Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, trước sự truy sát của Mã Siêu, Tào Tháo đã phải làm ra đủ loại hành động nhục nhã như “cắt râu, cởi áo” để chạy thoát thân. Tuy nhiên, tình tiết này là La Quán Trung đã hư cấu nên.
Mã Siêu (176-222) tự Mạnh Khởi là một vị võ tướng của nhà Thục Hán vào cuối đời Đông Hán, hậu duệ của Phục Ba tướng quân Mã Viện. Ông cũng là một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán bên cạnh Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung.
Mã Siêu là một trong Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả, Mã Siêu viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài.
Mã siêu được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một chiến binh dũng cảm, ông có tài bắn tên, có lối đánh thần tốc và trong mỗi trận đánh thường xung phong đi đầu, rồi rút lui sau để bảo vệ an toàn cho quân lính.
Năm 211, trong trận Đồng Quan, trước khi đi theo Lưu Bị, Mã Siêu và Hàn Toại cùng với tám tướng ở vùng Quan Trung hợp thành liên minh Quan Trung để chống lại triều đình với hơn 10 vạn binh mã các lộ quân.
Quân đội triều đình nhà Hán do Tào Tháo thống lĩnh cũng đã cử nhiều tướng tài tham chiến như: Hứa Chử, Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng, Trương Cáp, Tào Nhân, Chu Linh…
Hai bên tham chiến đã có những trận đụng độ quyết liệt ở Đồng Quan, Vị Thủy, Vị Nam, Đồ Bản…. Trong trận chiến này, Mã Siêu tỏ ra anh dũng thiện chiến, túc trí đa mưu, nhiều lần đánh bại quân Tào Tháo trong các trận đánh tại Đồng Quan, Vị Thủy. Sử sách cho biết Mã Siêu đã cầm cự bất phân thắng bại với Tào Tháo, giữ vững Hà, Đồng.
Mã Siêu đã cầm cự bất phân thắng bại với Tào Tháo.
Sơn Dương công tái ký ghi rằng Mã Siêu khuyên Hàn Toại nên đóng quân giữ bờ bắc sông Vị Thủy không cho địch qua sông, khi nào quân Tào hết lương sẽ tự rút lui, Hàn Toại không nghe, quyết để quân Tào qua sông rồi mới đối mặt đánh nhau.
Khi nghe chuyện này, Tào Tháo thốt lên rằng: “Thằng ranh họ Mã chẳng chết, ta chết không có đất mà chôn”.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung đã nhân câu nói đó thêu dệt nên chuyện Mã Siêu anh dũng, thắng nhiều tướng Tào trong các trận giao chiến tay đôi hư cấu, đâm chết Lý Thông, xây dựng nên chi tiết Tào Tháo phải “cắt râu, cởi áo” để chạy trốn khỏi Mã Siêu.
Theo đó, Tào Tháo bấy giờ có dịp giao chiến cùng danh tướng họ Mã, nhưng lại bị Mã Siêu đánh cho đại bại mà bỏ chạy.
Trong lúc truy tìm Tào Tháo giữa nơi hỗn chiến, Mã Siêu kêu lớn: “Kẻ khoác áo đỏ chính là Tào Tháo”.
Nghe thấy vậy, Tào sợ đến nỗi phải vứt bỏ chiếc trường bào ấy.
Mã Siêu thấy vậy, tiếp tục hét lớn: “Tên râu dài chính là Tào Tháo”.
Để có thể chạy thoát thân, Tào đành vội vàng cắt đi bộ râu của mình.
Mã Siêu lại lập tức nói lớn: “Kẻ râu ngắn chính là Tào Tháo”.
Lúc này, vị quân chủ khét tiếng kia chẳng thể làm ra chiêu nào khác, chỉ đành vội vã bỏ chạy. Nhưng dù như vậy, ông vẫn không thoát khỏi sự truy kích của danh tướng họ Mã. Bấy giờ, nếu không có Tào Hồng kịp thời giải vây, chỉ e rằng Tào Tháo đã chẳng thể toàn mạng.
Cả gia tộc của Mã Siêu bị Tào Tháo tiêu diệt.
Theo sử liệu, đến năm 212, Tào Tháo dẹp xong Mã Siêu trở về Hứa Xương, nhân danh Hiến Đế hạ lệnh giết chết Mã Đằng, tru di tam tộc, giết hết những người cùng họ Mã ở kinh thành.
Năm Kiến An thứ mười chín, Mã Siêu bỏ Trương Lỗ về theo Lưu Bị, sau đó đã lập được nhiều công lao cho nhà Thục, ông được Lưu Bị phong tước và giao nhiều trọng trách quan trọng. Cuộc đời chinh chiến của ông rất hiển hách, lập nhiều chiến công vang dội, uy trấn cả vùng Tây Bắc Trung Quốc, dù vậy điều đáng tiếc nhất là ông không trả được nợ giết gia đình từ Tào Tháo.