Có thể nói Tam Chúc là khu du lịch quốc gia ở Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn là quần thể chùa lớn nhất nhì trên thế giới. Hãy cùng bỏ túi những kinh nghiệm khi thăm quan nơi đây nhé!
Chùa Tam Chúc được xây dựng tại vùng núi đá vôi ngập nước, được bao bọc bới dãy núi Thất Tinh hình cánh cung, soi mình xuống hồ Tam Chúc. Tại vị trí này từ thời vua Đinh Tiên Hoàng đã cho xây dựng chùa Tam Chúc cổ để thờ những vị quốc sư có công phát triển Phật giáo Việt Nam như: Sư Tổ Đạt ma; Thiền sư Khuông Việt; thiền sư Đỗ Phát Thuận; Thiền sư Nguyễn Minh Không; Hòa thượng Thích Thanh Tứ.
Quần thể Tam Chúc nhìn từ đỉnh Chùa Ngọc
Chùa Tam Chúc mới là một quần thể chùa rộng lớn, bao gồm các hạng mục tòa điện rộng lớn được xây dựng xếp lớp dần từ chân núi lên đến đỉnh núi như: cổng Tam Quan (gồm Tam Quan Nội và Tam Quan Ngoại), vườn cột kinh, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và trên cùng là Chùa Ngọc.
Cổng Tam Quan. Ảnh: @chuatamchuc
Tam Quan Nội. Ảnh: @chuatamchuc
– Vườn cột kinh nằm ngay sau cổng Tam quan, đây là là những cột kinh nguyên phục dựng giống Bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Giữa khoảng sân từ Tam quan tới điện Quan Âm có 32 cột kinh được bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phía trên phần thân cột là một đấu cột hình lục giác, phía trên đấu cột là một bát đỡ một nụ sen. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức.
– Điện Quan Âm thờ Phật nghìn tay nghìn mắt, là một kho tàng phong phú với những tích chuyện về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Phật, thể hiện qua các lần ứng thân trải qua vô số kiếp luân hồi.
Ảnh: @chuatamchuc
– Điện Pháp Chủ nằm dưới điện Tam Thế. Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn.
Ảnh: @chuatamchuc
– Điện Tam Thế là tòa lớn nhất. Bước qua hàng cửa gỗ chạm lộng tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn.
– Chùa Ngọc có chiều cao 15m được xây dựng bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn.
Giữa hồ Tam Chúc có hòn đảo nhỏ được nối vào bờ bằng một cây cầu nhỏ, trên hòn đảo này là Đình Tam Chúc được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng và được phục dựng lại. Đình Tam Chúc nhỏ, mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ. Tại đây bạn sẽ đi tàu từ bến ở cổng để tham quan và nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử cũng như các văn hóa và các loài động vật đang được bảo tồn trên các hòn đảo nhỏ giữa hồ này.
Quần thể chùa Tam Chúc cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4,5km, cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) 30km; đây là một mắt xích quan trọng trong việc khai thác tuyến du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam của Bộ Du Lịch. Tuyến du lịch tâm linh Bái Đính (Ninh Bình) – Tam Chúc (Hà Nam) – Chùa Hương (Hà Nội) dự kiến sẽ sớm được đưa vào khai thác trong thời gian sắp đến.
Khách xá. Ảnh: @chuatamchuc
Tam Chúc nổi tiếng không chỉ cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ uy nghi vào ban ngày, điều làm cho Tam Chúc nổi bật hơn tất cả, chính là cảnh về đêm tại đây. Hình ảnh những ánh đèn từ các điện soi xuống mặt hồ Tam Chúc, khiến cho ai chứng kiến cảnh tượng ấy cũng phải thẫn thờ không thốt lên lời.
Khuyến khích các bạn nên đến Tam Chúc từ tối hôm trước và ở lại trong Khách Xá (nên liên hệ để đặt phòng trước và ăn tối trước khi đến, do khu du lịch nằm trong núi, tách biệt với bên ngoài) để có thể ngắm nhìn cảnh đẹp tuyệt vời về đêm tại đây. Không những vậy sáng hôm sau các bạn còn có thể dậy sớm và leo lên Chùa Ngọc trên đỉnh Thất Tinh từ 5h30 và ngắm nhìn trọn vẹn nhất toàn cảnh từ trên cao xuống. Lợi thế nếu các bạn leo từ sớm sẽ rất ít du khách, hay thậm chí là chưa có ai. Du khách sẽ được tận hưởng không khí sáng sớm cực kì mát mẻ, yên bình và trong lành tại đây. Sau khi leo 200 bậc lên chùa Ngọc, leo xuống đến chân núi lúc 7h30 và về lại Khách Xá dùng bữa sáng Buffet tại đây. Ăn uống xong, sẽ tiếp tục đi xe điện của khu du lịch qua di tích chùa cổ Ba Sao, ngồi chùa được phục dựng trên nền ngôi chùa cổ được xây từ thời nhà Đinh.
Tham quan chùa Ba Sao xong du khách tiếp tục lên xe điện di chuyển ra bến thuyền. Ngay khu vực bến thuyền bạn có thể tham quan nhà VESAK, nơi đã diễn ra công tác tổ chức Đại lễ VESAK Liên Hợp Quốc năm 2019.
Các bạn có thể mua vé tham quan các đảo trên hồ bằng thuyền có hướng dẫn viên và dùng trà bánh khi đang hăng say nghe thuyết minh về các di tích văn hóa lịch sử, các loại động vật đang được bảo tồn tại đây, đặc biệt là loài voọc mông trắng thuộc hàng cực quý hiếm, trên thế giới chỉ còn khoảng 300 cá thể, hiện đang bảo tồn khoảng 50 cá thể tại đây.
Kết thúc chuyến tham quan khu du lịch Tam Chúc, mình vẫn còn chưa hết xúc động vì phong cảnh linh thiêng hùng vĩ của nơi đây. Nơi núi non sông nước hòa làm một, nơi đất trời linh thiêng chứa đựng các yếu tố văn hóa lịch sử từ rất lâu đời mà ông cha để lại.