Năm 218, Hoàng Trung theo Lưu Bị tấn công lên Hán Trung – vùng đất Tào Tháo mới chiếm được của Trương Lỗ. Trong chiến dịch này Hoàng Trung đã lập được nhiều công lớn.

Hoàng Trung tự Hán Thăng quê ở quận Nam Dương thuộc Kinh Châu (Trung Quốc) là một vị tướng cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng với chiến thắng ở núi Định Quân, trong đó tướng Ngụy là Hạ Hầu Uyên bị tiêu diệt.

Hoàng Trung là một trong Ngũ hổ tướng của quân Thục cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Triệu Vân.

Trước khi đầu quân cho Lưu Bị, ông theo Lưu Biểu, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ huyện Du thuộc quận Trường Sa. Về sau Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, lệnh cho Hoàng Trung thay chức Tỷ tướng quân (có bản dịch là Tỳ tướng quân), theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền. Sau khi Chu Du đánh bại Tào Tháo ở Xích Bích, Lưu Bị đem quân đến lấy Trường Sa. Hoàng Trung quy phục Lưu Bị.

Tuy nhiên, nhân vật Hoàng Trung trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung được hư cấu khá nhiều. Dù không rõ năm sinh, nhưng nhân vật này vẫn được mô tả là “lão tướng”, võ nghệ ngang nhân vật Quan Vũ, đặc biệt rất giỏi bắn cung. Ông xuất hiện từ hồi 53 đến hồi 81.

Trong Tam quốc diễn nghĩa hồi thứ 70, tướng Ngụy là Trương Cáp sau khi thất bại trước Trương Phi ở Ngõa Khẩu Ải được Tào Hồng cấp 5.000 quân đến đánh cửa Hà Manh. Tin báo về Thành Đô, Gia Cát Lượng dùng kế khích lão tướng Hoàng Trung. Hoàng Trung xin cùng lão tướng khác là Nghiêm Nhan ra trận. Lưu Bị đồng ý, các tướng ai nấy đều cười khẩy.

Hoàng Trung muốn chiếm núi Thiên Đăng là nơi cất giữ lương thảo của quân Tào nên nghĩ ra một kế. Hoàng Trung giả vờ thua quân Tào mấy trận liền, rút về cửa ải. Lưu Bị lo lắng, hỏi Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng bảo là mẹo của Hoàng Trung để quân địch sinh kiêu. Các tướng không tin. Lưu Bị sai Lưu Phong ra tiếp ứng.

Gia Cát Lượng biết Hoàng Trung dùng kế để quân địch sinh kiêu.

Hoàng Trung vẫn bình thản đợi đến canh 2, dẫn 5.000 quân từ cửa ải kéo xuống. Quân Tào không phòng bị nên thua lớn, chết không biết bao nhiêu mà kể. Hoàng Trung đuổi đến sáng, cướp lại được nhiều trại sau đó lại thúc quân đuổi theo. Quân Tào rút về núi Thiên Đăng. Sau đó quân Tào trở lại phản công nhưng thất bại. Hàn Hạo, Hạ Hầu Đức bị giết. Quân Tào bỏ núi Thiên Đăng chạy về núi Định Quân.

Có thể thấy, Lão tướng Hoàng Trung liên tục giả thua, mất rất nhiều trại, phải bỏ chạy về đến cửa ải, làm cho địch có tâm lý kiêu ngạo. Quân Tào thấy mình thật giỏi, còn Hoàng Trung vừa già yếu lại vừa kém cỏi, từ đó mất cảnh giác, không đề phòng. Đây là điểm then chốt trong nghệ thuật dùng binh, Hoàng Trung tiến quân bất ngờ và thần tốc liên tục cho đến tận núi Thiên Đăng.

Quân Tào khinh địch, nghĩ quân Hoàng Trung đuổi đánh đã mệt nên ồ xuống núi đánh, nào ngờ bị đánh cho không còn manh giáp, đại tướng cũng tử trận. Nghiêm Nhan lại tập kích phóng lửa đốt trại, quân Tào mất hẳn núi Thiên Đăng sơn.

Hoàng Trung lập công lớn khi dùng kế giết Hạ Hầu Đức lấy được núi Thiên Đăng.

Năm Kiến An thứ hai mươi ba (218), tháng bảy, ngày tốt Lưu Bị dẫn đại quân ra cửa Hà Manh hạ trại, gọi Hoàng Trung, Nghiêm Nhan về trại thưởng cho rất hậu và bảo rằng: “Người ta ai cũng bảo tướng quân già yếu, chỉ có quân sư biết tài năng tướng quân, nay quả nhiên lập được công lạ”.

Về sau, ở trận chiến núi Định Quân, nhà văn La Quán Trung mô tả vai trò của nhân vật Hoàng Trung rất lớn. Ông đi cùng Pháp Chính, không có sự tham gia của Lưu Bị. Nhân vật Hoàng Trung cũng được miêu tả là tự tay chém nhân vật Hạ Hầu Uyên “đứt làm 2 đoạn” khi tướng Ngụy là Hạ Hầu Uyên mang toàn quân tới đánh doanh trại, trong khi hai bên đang xô xát kịch liệt, đột nhiên Hoàng Trung từ trên cao thúc trống đánh xuống, khí thế rất mạnh. Quân Tào bị đánh tan nát Hoàng Trung chém được Hạ Hầu Uyên và giết được thứ sử Ích Châu của Tào Tháo là Triệu Ngung.