Chắc hẳn ai cũng đều biết một việc, Lưu Bị có thể làm nên đại sự đều có sự góp sức của Gia Cát Lượng. Theo tìm hiểu, Gia Cát Lượng là một nhân vật kiệt xuất thời Tam Quốc, người sở hữu tính cách đầy quyết đoán, mưu trí hơn người.
Gia Cát Lượng được biết đến là quân sư tài ba đã giúp Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Gia Cát Lượng có khả năng đoán mưu lập kế như thần, là người tài đức song toàn, nếu nói tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, thì tuyệt trí chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý nhưng Gia Cát Lượng không muốn làm đế vương mà chỉ muốn làm đại hiền thần phò tá minh chủ lập nên nghiệp lớn, lòng trung thành của ông được người đời vô cùng kính nể.
Không chỉ nổi tiếng với tài năng kiệt xuất, Gia Cát Lượng còn được biết đến với tấm lòng trung nghĩa – “cúc cung tận tụy đến ch.ế.t mới thôi”. Bởi vậy, những lời dạy của Gia Cát Lượng luôn được các bậc hậu thế coi trọng.
Là người tài đức vẹn toàn, có chí cao nhưng không ham danh vọng, Gia Cát Lượng được người đời ngưỡng mộ, kính trọng. Những câu nói lúc sinh thời của ông được xem là “câu nói vàng”, hiểu thấu được nó sẽ vô cùng lợi ích.
Thiếu tráng bất nỗ lực, lão đại đồ thương bi
(Tạm dịch: Thời trẻ không chịu nỗ lực, lúc về già sẽ chịu đau thương)
Thời trai trẻ là quãng thời gian quý giá nhất của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều người lại không chịu cố gắng, nỗ lực phấn đấu cho công danh sự nghiệp. Thay vào đó, họ lại sa vào những thú vui vô bổ, ăn chơi, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Thời gian thấm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại, tóc đã bạc. Tuổi già đã đến, sức đã tàn, lực đã kiệt nhưng công vẫn chưa thành, danh vẫn chưa toại. Lúc này, hối hận, muốn làm lại từ đầu thì đã quá muộn rồi.
Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn
(Tạm dịch: Không đạm bạc, chí hướng chẳng tỏ, không tĩnh tâm, tiến xa chẳng nổi)
Câu nói nổi tiếng này được trích từ Giới tử thư (Thư răn dạy con) do Gia Cát Lượng chính tay viết cho Gia Cát Chiêm – con trai ông khi đó mới 7 tuổi. Thông qua câu nói này, Gia Cát Lượng dạy con trai rằng: Nếu con người không biết sống đạm bạc, suốt ngày chỉ biết chạy theo danh lợi trước mắt thì chí hướng sẽ lệch lạc. Nếu không biết cách tĩnh tâm thì không thể nào đạt được cảnh giới sâu xa, làm nên đại nghiệp.
Cuộc đời Gia Cát Lượng là minh chứng cho điều đó. Thuở nhỏ, mồ côi, ông phải sống nhờ nhà chú. Khi lớn lên một chút, ông tự dựng nhà ra ở riêng, tự trồng trọt, cày cấy để nuôi sống bản thân. Ông sống một cuộc sống đạm bạc, không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm nghiên cứu Nho Đạo và Binh Gia để rồi sau này trở thành một bậc kỳ tài trong thiên hạ.
Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy
(Tạm dịch: Chớ cậy tài mà kiêu với người khác, chớ cậy được sủng ái mà tác oai tác quái)
Theo lẽ thường, khi con người có tài năng vượt trội sẽ dễ nảy sinh tính kiêu ngạo, không coi người khác ra gì. Họ luôn muốn chứng tỏ mình hơn người bằng cách tỏ ra cao ngạo, lấn át người khác. Tuy nhiên, ở đời, không ai có thể tài giỏi trong mọi lĩnh vực, đến lúc họ cần sự giúp đỡ thì sẽ chẳng ai muốn giúp.
Bên cạnh đó, có nhiều người cậy mình quen biết rộng, có “ô dù”, được sủng ái mà tỏ vẻ hống hách, cửa quyền, lạm dụng quyền lực để chèn ép người khác. Nhưng thời thế thay đổi, đến khi người nâng đỡ họ không còn quyền hành nữa thì chính họ sẽ bị những người khác đè đầu cưỡi cổ lại.
Đãi mạn tắc bất năng khai tinh, hiểm táo tắc bất năng lý tính
(Tạm dịch: Lười nhác thì không thể tinh thông, nóng nảy mạo hiểm thì không thể có lý tính)
Mỗi người đều được trời ban cho một tài năng. Nhưng nếu lười biếng, không chịu rèn giũa thì sẽ không thể phát huy được hết tài năng của mình để trở nên xuất chúng. Những người dễ nóng nảy, không biết kiềm chế cảm xúc sẽ rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm, mạo hiểm, dẫn đến thất bại thảm hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học
(Tạm dịch: Phàm việc học, cần phải tĩnh; Muốn thành tài, phải học; Không học thì không mài dũa được tài năng; Không có chí thì không thể hoàn thành việc học)
Thông qua câu nói này, Gia Cát Lượng đã chỉ cho chúng ta thấy mối quan hệ giữa việc học và tài năng. Để thành tài thì không thể bỏ qua việc học tập, rèn luyện ý chí và cần sự tĩnh lặng của nội tâm.
Câu nói này chính là sự đúc rút từ kinh nghiệm 9 năm sống ẩn cư của Gia Cát Lượng. Ngày ngày, ông lên núi theo học một đạo sĩ và sống ẩn cư ở Lâm Trung để mài dũa tài năng.
Hữu nan, tắc dĩ thân tiên chi; hữu công, tắc dĩ thân hậu chi
(Tạm dịch: Gặp khó, hãy tự thân đi đầu; Có công, hãy tự thân lùi lại)
Câu nói này ý muốn khuyên nhủ: Người quân tử khi gặp gian khó, hiểm nguy, phải xung phong đi đầu; khi lập công cũng không màng lợi lộc. Nói theo cách khác là lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ.
Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị
(Tạm dịch: Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ)
Khi làm những việc nhỏ, chúng ta không cần chuẩn bị nhiều, mọi chuyện xảy ra rất dễ dàng, thuận lợi. Trái lại, khi làm những việc lớn, chúng ta thường gặp vô vàn khó khăn trắc trở. Đó là chuyện thường tình.
Những lúc như vậy, cần phải tự nhủ rằng việc chúng ta đang làm ắt không phải là việc nhỏ nên cần kiên trì, vững bước vượt qua khó khăn để làm nên đại nghiệp.
Túy chi tửu nhi quan kỳ tính
(Tạm dịch: Khi uống s.a.y thì có thể nhìn ra tính cách)
Tính cách của một người có thể được nhìn thấy rõ nhất khi họ đang s.a.y. Đây cũng là thời điểm để nhìn thấu được lòng người. Nếu trong cơn s.a.y, họ vẫn cư xử chừng mực thì đó là bậc đại nhân. Còn ngược lại, nếu họ không thể giữ mình, làm điều xằng bậy thì đó là kẻ tiểu nhân, cần phải cẩn thận.
Có thể nói Khổng Minh Gia Cát Lượng là một nhân tài kiệt xuất trong thời lịch sử Trung Quốc. Mặc dù tài năng của ông đôi khi đã được thần thánh hóa quá mức, nhưng chúng ta không thể phủ nhận tấm lòng trung thành của ông đối với Lưu Bị và nhà Thục Hán. Ông chính là đại diện tiêu biểu của một bậc vĩ nhân tài đức vẹn toàn.