tổng số tiền thanh toán. Khi bên bán xuất hóa đơn, việc giảm thuế đã rạch ròi. Ngược lại, nếu không xuất hóa đơn, bên bán dễ nhập nhèm giữa giá bán với thuế, vẫn thu đủ của bên mua rồi… cất túi.

Với đặc thù mua bán không hóa đơn của nhiều hộ kinh doanh nộp thuế khoán, khả năng giảm thuế cho bên bán, thay vì bên mua là khó tránh khỏi. Vậy cách nào để nhận diện bên bán có giảm thuế cho người mua? Đó là căn cứ trên hóa đơn. Nhưng với nhiều món hàng tiêu dùng hằng ngày bán ở điểm bán nhỏ lẻ làm gì có hóa đơn. Rồi số tiền mua hàng không lớn, tiền thuế được giảm không nhiều, thế là bên bán vui vẻ làm… tròn số có lợi cho mình. Trường hợp này “lọt sàng xuống nia”, người tiêu dùng không được hưởng, bên bán được hưởng. Nhưng như vậy lại đi chệch mục tiêu giảm thuế GTGT là giảm giá để khuyến khích mua sắm nhiều hơn qua đó giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi.

Cần nhắc lại rằng, Nhà nước tính cũng kỹ, có luôn cả phương án giảm mức tính tỉ lệ tính thuế cho hộ và cá nhân kinh doanh để họ áp dụng chính sách giảm thuế cho người tiêu dùng. Nhưng chuyện nào ra việc ấy: người tiêu dùng được giảm thuế GTGT, người kinh doanh được hỗ trợ qua giảm thuế thu nhập, bù lãi suất (tùy đối tượng…), không thể nhập nhèm của người tiêu dùng.

Cũng có ý kiến nói rằng sẽ có xu hướng người kinh doanh dùng chính sách giảm thuế để cạnh tranh nhằm giảm giá bán để tăng doanh thu. Có thể, nhưng xu hướng này khó rõ nét bởi tập quán mua bán không hóa đơn, lại ít quan tâm đến thuế còn khá phổ biến với hàng tiêu dùng hằng ngày. Vì vậy, khi người tiêu dùng khi đòi hỏi quyền lợi của mình cũng sẽ khuyến khích người kinh doanh sử dụng giảm thuế để cạnh tranh, họ phải niêm yết giá công khai, ghi rõ thuế sẽ giảm, thậm chí là chịu xuất hóa đơn cho bên mua.

Chuyện giảm thuế kéo dài đến hết năm. Số tiền giảm thuế hằng ngày khi mua sắm không lớn, nhưng tích tiểu thành đại. Con số Nhà nước đã công bố, giảm thuế GTGT, ngân sách nhà nước giảm thu 49.400 tỉ đồng. Số tiền này ai cũng được hưởng, chúng ta đừng nề hà, cho là lắt nhắt mà bỏ qua, bởi như thế tiền giảm thuế đã “đi lạc” vào túi người khác!

Nguồn: Tuổi trẻ