Trượt Top 5 mãnh tướng mạnh nhất Thục Hán, Nguỵ Diên liệu có thể đánh bại được “Ngũ hổ tướng”?
Trong Tam Quốc, Lưu Bị được coi là có xuất phát điểm yếu thế hơn so với Tào Tháo và Tôn Quyền. Tuy nhiên, vị quân chủ của nhà Thục Hán cũng chiêu mộ được rất nhiều nhân tài, trong đó có các mưu sĩ và mãnh tướng vang danh trong thiên hạ.
Nếu như Tào Tháo có “Ngũ tử lương tướng” thì Lưu Bị cũng có “Ngũ hổ tướng” cho riêng mình. Đó là 5 vị tướng mạnh nhất, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp của Lưu Bị và Thục Hán. Nhiều người trong số này thậm chí còn là nhân tài mà Tào Tháo khao khát muốn chiêu mộ như Quan Vũ, Triệu Vân.
Ngũ hổ tướng của Thục Hán gồm có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, tên gọi Ngũ hổ tướng được Lưu Bị ban cho 5 mãnh tướng này vì họ có những đóng góp to lớn cho nhà Thục Hán.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, có một vị tướng cũng có thể được xếp vào Ngũ hổ tướng, đó là Nguỵ Diên, đại tướng quân của nhà Thục Hán. Theo các sử gia đánh giá, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Nguỵ Diên được đánh giá là một tướng tài, dũng cảm và trung thành. Ông được coi là một trong những trụ cột của Thục Hán.
Từ khi đi theo Lưu Bị, Nguỵ Diên đã lập được nhiều chiến công và có đóng vai trò quan trọng trong việc trấn thủ Hán Trung và trợ giúp cho Gia Cát Lượng trong quá trình tiến hành chiến dịch Bắc phạt. Thậm chí, trong chiến dịch Bắc phạt diễn ra từ 228 – 234, Nguỵ Diên từng đảm nhận nhiều chức vụ như Tiền quân sư, Chinh Tây đại tướng quân, Giả tiết,…
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng cho rằng Nguỵ Diên có tướng mạo phản phúc, dự đoán sau này có thể nổi loạn nên luôn đề phòng võ tướng này. Trên thực tế, dù có công lao rất nổi bật đối với nhà Thục Hán nhưng địa vị của Nguỵ Diên lại thấp hơn so với Ngũ hổ tướng.
Câu hỏi đặt ra là nếu Nguỵ Diên đơn đấu với Ngũ hổ tướng thì ai sẽ dễ bị đánh bại nhất. Hãy cùng so sánh thực lực của 5 vị tướng mạnh nhất của Thục Hán nếu giao đấu với Nguỵ Diên. Kết quả sẽ ra sao?
Thứ nhất: Quan Vũ
Quan Vũ là một vị tướng nổi tiếng vào cuối những năm thời nhà Đông Hán và thời Tam Quốc. Ông là người có tài năng, võ nghệ dũng mãnh với sức địch vạn người, được coi là “hổ thần” một thời, có phong độ quốc sĩ. Tài năng và sự trung nghĩa của Quan Vũ nổi danh khắp Tam Quốc. Ông từng khiến ba thế lực mạnh nhất Tam Quốc là Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô phải kiêng dè, thậm chí còn làm Tào Tháo cả đời nuối tiếc vì không thể chiêu mộ được.
Quan Vũ được coi là người đứng đầu trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán. Ông chính là một đại tướng vô cùng dũng mãnh ngay cả trong chính sử và Tam Quốc diễn nghĩa. Quan Vũ chém chết Nhan Lương trước hàng vạn quân, nổi danh ngay trong trận đầu ra quân. Thực lực của Quan Vũ chắc chắn là trên cơ Nguỵ Diên nhiều.
Thứ hai: Trương Phi
Trương Phi được coi là danh tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Theo ghi chép trong sử sách, không chỉ giỏi võ nghệ, dũng mãnh hơn người, Trương Phi còn được đánh giá là người văn võ song toàn. Ông không những viết chữ rất đẹp mà còn có sở trường vẽ tranh mỹ nhân.
So với Quan Vũ, Trương Phi có phần dũng mãnh hơn, nhưng lại thiếu đi một chút mưu kế. Tuy nhiên, xét về khả năng đơn đấu, Trương Phi không hề thua kém Quan Vũ. Theo đó, Trương Phi từng đơn đả độc đấu với Lã Bố mấy chục hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Điều này cho thấy sức mạnh hơn người của Trương Phi. Đương nhiên nếu như Trương Phi có thể đọ sức với đệ nhất võ tướng thời Tam Quốc là Lã Bố thì việc đánh bại Nguỵ Diên không có nhiều khó khăn.
Thứ ba: Triệu Vân
Triệu Vân là danh tướng vào thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc. Ông chính là công thần khai quốc của nhà Thục Hán. Không những có võ nghệ dũng mãnh, mưu lược, Triệu Vân còn hết lòng tận trung vì Lưu Bị và Thục Hán. Ông được ca ngợi là “Hổ uy tướng quân”.
Triệu Vân đi theo Lưu Bị ngay từ thời gian đầu gây dựng cơ nghiệp, thậm chí còn được đánh giá là võ tướng hoàn mỹ nhất Tam Quốc khi không những xuất sắc trong lĩnh vực quân sự mà còn là một người mưu lược, không chê vào đâu được.
Dù ít khi tham gia vào một cuộc chiến quy mô lớn nhưng Triệu Vân nổi bật trong vai trò là võ tướng cận vệ của Lưu Bị. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Triệu Vân gây ấn tượng với chiến tích 2 lần xông pha để cứu Hậu chủ Lưu Thiện. Đặc biệt, trong trận Trường Bản, cảnh tượng Triệu Vân tả xung hữu đột, một mình xông vào phá vòng vây của quân Nguỵ để cứu con trai Lưu Bị đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng một người vô cùng trọng người tài như Tào Tháo.
Do đó, Triệu Vân ắt hẳn phải mạnh hơn Nguỵ Diên, theo Tam Quốc diễn nghĩa.
Thứ tư: Mã Siêu
Mã Siêu được người đương thời ca ngợi là võ dũng hơn người, nổi danh vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc. Mã Siêu được coi là hậu duệ của tướng Mã Viện nhà Đông Hán.
Ông cũng là mãnh tướng từng truy sát Tào Tháo khiến vị quân chủ này phải cắt râu, vứt áo mới có thể chạy thoát. Đúng là chỉ thiếu một chút là Mã Siêu đã có thể đánh bại được Tào Tháo. Mã Siêu từng có dịp đại chiến với Hứa Chử và Trương Phi. Dù gia nhập tập đoàn của Lưu Bị khá muộn nhưng Mã Siêu nhanh chóng chứng tỏ được sức mạnh và tài năng. Ông trở thành một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán.
Vì vậy, đương nhiên Nguỵ Diên cũng không phải là đối thủ của Mã Siêu.
Thứ năm: Hoàng Trung
Võ tướng cuối cùng trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán là Hoàng Trung. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Hoàng Trung được mô tả là một “lão tướng” có sức địch muôn người và lập được nhiều công lao sau khi về đầu quân cho Lưu Bị.
Chiến tích nổi bật nhất của Hoàng Trung là trận chiến ở núi Định Quân (năm 219) khi tướng nhà Tào Nguỵ là Hạ Hầu Uyên bị giết chết. Hoàng Trung từng có dịp giao đấu bất phân thắng bại với Quan Vũ, thậm chí còn bắn cung trúng vào mũ của danh tướng này.
Vào năm 219, sau khi tự xưng là Hán Trung vương, Lưu Bị đã bổ nhiệm Hoàng Trung là Hậu tướng quân và ban tước vị là Quan Nội hầu, xếp ông ngang hàng với 4 mãnh tướng tài giỏi là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân và Mã Siêu. Lúc bấy giờ, Quan Vũ đang trấn thủ ở Kinh Châu, tỏ ra không bằng lòng khi hay tin Hoàng Trung có địa vị ngang hàng với mình. Tuy nhiên, xét về sức mạnh tổng thể, Hoàng Trung là “lão tướng” không hề thua kém một hổ tướng nào trong Ngũ hổ tướng của Thục Hán và tất nhiên là mạnh hơn Nguỵ Diên.
Do đó, suy cho cùng có thể Nguỵ Diên không đánh bại được bất kỳ ai trong Ngũ hổ tướng.