Tào Tháo yêu người tài, khát người tài, tìm mọi cách để có được người tài, chính vì vậy dưới trướng của ông có rất nhiều mãnh tướng uy trấn thiên hạ, nhưng không phải là ai cũng đầu quân theo Tào Tháo ngay từ đầu mà là do ông chiêu dụ và quy hàng.
Trương Cáp bắt đầu tham gia chiến trận năm mới 16 tuổi khi có khởi nghĩa Hoàng Cân. Thời Hán mạt ra ứng mộ đánh dẹp Khăn Vàng. Sau khi khởi nghĩa Khăn Vàng tan rã Cáp là thuộc hạ của Hàn Phức. Phức giao chiến với Viên Thiệu bại trận Cáp dẫn binh quy hàng Viên Thiệu. Khi Tào Tháo đánh nhau với Viên Thiệu ở trận Quan Độ, Trương Cáp nhiều lần bày mưu và khuyên Viên Thiệu nhưng ông ta không nghe lời. Trận Ô Sào đại bại Cáp bị Quách Đồ gièm pha. Viên Thiệu vốn thiếu quyết đoán tin lời Đồ có ý hại Cáp. Kết quả Trương Cáp và Cao Lãm chạy sang phe Tào Tháo.
Tào Tháo có được Cáp rất mừng, bảo rằng: “Xưa Tử Tư chẳng sớm tỉnh ngộ, bởi thế khiến thân bị nguy, há được như Vi Tử bỏ nhà Ân, Hàn Tín quy nhà Hán đó sao?” Rồi bái Cáp làm Thiên tướng quân, phong tước Đô Đình hầu.
Thời trẻ tuổi, Trương Liêu chỉ là lính. Ông từng phò tá Đinh Nguyên, đi theo Đổng Trác, Lã Bố rồi cuối cùng mới tới “bến đỗ” Tào Tháo vào năm 198 khi Lã Bố bị chính Tào Tháo đánh bại và giết chết ở Hạ Bì.
Cùng với Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng, Trương Liêu được xếp vào hàng “Ngũ hổ tướng nhà Ngụy” (Ngũ tử lương tướng). Sử sách ghi lại, Trương Liêu là một trong số những mãnh tướng dùng giáo giỏi nhất Tam quốc.
Từ Hoảng (chữ Hán 169 – 227) tên chữ là Công Minh, ông sinh ra ở Dương Quận (nay thuộc Hồng Đồng, Sơn Tây) trong thời Đông Hán.
Hồi còn trẻ, ông làm một chức quan nhỏ ở địa phương. Sau đó, ông gia nhập quân của Dương Phụng đánh quân Khăn Vàng được cho làm chỉ huy kỵ binh.
Năm 196, sau khi Đổng Trác chết, Từ Hoảng và Dương Phụng hộ tống Hán Hiến Đế từ Trường An về thủ đô Lạc Dương, lúc đó gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Cùng lúc đó, Tào Tháo cũng dẫn quân đến Lạc Dương để đổi kinh đô và đưa Hán Hiến đế về Hứa Xương. Từ Hoảng khuyên Dương Phụng nên hàng Tào Tháo nhưng Dương Phụng không nghe, thậm chí còn gửi quân đuổi theo để mang Hán Hiến đế về. Sau đó, Dương Phụng bị Tào Tháo đánh bại, Từ Hoảng được Tào Tháo chiêu hàng.
Điển Vi (?-197) là người Kỷ Ngô, quận Trần Lưu. Ông có tướng mạo khôi ngô, sức khỏe hơn người, có chí hướng, thích làm điều nghĩa hiệp.
Năm 190, thái thú Đông quận là Trương Mạo khởi binh chống Đổng Trác, Điển Vi đến đầu quân, được cho ở dưới trướng tư mã Triệu Sủng. Lúc đó lá cờ trong nha môn trước trại quân rất cao và to, không ai có thể giữ được một mình, nhưng Điển Vi có thể một tay dựng được lên. Triệu Sủng rất mến mộ tài năng của ông, trong quân nhiều người khâm phục. Sau khi Trương Mạo thất bại và chết, Điển Vi đi theo Tào Tháo, được phân dưới trướng bộ tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn. Nhờ lập công lao chiến trận, ông được Tào Tháo rất yêu mến.
Hứa Chử (? – 230) tự là Trọng Khang, là tướng hầu cận bên Tào Tháo, nổi tiếng không chỉ với sức khỏe phi thường mà còn với sự trung thành, tận tụy, hết lòng vì chủ.
Cuối thời Đông Hán thiên hạ loạn lạc, nhiều quân cướp nổi dậy cướp bóc. Hứa Chử tập hợp họ hàng, khách khứa dựng dinh lũy chống lại quân cướp. Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung kể rằng Tào Tháo truy kích quân cướp, tướng cướp chạy vào chỗ Hứa Chử. Hứa Chử bắt được, nhưng không nộp cho Điển Vi mà còn đánh nhau với Điển Vi. Tào Tháo phải dùng kế bắt sống ông và dụ hàng, ông mới quy phục.
Từ đó, Hứa Chử bên cạnh Tào Tháo lập được nhiều công lớn được Tào Tháo so sánh như Phàn Khoái, công thần khai quốc nhà Tây Hán và bổ nhiệm làm Đô úy. Từ đó Hứa Chử trở thành cận vệ cho Tào Tháo.