Thời kỳ Tam quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Trung Quốc cũng như nhiều người dân khác cho rằng thời kỳ này bắt đầu năm 190 khi liên minh chống Đổng Trác được thành lập cuối thời nhà Đông Hán.

Tam quốc được coi là thời đại quần hùng tranh bá, nhưng cũng là giai đoạn chiến tranh liên miên.

Trước đó, phần “không chính thức” của giai đoạn này, từ năm 190 đến năm 220, được đánh dấu bởi sự hỗn loạn của các cuộc giao tranh giữa các phe phái trong rất nhiều khu vực của Trung Hoa, như các cuộc giao tranh của Tào Tháo, anh em Viên Thiệu – Viên Thuật, Tôn Kiên, Lưu Biểu, Lưu Bị, Đổng Trác, Lữ Bố, quân Khăn Vàng… Phần giữa của giai đoạn này, từ năm 220 đến năm 263, được đánh dấu bằng sự giao tranh quân sự và ngoại giao của ba quốc gia thù nghịch còn lại là Ngụy, Thục và Ngô. Để phân biệt các quốc gia này với các quốc gia cùng tên nhưng trong các thời kỳ trước đó, người ta đã thêm vào: Ngụy là Tào Ngụy, Thục là Thục Hán, và Ngô là Đông Ngô. Phần cuối cùng của thời kỳ này được đánh dấu bằng việc Ngụy tiêu diệt Thục (năm 263), nhà Tây Tấn thay thế Ngụy năm 266, và Tấn tiêu diệt Ngô (280).

Mặc dù tương đối ngắn, thời kỳ lịch sử đầy hỗn loạn và chinh chiến này đã được tiểu thuyết hóa trong văn học và rất nổi tiếng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Nó được chuyển thể thành các vở kịch, tiểu thuyết, truyện dân gian, truyện dã sử cũng như trong phim ảnh, phim truyền hình nhiều tập và trò chơi điện tử. Nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, một tác phẩm hư cấu dựa phần lớn theo lịch sử. Ghi chép lịch sử chính thức của thời kỳ này là Tam quốc chí của Trần Thọ, với sự hiệu đính của Bùi Tùng Chi sau này.

Thời kỳ Tam quốc này cũng là một trong những thời kỳ đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Điều tra dân số cuối thời kỳ nhà Đông Hán cho con số là khoảng 56 triệu người, trong khi đó điều tra dân số trong thời kỳ đầu nhà Tây Tấn (sau khi Tấn thống nhất Trung Quốc) chỉ còn khoảng 26 triệu người. Cho dù con số thống kê có thể có sai số lớn nhưng hoàn toàn đủ cơ sở để nói rằng phần lớn dân số đã chết vì các cuộc chiến tranh liên miên trong thời kỳ này.

Đây cũng là lý do vì sao Hoàng đế khai quốc nhà Tấn là Tư Mã Viêm bị coi là bậc hôn quân háo sắc vì sở hữu tới hơn vạn người trong hậu cung, nhưng vẫn có thể phân phát cho dân chúng mỗi người tới mười mấy mẫu đất.

Nguyên nhân bởi thời đại sau Tam quốc quả thực đúng với 4 chữ “đất rộng, người thưa”.

Tam quốc chính là thời kỳ loạn lạc và khốc liệt tới nỗi chiến loạn đã trở thành chuyện cơm bữa. Nếu thế cục này có thể được thống nhất sớm hơn thì có lẽ loạn Ngũ Hồ chẳng có cơ xuất hiện, người Hán cũng không lâm vào cảnh suýt bị tuyệt diệt.

Nhìn lại lịch sử Tam quốc, thực tế có một vài chư hầu hoàn toàn nắm trong tay khả năng thống nhất thiên hạ. Chỉ tiếc rằng có nhiều việc ngoài ý muốn xảy ra khiến họ không thể tận dụng cơ hội này.

Nói đúng hơn là nếu một số nhân vật cốt cán thời bấy giờ không qua đời quá sớm, thời kỳ Tam quốc chắc chắn sẽ không thể kéo dài tới gần một thế kỷ.

1. Tôn Sách

Được mệnh danh là Tiểu Bá vương, Tôn Sách là một trong những nhân vật khiến những bậc quân chủ khét tiếng như Tào Tháo, Lưu Bị phải dè chừng.

Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Sau khi Tôn Kiên bị giết chết trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu lúc đó Tôn Sách mới 16 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu giết cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây.

Với sự giúp đỡ của Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có thể thiết lập nền tảng cho sự ra đời sau này của nhà nước Đông Ngô, mà tại đó em trai của ông là Tôn Quyền cuối cùng đã xưng Hoàng đế. Sau khi Tôn Quyền lên ngôi, đã truy phong cho anh trai mình làm Trường Sa Hoàn Vương.

Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, Tôn Sách được miêu tả là nhân vật anh dũng hơn người, thậm chí không hề thua kém so với Tây Sở Bá vương Hạng Vũ năm xưa. Cũng bởi vậy mà ông còn có biệt hiệu là Tiểu Bá vương.

Tào Tháo cũng cho rằng, dù cho Tôn Quyền đã ngồi lên hàng ghế “lão đại” ở Đông Ngô, nhưng cũng chỉ cùng hàng ngang lứa với con trai của ông ta, căn bản không đáng để so sánh.

Hậu thế đều biết trong trận chiến Hán – Sở tranh hùng khi xưa, Tây Sở Bá vương Hạng Vũ suy cho cùng vẫn là kẻ thất bại. Dù vậy, kết quả bại vong của vị Bá vương năm nào đã trở thành tấm gương, khiến Tiểu Bá vương Tôn Sách càng được xếp vào hàng “khó chơi”.

Tôn Sách dùng ba nghìn lão binh Giang Đông để đánh hạ Giang Đô, gây dựng cơ đồ. Năng lực này so với bất kỳ vị bá chủ nào đều không hề kém cạnh nửa phần.

Năm 200, Tào Tháo đánh trận quyết định với Viên Thiệu tại Quan Độ, dọc theo bờ sông Hoàng Hà, để kinh đô và căn cứ của ông ta tại Hứa Xương vào tình thế ít được bảo vệ. Người ta cho rằng Tôn Sách đã vạch ra kế hoạch tấn công Hứa Xương dưới ngọn cờ giải cứu Hán Hiến Đế, khi đó đang bị Tào Tháo kiểm soát gắt gao. Công việc chuẩn bị cho cuộc tấn công đang tiến hành thì Tôn Sách bị kẻ địch ám sát trong một lần đi săn. Vị anh hùng nức tiếng ấy cứ như vậy buông tay trần thế khi mới ở tuổi 25.

Nếu Tôn Sách không bị ám sát mà qua đời sớm, lại thêm tứ đại đô đốc dưới trướng Tôn Ngô, rất có thể thế lực này hoàn toàn có thể thống nhất nam bắc.

2. Quách Gia

Quách Gia là một đại mưu sĩ cốt cán thuộc tập đoàn chính trị Tào Ngụy.

Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, không hề thua kém người đương thời là Gia Cát Lượng. Nếu không mất sớm thì có thể cùng Tào Tháo thống nhất thiên hạ.

Quách Gia (170-207) tự Phụng Hiếu, như nhiều nhân vật khác trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, cũng có những điểm hư cấu so với lịch sử, song mức độ hư cấu không nhiều. Đó quả thật là một vị quân sư có thể “ngồi trong màn trướng quyết việc thắng bại ngoài ngàn dặm”.

Quách Gia vốn người Dương Địch, Dĩnh Xuyên (nay là Ngu Huyện, Hà Nam). Tuổi trẻ ôm chí lớn, khổ học đợi rồng mây, Quách Gia ít giao du với người thế tục, bình tĩnh chờ thời cơ, để mắt tìm chân chủ. Hành tung ấy, xét ra cũng không khác Gia Cát Khổng Minh là mấy.

Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép: “Quách Gia thời trẻ chí hướng cao xa. Thời Hán mạt thiên hạ sắp loạn, Gia từ lúc 20 tuổi trốn dấu hình tích, bí mật kết giao với người tuấn kiệt, không tiếp xúc với tục nhân nên người thời ấy đa phần chẳng ai biết, chỉ có bậc thức giả mới biết tài của Gia. Năm 21 tuổi, Gia được triệu vào phủ Tư đồ”.

Dù vậy, không thể khẳng định một sự thật rằng Quách Gia chưa phải là một mưu sĩ toàn năng.

Về phương diện chính sự, năng lực của ông cũng không hẳn là cao minh. Nhưng xét về mưu lược, cả Tam quốc lúc bấy giờ không mấy người có thể bì kịp vị mưu sĩ họ Quách này.

Đặc biệt là trong trận Quan Độ, thập thắng thập bại luận (bàn về mười điều thắng, mười điều bại) mà Quách Gia đưa ra có thể coi là vô cùng chuẩn xác, cuối cùng đích thực đã đem lại thắng lợi cho Tào Tháo.

Chỉ tiếc rằng ông buông tay trần thế khi mới 38 tuổi. Sự ra đi của Quách Gia đã khiến Tào Tháo thua cuộc trong trận Xích Bích phải đau đớn mà than rằng:

“Nếu Quách Gia còn sống, ta đâu đến nỗi này!”.

Qua đó có thể thấy, địa vị của Quách Gia trong lòng Tào Tháo còn quan trọng hơn tất cả số mưu sĩ mà vị quân chủ này có trong tay.

3. Bàng Thống

Bàng Thống thường được người đời sau so sánh là tài năng ngang với Khổng Minh.

Bàng Thống (178-214), tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những mưu sĩ bậc nhất của nhà Thục. Tài năng của ông được người đời ca tụng là ngang với cả Gia Cát Lượng. Ông là người góp công lớn trong việc giúp Lưu Bị chiếm đoạt Ích Châu của Lưu Chương.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Bàng Thống được La Quán Trung miêu tả là một người có tướng mạo xấu xí. Tư Mã Huy kể về Bàng Thống như sau: “Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phụng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ”. Trong trận Lạc Thành, do quá đề cao Gia Cát Lượng, La Quán Trung đã hư cấu sự việc khi viết rằng Khổng Minh đã viết thư cảnh báo cho Bàng Thống.

Nhưng do nghĩ rằng Khổng Minh ghen tị mình nên ông đã phớt lờ bức thư đó. Dẫn đến điển tích Bàng Thống vì muốn Lưu Bị “nhân nghĩa” có cớ chiếm Ích Châu nên đã hi sinh thân mình vờ như bị mai phục bởi quân Trương Nhiệm. Ông đã hy sinh ở gò Lạc Phượng, hưởng thọ 36 tuổi. Bàng Thống là một nhân tài hiếm có trong tay Lưu Bị, đáng tiếc là ông chưa kịp cống hiến gì nhiều đã phải hy sinh thân mình vì nghiệp lớn của chủ công.

4. Chu Du

Chu Du (175-210) tên tự là Công Cẩn, ông là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam quốc. Chu Du sinh ra trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan ở huyện Thư, Lư Giang, An Huy ngày nay. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy (một trong 9 chức quan thời xưa). Cha của ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương. Có thể nói, gia tộc Chu Du là một trong những gia tộc hiển hách trong lịch sử Trung Hoa.

Chu Du là một trong những nhân tài hiếm có tự cổ chí kim. Có thể nói ông là một vị tướng văn võ song toàn. Ngoài tài điều quân khiển tướng, ông còn có khả năng về thi ca, đặc biệt là âm nhạc. Chu Du là danh tướng và cũng là người có công khai quốc công thần của nước Ngô. Không những thế, ông còn có một tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Người đời gọi ông là Chu Lang, với chữ Lang mang ý nghĩa là người đàn ông anh tuấn. Ở Đông Ngô, có hai người được gọi là Lang: Tôn Sách và Chu Du. Ông nổi tiếng với trận Xích Bích huyền thoại để chống quân Ngụy. Đây là trận đánh lớn nhất thời bấy giờ, và cũng là bước ngoặt lịch sử để tạo nên cục diện Tam quốc.

Trong trận Xích Bích, ông cùng Gia Cát Lượng đã hợp mưu cùng nhau chống lại đội quân hùng mạnh của Tào Tháo. Chu Du đã sử dụng kế nghi binh, lệnh Hoàng Cái giả hàng để địch lơ là. Đêm đó, nhận thấy có gió Đông Nam thuận lợi, ông lệnh cho toàn quân tấn công các tàu chiến của Tào Tháo (lúc đó đang xích lại với nhau theo kế “Liên hoàn thuyền”). Do bị xích chặt với nhau nên thuyền chiến của quân Tào bị thiêu rụi rất nhanh, dẫn đến thất bại. Chiến thắng Xích Bích đã đưa tên tuổi của Chu Du lên bậc danh tướng lưu truyền mãi về sau.

Tuy nhiên, chỉ sau trận Xích Bích 2 năm, ông đã lâm bệnh nặng và qua đời. La Quán Trung miêu tả cái chết của ông là do ghen tị tài năng của Gia Cát Lượng, uất ức mà chết. Trước khi nhắm mắt, ông còn thốt lên một câu:”Trời sinh Du, sao còn sinh Lượng”. Năm đó là năm 210, ông qua đời để lại nỗi thương nhớ và tiếc nuối của Tôn Quyền, hưởng thọ 35 tuổi.

5. Tào Xung

Tào Xung nhân tài nhưng đoản mệnh.

Tào Xung (196-208) tự là Thương Thư, là người con trai của thừa tướng Tào Tháo thời nhà Hán, ông là con của Tào Tháo với người vợ thứ tư là Hoàn phu nhân, Tào Xung chết khi còn rất trẻ (vào năm Kiến An thứ 13), ông là một trong những người con được Tào Tháo yêu quý. Ông được cho là có tính thông minh và được công nhận là một người đặc biệt tài năng và thông minh từ khi còn rất nhỏ.

Nổi tiếng với trí tuệ siêu phàm, thông minh vượt bậc hơn cả các huynh đệ cùng thời, Tào Xung tuy tuổi đời còn nhỏ nhưng vẫn có được những điển tích lưu truyền cho hậu thế sau này. Trong đó không thể không nhắc đến giai thoại Tào Xung cân voi.

Tào Tháo đương thời lập nên nước Ngụy lớn mạnh và hưng thịnh. Do đó, để lấy lòng Tào Tháo, Tôn Quyền (nước Ngô) đã chủ ý tặng một con voi cho Ngụy quốc và cho người mang đến Hứa Xương. Tào Tháo quá phấn khích vì lần đầu tiên được chiêm ngưỡng một con voi ngoài đời thật nên đã lệnh cho các quan văn võ ai cân được nó sẽ được trọng thưởng. Các bá quan nhìn nhau ngao ngán lắc đầu vì thời bấy giờ làm gì có cái cân nào đủ to để cân một con voi như vậy. Đột nhiên, Tào Xung, lúc đó mới 6 tuổi, đã đề nghị được thử tài. Tào Xung cho người mang một chiếc thuyền lớn neo đậu ở bờ sông. Đoạn ông lệnh cho binh lính dẫn con voi xuống đó.

Sau khi thuyền đã thăng bằng, ông xuống thuyền và đánh dấu mực nước lên thân thuyền. Kế tiếp, ông lệnh cho lính khuân những tảng đá có kích cỡ vừa phải lên thuyền sao cho độ lún ngang bằng với dấu ông đã vạch sẵn. Sau đó ông lệnh cho lính cân lần lượt những tảng đá đó và cộng lại là ra khối lượng của voi. Mọi người theo dõi đều trầm trồ thán phục vì tài trí hơn người của ông. Nhất là Tào Tháo, ông đã khoái chí và hãnh diện vô cùng vì người con thông minh kiệt xuất hơn người của mình.

Theo Tam quốc chí – Ngụy chí – Bỉnh Nguyên chí ghi chép, năm Kiến An thứ 13, Tào Xung chết bệnh, Tào Tháo đau khổ vô cùng, nhất là về việc chưa cưới vợ cho con khi còn sống. Con gái Tư không Bỉnh Nguyên cũng mới chết yểu cách đó không lâu, Tào Tháo bèn đề nghị hai nhà làm thông gia, cho hai trẻ hợp táng, kết nghĩa vợ chồng dưới âm phủ. Bỉnh Nguyên không đồng ý. Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân cũng có con gái chết yểu, Tào Tháo đến xin, hai bên chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới như thật, sau đó là đám tang hợp táng.

Còn theo bộ phim mới nhất về Tam quốc diễn nghĩa (năm 2010), cái chết của Tào Xung được các nhà làm phim mô tả là có nhiều uẩn khúc và nằm trong cuộc tranh đấu quyền lực giữa các con của Tào Tháo. Trong bộ phim này, Tào Xung bị độc mà chết và nghi án dành cho người anh Tào Phi, người sau này kế vị Tào Tháo.

6. Tào Thực

Tào Thực (192-232), tự Tử Kiến, còn được gọi là Đông A vương, ông là một người con của Tào Tháo tuy không được nhắc đến nhiều trong Tam quốc chí nhưng lại được ca ngợi trong Tam quốc diễn nghĩa.

Tào Thực cùng với Tào Chương và Tào Phi, được Tào Tháo lúc bấy giờ vô cùng quý mến và cảm phục vì tài năng xuất chúng. Nếu như hai người huynh đệ trên nổi tiếng với tài điều binh khiển tướng, thì Tào Thực được biết đến nhờ vào khả năng thi ca kiệt xuất của mình.

Hậu thế sau này nhớ đến ông phần lớn nhờ vào Tam quốc diễn nghĩa, qua giai thoại “Thất bộ thi”. Tào Phi đương thời đang làm chủ công nước Ngụy, ông rất được lòng tất cả mọi người, trừ Tào Thực. Do đó, Tào Thực thường xuyên làm thơ ca chế giễu người huynh trưởng của mình. Quá tức giận, Tào Phi cho người bắt Tào Thực và dọa xử chém. Vương Thái hậu Biện Thị (mẹ của Tào Thực và Tào Phi) nghe tin liền đến để xin tội cho con trai. Nể tình mẫu thân, Tào Phi lệnh cho Tào Thực nội trong 7 bước phải làm được một bài thơ với điều luật khắt khe: không được nhắc gì đến hai chữ “huynh đệ” và chuyện hôm đó.

Sau đó, Tào Thực ung dung xuất khẩu thành thơ, tạo nên tác phẩm “Thất bộ thi” nổi tiếng, lưu truyền ngàn đời sau. Tuy tài năng xuất chúng, nhưng vốn có hiềm khích với Tào Phi, ông bị lưu đày đi khắp mọi nơi. Mang tiếng làm quan nhưng lại không khác gì bị giam lỏng. Cảm thấy tài năng không được tận dụng, ông dẫn đến u uất đến nỗi sinh bệnh. Ông mất năm 232, trong khi tuổi đời mới chỉ 40.