Dưới trướng Tào Tháo không hề thiếu các anh tài, nhưng ai mới là người giành được sự tín nhiệm của Tào Tháo nhất?
Trước tiên, Tào Tháo cũng là một người bình thường
Tào Tháo trong cuốn “Di lệnh”có viết:
“Ngô tì thiếp dữ kĩ nhân giai cần khổ, sử trứ đồng tước thai, thiện đãi chi”, ý muốn nói “tỳ thiếp và nghệ nhân ca vũ của ta đều rất chịu khổ chịu khó, phải đặt họ ở Khổng tước đài, đối xử thật tốt với họ.”
“Dư hương khả phân dữ trư phu nhân, bất mệnh tế. Chư xá trung vô sở vi, khả học tác lí tổ mại”, ý muốn nói “thừa hương thì chia cho các phu nhân, đừng dùng để tế bái, các phu nhân bình thường không có việc gì làm có thể học làm giày đem bán”.
“Ngô dư y cừu, khả biệt vi nhất tàng. Bất năng giả, huynh đệ khả công phân chi”, ý muốn nói “những quần áo và vật dụng hàng ngày mà ta để lại có thể phân chia cho các huynh đệ khác”.
Di ngôn trước khi mất của Tào Tháo không hề “vĩ đại” như chúng ta nghĩ, ngược lại còn vô cùng gần gũi, giản dị. Thực ra ông không khác người bình thường là bao, sau khi mất cũng lo lắng cho vợ và các con ở lại, còn dặn dò di sản xử lý ra sao.
Người mà Tào Tháo tin tưởng
Thứ nhất, người viết cho rằng, Tào Tháo cũng giống như người bình thường, người mà ông tin tưởng nhất cũng là người có quan hệ huyết thống với mình, đó là Hạ Hầu Đôn, vì sao?
Hạ Hầu Đôn theo Tào Tháo kể từ đợt khởi binh tại Trần Lưu (Khia Phong), nhậm chức phó tướng, thảo phạt quân Khăn Vàng, đánh dẹp Lã Bố. Trong lúc giao tranh với Lã Bố đã bị trúng một mũi tên bên mắt trái, vì vậy mọi người gọi ông là “Mang Hạ Hầu” (“mang”nghĩa là mù).
Sau khi Tào Tháo bình định được Hà Bắc, từng nghĩ sẽ phong cho Hạ Hầu Tôn chức đại tướng quân, nhưng Hạ Hầu Đôn lại khiêm tốn, nhất mực từ chối. Vì vậy, Tào Tháo phong cho ông làm Phục Ba tướng quân, còn trao cho ông đặc quyền “lĩnh quân như cố, sử đắc dĩ tiện nghi tòng sự, bất câu khoa chế” (phong Hạ Hầu Đôn làm Phục Ba tướng quân nhưng quyền hạn lại như một đại tướng quân, có thể linh hoạt hành sự theo tình huống, không chịu sự áp chế của quân luật), vậy là dù trên danh nghĩa không phải là một đại tướng quân, nhưng thực quyền mà Tào Tháo dành cho Hạ Hầu Đôn lại ngang ngửa với một chủ tướng.
Hạ Hầu Đôn còn đích thân gánh đất, cùng làm việc đồn điền với binh lính và lão bách tính, cùng người dân trải qua hạn hán, lũ lụt, ông giỏi trấn thủ hậu phương, rất ít khi thống lĩnh chỉ huy ở tuyến đầu.
Tào Tháo khi đi xe cũng thường xuyên gọi Hạ Hầu Đôn ngồi cùng, chỉ có duy nhất Hạ Hầu Đôn có thể ra vào phòng ngủ của Tào Tháo. Hạ Hầu Đôn sống rất trung thành, giản dị, được thưởng gì cũng đều chia cho người dưới, cả đời không tích góp tài sản, đến lúc gia đi cũng chỉ là kẻ tay trắng.
Với nhân cách, đối nhân xử thế cộng với quan hệ huyết thống, Hạ Hầu Đôn là cánh tay đắc lực mà Tào Tháo tin tưởng nhất, không ai có thể thay thế.
Thứ hai, Tào Tháo là người có tham vọng lớn, ông luôn muốn gây dựng nên nghiệp lớn. Tuy nhiên trong thời đại binh đao loạn lạc, chiến tranh liên miên, muốn nên được nghiệp lớn, trước hết phải bảo toàn được cái thân trước đã.
Vì vậy, Tào Tháo đã chọn ra một vệ sĩ mà mình tin tưởng giao tính mạng của mình cho, đó chính là Điển Vi. Điển Vi có thể được coi là hình mẫu cho các vệ sĩ bởi sự trách nhiệm, trung thành và độc nhất vô nhị của mình.
Hình tượng Điển Vi được mô tả là thể hình vạm vỡ, cơ bắp hơn người, hành hiệp trượng nghĩa, vũ khí mà ông sử dụng cũng là hai cây kích (vũ khí thời cổ) khá nặng, người thường cầm thôi cũng đủ khó khăn, nhưng ông lại thường xuyên sử dụng chúng, sự dũng mãnh không cần miêu tả cũng đủ biết. Chỉ tiếc ông chỉ phục vụ Tào Tháo trong 3 năm (194-197), ở Uyển Thành vì cứu Tào Tháo mà mất mạng, Tào Tháo vì chuyện này khóc lóc thảm thiết. Sau này, Tào Tháo cho người lập đền thờ và bày bàn cúng tế rồi nói với các tướng rằng: “Ta mất con cháu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.
Thực ra, đàn ông muốn nên nghiệp lớn nhất định phải có cho mình nhiều trợ thủ đắc lực. Bản thân Tào Tháo cũng có cho mình rất nhiều mưu sĩ, trong đó Tuân Úc, Quách Gia, Tuân Du, Trình Dục, Giả Hủ đều là những cao thủ và được Tào Tháo rất tín nhiệm.
Trong đó, Quách Gia và Tào Tháo kém nhau 15 tuổi, có thể nói giữa hai người có những “khoảng cách thế hệ” nhất định, tuy nhiên, cả hai đều là những người rất khí chất lại thông minh, còn rất hợp nhau ở điểm “háo sắc”, gặp được nhau như cá gặp nước, cứ tự nhiên dính lại với nhau.
“Quỷ tài” Quách Gia theo Tào Tháo hơn 10 năm, đánh bại Lữ Bố, bình định Lý Châu, tiêu diệt Ô Hoàn, bình định Liêu Đông… những cống hiến và đóng góp cho Tào Tháo là vô cùng to lớn, từ đó, cũng có được sự tín nhiệm của Tào Tháo nhiều hơn.
Sau khi Quách Gia mất, Tào Tháo từng nói với Tuân Du và cấp dưới rằng: “Chư quân niên giai cô bối dã, duy Phụng hiểu tối thiếu. Thiên hạ sự cánh, dục dĩ hậu sự chúc chi, nhi trung niên yểu triết, mện dã phu!” (ý muốn nói mưu sĩ dưới trướng của Tào Tháo hầu hết đều cao tuổi, chỉ có Phụng Hiểu (tức Quách Gia) là trẻ nhất. Tào Tháo hi vọng sau khi bình định được thiên hạ, chuyện lớn đều giao cho Quách Gia, chỉ tiếc rằng Quách Gia lại qua đời sớm, đây là ý trời!)
Nếu không tuyệt đối tin tưởng, Tào Tháo sẽ không đời nào muốn giao việc lớn cho Quách Gia. Vì vậy, về phương diện nghiệp vụ, trợ thủ cũng là mưu sĩ mà Tào Tháo tin tưởng nhất chính là Quách Phụng Hiểu.
Nói tóm lại, xếp hạng mức độ tin tưởng của Tào Tháo thì người viết cho rằng Hạ Hầu Đôn số 1, Điển Vi số 2 và Quách Gia số 3.