Trong trường hợp á.m s.á.t Đổng tặc thành công, thế cục thiên hạ nói chung cũng như cuộc đời của Tào Tháo nói riêng sẽ phát triển theo một trong hai “kịch bản” dưới đây.
Phàm là người đọc qua “Tam Quốc diễn nghĩa” đều khó có thể quên được tình tiết Tào Tháo á.m s.á.t Đổng Trác xuất hiện trong hồi thứ tư của tiểu thuyết này. Dưới bút pháp của tác giả La Quán Trung, sự việc này được miêu tả hết sức sinh động, năng lực tùy cơ ứng biến của Tào Mạnh Đức cũng được làm nổi bật một cách rõ ràng.
Mặc dù việc Tào Tháo á.m s.á.t Đổng Trác không được chính sử ghi lại, thế nhưng không ít độc giả vẫn hiếu kỳ trước giả thiết: Nếu năm ấy Đổng tặc quả thực chết dưới tay Tào, thế cục thiên hạ liệu có thay đổi hay không?
Theo nhận định của trang Qulishi, trong trường hợp giả thiết nói trên trở thành sự thật, lịch sử Trung Quốc trong giai đoạn bấy giờ rất có khả năng sẽ diễn ra theo một trong hai chiều hướng dưới đây.
“Kịch bản” thứ nhất với giả thiết Đổng Trác bị á.m s.á.t thành công: Thiên hạ sẽ ra sao nếu không còn Tào Tháo?
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Năm xưa Thứ sử Tây Lương là Đổng Trác sau khi được triệu về kinh liền ra sức khống chế triều đình, tự xưng là Thái sư.
Theo diễn biến của “Tam Quốc diễn nghĩa”, Tào Tháo từng được Đổng Trác phong làm Kiêu kỵ hiệu úy, sau đó vì kế hoạch á.m s.á.t Đổng tặc bị bại lộ nên phải bỏ trốn khỏi Lạc Dương.
Đối với giả thiết Đổng Trác bị hạ sát thành công, “kịch bản” thứ nhất có thể xảy ra là Tào Tháo bị bắt và khó tránh khỏi kết cục mất đầu.
Theo nhận định của Qulishi, thiên hạ khi ấy giả sử không còn Tào Tháo, cách cục vào cuối thời nhà Hán quả thực sẽ loạn lạc tới mức khó có thể tưởng tượng.
Đầu tiên, triều đình sẽ tiếp tục gặp phải kiếp nạn đến từ những thuộc hạ dưới quyền Đổng Trác như Lữ Bố, Lý Giác, Quách Tỵ. Có các mưu sĩ như Giả Hủ, Lý Nho làm tham mưu, những kẻ này vẫn hoàn toàn có khả năng khống chế triều chính.
Những trọng thần từng chống lại Đổng tặc như Vương Doãn cũng khó tránh khỏi kết cục bị sát hại hoặc bị gạt bỏ khỏi vũ đài chính trị.
Nếu tình thế phát triển theo chiều hướng trên, không khó có thể tưởng tượng rằng chỉ một thời gian ngắn sau đó, bè lũ Lý – Quách và Lữ Bố sẽ phát sinh mâu thuẫn vì những bất đồng liên quan tới lợi ích và quan điểm.
Người thất bại trong trận nội đấu sẽ rất có khả năng là Lữ Bố, bởi ông tuy mang danh Ôn hầu nhưng thủ hạ lại không quá nhiều, đó là chưa kể tới việc phe Lý – Quách còn có Giả Hủ, Lý Nho làm mưu sĩ.
Thế nhưng dù cho phe cánh nào chiến thắng trong trận đấu tranh quyền nói trên, Hán Hiến Đế tất sẽ phải chịu sự khống chế của một trong hai bên.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trong trường hợp “kịch bản” nói trên trở thành sự thật thì dù cho không có Tào Tháo, thiên hạ khi ấy vẫn sẽ có kẻ lấy danh nghĩa phò tá nhà vua mà thành lập liên minh các lộ chư hầu. Khi ấy, một nhân vật có uy vọng như Viên Thiệu lợi dụng tình thế trên để quật khởi là điều hoàn toàn có thể.
Viên Thiệu mặc dù chưa thể coi là bậc nhân tài xuất chúng, tuy nhiên lại có chỗ dựa “ba đời làm đến Tam công”, sức ảnh hưởng và uy danh tương đối lớn. Hơn nữa, số văn thần võ tướng đi theo ông vô cùng đông đảo, việc tiêu diệt bè lũ Lý – Quách không phải là vấn đề không thể giải quyết.
Nếu như Viên Thiệu thật lòng muốn nâng đỡ Hán thất, Hán triều sẽ có cơ hội kéo dài thêm chút hơi tàn. Thế nhưng một khi nhân vật này có dã tâm soán Hán, thiên hạ chắc chắn sẽ diễn ra một màn đại loạn, quần hùng khắp nơi thi nhau quật khởi, tạo thành thế cục chư hầu tranh bá.
Mặc dù thực tế lịch sử vào cuối thời Đông Hán cũng là bối cảnh đại loạn như vậy, thế nhưng nhờ có Tào Tháo cùng sự xuất hiện của Lưu Bị, Tôn Quyền nên mới có đi đến thế cục thiên hạ chia ba.
Tuy nhiên một khi Tào Tháo bị giết quá sớm, cục diện loạn lạc nói trên không biết lúc nào mới có thể đi vào quỹ tích ổn định…
“Kịch bản” thứ hai cho giả thiết Đổng tặc bị Tào giết: Chỉ cần Tào Tháo còn, thiên hạ tất sẽ không mãi đại loạn
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Giả thiết thứ hai có thể xảy ra khi Đổng Trác bị á.m s.á.t thành công chính là việc Tào Tháo may mắn trốn thoát và tiếp tục gây dựng sự nghiệp. Như vậy thế cục thiên hạ sẽ phát triển theo chiều hướng tương đồng so với thực tế lịch sử.
Bởi trong thực tế, Đổng Trác cuối cùng bị Lữ Bố giết chết, so với việc bị Tào Tháo á.m s.á.t cũng không đem tới quá nhiều xáo trộn.
Chỉ cần Tào Mạnh Đức còn tồn tại, thời đại loạn thế khi ấy sẽ vẫn có một người duy trì cục diện “lấy Thiên tử để lệnh chư hầu”, mọi việc sẽ diễn ra theo quỹ tích của lịch sử, thế chân vạc cuối cùng cũng vẫn sẽ được hình thành.
Nhìn tổng quan thế cục thiên hạ vào cuối thời Đông Hán, không khó để nhận thấy đây là thời kỳ quần hùng trục lợi. Cho nên dù không có Đổng Trác thì vẫn sẽ có những quyền thần khác bước lên vũ đài chính trị và làm khuynh đảo triều chính.
Hán thất suy vi, cường hào quân phiệt không còn bị hoàng quyền khống chế, việc các chư hầu công phạt lẫn nhau chung quy cũng là kết cục khó tránh.
Cũng bởi vậy mà Qulishi đã đưa ra quan điểm: Thế cục biến hóa không phụ thuộc vào việc Đổng Trác bị ai giết. Bởi điều này cùng lắm chỉ dẫn tới một vài sự kiện trung gian diễn ra theo chiều hướng bất đồng, còn kết quả cuối cùng vẫn sẽ không thay đổi.
Hình thái loạn lạc vào cuối thời Đông Hán thực tế sẽ không bị biến đổi vì sự thành bại của một cá nhân. Tuy nhiên việc Tào Tháo có tồn tại hay không thì lại quyết định toàn bộ sự biến hóa của thế cục thiên hạ vào giai đoạn bấy giờ.
Bởi lẽ một vũ đài lịch sử không có sự xuất hiện của nhân vật này, màn hỗn chiến giữa các chư hầu không biết tới lúc nào mới có thể kết thúc, thiên hạ cũng không biết tới bao giờ mới có thể quy về ba mối Ngụy – Thục – Ngô.
Mặc dù cho tới ngày nay, cuộc đời và tính cách của Tào Tháo vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên hết thảy những điều ấy vẫn không thể khiến cho hậu thế phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò quan trọng của ông đối với thời cuộc.
Và có lẽ sự thật không thể bác bỏ này cũng giống như lời tiên đoán của danh thần thời Đông Hán là Kiều Huyền từng nói với Tào Mạnh Đức:
“Thiên hạ sắp đại loạn, chỉ có bậc nhân tài kiệt xuất mới có thể đứng ra giải cứu thiên hạ. Lẽ nào người đó chính là các hạ?”…
*Theo quan điểm của Qulishi.com