ưu Bị (161 – 223) tự là Huyền Đức, người huyện Trác, quận Trác thuộc U châu, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Tạo hình Lưu Bị trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.
Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có cơ sở nhất định (có nhiều tài sản, uy danh gia tộc) để “làm vốn” trên đường gây dựng phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tuy có danh nghĩa là dòng dõi nhà Hán nhưng ông xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, thuở nhỏ phải đan giày cỏ kiếm sống, tay trắng làm nên cơ nghiệp. Vì vậy, quá trình phát triển thế lực của Lưu Bị trong thời loạn cũng vất vả, gian truân hơn, lâu dài hơn. Tuy gặp nhiều thất bại nhưng ông vẫn kiên định, không nản lòng, tỏ ra có chí khí lớn.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung nêu rõ quan điểm ủng hộ Lưu Bị, phản đối Tào Tháo. La Quán Trung mô tả nhân vật Lưu Bị giống như một vị thư sinh trói gà không chặt, không thích đọc sách, chỉ thích cưỡi ngựa, ca hát và mặc quần áo đẹp. Vóc người cao lớn, dung mạo nổi bật và khác thường. Tính tình thuộc trầm mặc ít nói, mừng giận không lộ ra mặt. Đồng thời là một nhân kiệt có chí lớn, sống coi trọng tình nghĩa, thích kết giao với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ để mong được nghiệp lớn, khôi phục tòng thất nhà Hán, nhưng kém phần sắc sảo về quân sự, thiếu mưu trí, táo bạo và mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong một số tình tiết, La Quán Trung cũng để Lưu Bị có những thủ đoạn sắc sảo của một chính trị gia lão luyện, như việc “giả vờ rơi đũa” khi uống rượu luận anh hùng với Tào Tháo.
Có thể nói Lưu Bị là một trong những nhân vật được La Quán Trung hư cấu khá nhiều trong Tam quốc diễn nghĩa, nhiều hành động của ông nhưng được La Quán Trung gán cho Quan Vũ hay Trương Phi, đặc biệt là có 2 chiến tích về quân sự của ông ở gò Bác Vọng và Lạc Thành lại được La Quán Trung gán cho Gia Cát Lượng.
Thực ra, theo ghi chép lịch sử, Lưu Bị từng nhiều lần đích thân cầm quân chiến đấu và đã có nhiều lần giành được chiến thắng trước đối phương đông hơn, chứng tỏ khả năng võ nghệ và kiến thức quân sự của ông không hề kém.
Sử gia Trần Thọ trong Tam quốc chí có bình rằng: “Tiên Chủ là người cương nghị khoan hoà nhân hậu, hiểu lòng người kính kẻ sĩ, có phong độ của Hán Cao Tổ, có khí chất của bậc anh hùng. Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy”.
Khi Lưu Bị nương nhờ, Tào Tháo đối xử rất tốt với ông, cho ngồi cùng xe, hay ăn uống và bàn luận cùng nhau. Trong một cuộc nói chuyện, Tào Tháo từng nói:
“Ngày nay anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân (Lưu Bị) và Tháo này vậy. Lũ Bản Sơ (Viên Thiệu) chẳng đáng kể đến”.
Câu nói của Tào Tháo mang ý dò xét, nhưng cũng cho thấy Tào Tháo đánh giá rất cao tài năng của Lưu Bị, cho rằng ông có tài năng hơn hẳn những tướng cát cứ khác.
Lưu Bị và Tào Tháo ‘uống rượu luận anh hùng’.
Khi bị Tào Tháo tấn công ở Kinh Châu, Lưu Bị cần rút lui gấp nhưng ông vẫn không nỡ bỏ lại những người dân đã đi theo ông. Tập Tạc Xỉ chép: “Tiên Chủ tuy điên đảo gian nan mà tín nghĩa càng sáng tỏ, tình thế bức bách hành sự hung hiểm mà lời nói chẳng lỗi đạo. Nhớ ân nghĩa của Cảnh Thăng, cái tình cảm động ba quân; mến yêu nghĩa khí của kẻ sĩ, mà cam lòng cùng chịu thất bại. Xét cái nguyên nhân thu được lòng người, há chỉ vì đồng cam cộng khổ với quân dân, vỗ về người già yếu mà thôi đâu! Sau này làm nên đại nghiệp, chẳng phải là lý đương nhiên sao!”.
Trong trận Đương Dương, quân Tào Tháo truy sát tới nơi, các tướng của Lưu Bị đều khuyên ông tạm thời bỏ người dân lại, đi trước là hơn, nhưng Lưu Bị vẫn không nghe. Người đời sau có thơ khen lòng nhân ái của Lưu Bị đã làm lòng dân hướng về ông:
“Lâm nạn lòng nhân lo bách tính
Lên thuyền rơi lệ cảm ba quân
Bến nước sông Tương còn thương xót,
Phụ lão năm xưa nhớ Sứ quân”.
Trong quá trình phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tỏ ra là người giỏi chiêu hiền đãi sĩ. Ông đã thu phục được nhiều hào kiệt phò tá. Văn thần có Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Pháp Chính, Hứa Tĩnh, Mã Lương. Võ thần có Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Mã Siêu, Triệu Vân, Ngụy Diên…
Theo sử sách, Lưu Bị từng nhiều lần rút chạy thành công, thoát khỏi vòng vây của thiên binh vạn mã. Ông cũng lại nhiều lần đơn thương độc mã xông pha vào trận địch không chút sợ hãi lập được nên nhiều chiến công hiển hách.