Bất kể là trong tình cảm, công việc, đời người, hay giáo dục con cái, Tư Mã Ý cũng đều có những kiến giải rất khôn ngoan của mình, đồng thời đem tới không ít gợi mở cho thế hệ sau.
Tư Mã Ý là một chính trị gia, nhà mưu lược quân sự nổi tiếng thời kì Tam Quốc, đồng thời cũng là người đặt nền móng cho triều đại Tây Tấn ngay sau đó. Rất nhiều cuộc đấu trí giữa ông và Gia Cát Lượng cũng trở thành những đề tài bàn luận rất thú vị cho người đời sau.
Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền tam phân thiên hạ, ai cũng dốc hết sức mình mong thống nhất được thiên hạ, chiến đấu đối địch với nhau hàng chục năm trời những cuối cùng, người thống nhất thiên hạ lại là Tư Mã Ý.
Tư Mã Ý dựa vào đâu mà kết thúc được giai đoạn Tam Quốc, lập ra được giang sơn của gia tộc mình?
1. Không được hèn nhát, nhưng cũng không thể không biết kính sợ
Sau khi Tào Duệ qua đời, Tào Sảng từng coi Tư Mã Ý như cha, nhưng sau đó nghe lời xúi giục của quần thần khác, nói “quyền lực không nên phó thác cho người khác”, Tào Sảng bắt đầu đề phòng Tư Mã Ý, tiếp đó ngang ngược lũng đoạn chính quyền, một tay thao túng, “đưa” Tư Mã Ý lên làm Thái Phó (một chức vụ tương tự như người thầy nhà vua), mục đích chính là để đoạt đi thực quyền của Tư Mã Ý.
Nhận thấy hành vi lợi dụng, ức hiếp người của Tào Sảng, học trò của Tư Mã Ý, Chung Hội đã đánh tiếng khuyên thầy: “Thưa thầy, thầy can tâm tình nguyện ngồi nguyên ở cái chứ Thái Phó chỉ ngồi đó giảng đạo lý, không có thực quyền như vậy sao?” Lời khuyên của Chung Hội trên thực tế đã phản ánh dã tâm ngu muội của hắn, hi vọng Tư Mã Ý và Tào Sảng tranh đấu, giành lại địa vị quý tộc trong triều.
Nhưng Tư Mã Ý cũng chẳng phải người hồ đồ, ông lấy Dương Tu làm ví dụ để giáo huấn Chung Hội, nhắc khéo rằng đừng noi gương Dương Tu (Dương Tu nổi tiếng với việc hay “trêu ngươi” Tào Tháo, những chuyện Dương Tu làm Tào Tháo bực tức trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, tất cả đều xuất phát từ sự nhanh trí và giỏi luận chữ Hán của Dương Tu. Không rõ là vì cái tôi của mình hay vì không ưa Tào Tháo mà Dương Tu thường hay tạo ác cảm với Tào Tháo bằng những việc nhỏ như vậy (như kiểu Trạng Quỳnh lỡm Chúa Trịnh).
Theo Tư Mã Ý thì sống ở đời, tất nhiên là không được hèn nhát, nhưng cũng không thể không biết kính sợ, phải học cách kính sợ đối thủ của mình.
Đó không phải là nhu nhược, chỉ là giữ một lòng biết kính sợ, không vội vàng “cá chết lưới rách”, hoặc là anh sống hoặc là tôi sống với đối thủ, mà âm thầm chờ đợi thời cơ tốt để vùng lên.
Tào Tháo (trái) và Tư Mã Ý (phải) trên màn ảnh nhỏ
2. Đừng đối đầu tới cùng với kẻ ngốc
Khoảng thời gian sau đó, Tào Sảng cùng tâm phúc của mình là Hà Yến khống chế vận hành triều đình, độc bá triều cương, thậm chí đám đẩy Quách thái hậu đi Vĩnh Ninh cung, Tào Sảng còn lấy tài nhân của Ngụy Minh đế làm ca kỹ, chiếm dùng nghi trượng hoàng đế, phụ chính đại thần Tư Mã Ý chính thức bị tước mất quyền lực.
Tư Mã Chiêu lúc này tức giận nói với cha rằng việc Tào Sảng đang làm là rất quá đáng, làm vậy không khác nào đang sỉ nhục Tư Mã gia, cái nhục này tuyệt đối không được phép chịu.
Tuy nhiên, trái lại với sự bất bình và nóng giận của con trai, Tư Mã ý ngược lại rất bình tĩnh, hỏi ngược lại Tư Mã Chiêu: “Tào Sảng so với Gia Cát Lượng thì sao?”
Tư Mã Chiêu lập tức đáp: “Con sâu cái kiến.”
Tư Mã Ý tiếp tục nói với con trai: “Đối đầu với một kẻ ngốc tới sứt đầu mẻ trán há chẳng phải là càng ngu ngốc hơn ư? Sống ở đời, khó tránh được việc phải làm việc với kẻ ngốc, con phải học cách cúi đầu trước kẻ ngốc đó.”
Thực tế cũng chứng minh, Tào Sảng những tưởng ép Quách thái hậu rời cũng là có thể chuyên tâm lũng đoạn chính quyền, nhưng không ngờ rằng sau đó lại là một trong những ngòi nổ thuận lợi giúp Tư Mã Ý phát động sự biến Cao Lăng Bình, chính thức biến họ Tào thành bù nhìn của họ Tư Mã.
Khi gặp phải những thủ đoạn và những khiêu khích “không thông minh cho lắm” của kẻ thù, không cần thiết phải vội vội vàng vàng trả thù ngay, quân tử trả thù 10 năm chưa muộn, quan trọng là đừng làm bạn với kẻ ngốc, bởi lẽ làm nhiều việc xấu rồi ắt ác gả ác báo.
3. Không có kẻ thù trên suốt quãng đường đi
Kẻ địch lớn nhất trong cuộc đời của Tư Mã Ý có hai người. Hồi còn trẻ, khi còn phò tá Tào Phi, kẻ địch lớn nhất là Dương Tu. Tuy nhiên khi Dương Tu vì “sự vụ kê lặc” mà bị Tào Tháo hành hình, Tư Mã Ý đã chủ động xin Tào Tháo cho mình đi gặp Dương Tu.
(Sự vụ kê lặc: Lần đó, Tào Tháo đem binh ra chặn Lưu Bị nhưng đánh thua mấy trận đành phải cắm trại cố thủ. Thời gian trôi qua, không thay đổi được tình hình chiến trường đâm ra chán chường, có ý muốn rút nhưng lại ngại xấu hổ trước ba quân, quần thần. Buổi tối, tướng Hạ Hầu Đôn vào trướng xin khẩu lệnh ban đêm cho doanh trại, Tào Tháo ngần ngừ một lúc rồi nói: “Kê lặc” (gân gà). Hạ Hầu Đôn thấy khẩu lệnh này lạ lùng quá bèn thắc mắc đem hỏi Dương Tu.
Dương Tu cười lớn rồi bảo Hạ Hầu Đôn chuẩn bị gói ghém đồ đạc, kẻo nội trong 3 ngày nữa Tào Tháo sẽ hạ lệnh rút quân. Dương Tu giải thích rằng khẩu lệnh “gân gà” nói lên tâm trạng của Tào Tháo, vừa muốn rút quân, vừa không muốn bỏ như gân gà, ăn thì không có thịt, bỏ đi thì thấy tiếc. Quả nhiên, Tào Tháo ra lệnh hồi kinh. Việc Dương Tu đoán được ý đến tai Tào Tháo, khiến Tào Tháo rất tức giận và muốn tìm cơ hội g.i.ế.t Dương Tu.
Năm Kiến An thứ 24 (219), mùa thu, Dương Tu cùng Tào Thực say rượu đi qua Tư Mã môn, do say sưa mà hạ nhục bộ hạ của Tào Chương. Việc trình lên, Tào Tháo mượn cớ Dương Tu tự cao tự đại, để lộ quân cơ, ra lệnh xử tử Dương Tu.)
Tào Tháo hỏi Tư Mã Ý nguyên nhân, Tư Mã Ý nói rằng: “Thần trước giờ không có kẻ thù, những người mà thần gặp đều là bạn bè và thầy của thần”.
Câu trả lời của Tư Mã Ý khi đó đã khiến Tào Tháo vô cùng ngạc nhiên, đồng thời rất tán thưởng Tư Mã Ý.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời ở Ngũ Trượng nguyên, Tư Mã Ý đã tới doanh trại quân Thục, nơi Gia Cát Lượng đóng quân khi còn sống, lấy nước thay rượu kính Khổng Minh, mắt đỏ hoe ngấn nước mắt, nếu không mang thân phận tướng Ngụy, Tư Mã Ý khi đó đã quỳ xuống hành lễ.
Ở nơi làm việc, phải biết cách học hỏi từ đối thủ, tôn trọng đối thủ, cảm kích đối thú, vì sự tồn tại của họ là động lực để ta trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn.
Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng trên màn ảnh nhỏ
4. Bại nhưng không chán nản, không từ bỏ
Về mặt giáo dục con cái, Tư Mã Ý cũng có những phương pháp rất riêng của mình. Chẳng hạn như lần thất bại trong tay Gia Cát Lượng, quân Ngụy ai nấy đều rất không phục, rõ ràng lực lượng hơn gấp chục quân Thục nhưng vẫn để thua Gia Cát Lượng, hai người con trai của Tư Mã Ý cũng ngồi không yên, đi tìm Tư Mã Ý để đối chất.
Tới lều của Tư Mã Ý, thấy cha vẫn ung dung ngồi chơi cờ, hai người con cảm thấy lạ lùng. Đối mặt với sự bất bình của hai cậu con trai, Tư Mã Ý nhắc nhở: “Cứ muốn thắng người khác chưa chắc sau cùng đã là kẻ thắng cuộc. Đánh trận trước tiên phải học được cách thua, thua mà không mất đi lý trí, thua mà không mất đi bình tĩnh, mới có thể cười được tới sau cùng.”
Lời nói của Tư Mã Ý khiến hai cậu con trai lập tức hạ hỏa, dần hiểu ra dụng ý án binh bất động của cha.
Một trích đoạn trong phim
Lấy “thất bại học” ra để giáo dục con cái, phương pháp này hoàn toàn khác biệt so với phương pháp giáo dục muốn con phải thắng ngay ở vạch đích như các bậc cha mẹ hiện nay. Ai cũng biết thất bại là mẹ của thành công, nhưng rất ít người có thể tiếp nhận thất bại một cách thản nhiên. Tư Mã Ý nói với chúng ta rằng, nhẫn nại một với thất bại, chúng ta mới gặt hái được thành công sau cùng.
Bất kể là trong tình cảm, công việc, đời người, hay giáo dục con cái, Tư Mã Ý cũng đều có những kiến giải rất khôn ngoan của mình, đồng thời đem tới không ít gợi mở cho thế hệ sau.