Thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc được hậu thế gọi là giai đoạn tranh hùng tranh bá. Trong số đó, 3 thế lực mạnh nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất là Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị.
Nếu so sánh với Tào Tháo và Tôn Quyền, con đường xây dựng cơ nghiệp của Lưu Bị là đáng ngưỡng mộ nhất. Ông có gia cảnh nghèo khó nhưng trượng nghĩa, hào sảng… Chính vì thế mà ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có sức hút đặc biệt khiến các nhân tài hào kiệt tứ phương nể phục, trong đó có Quan Vũ, Trương Phi.
Sau rất nhiều trận đánh quan trọng như Xích Bích Lạc Thành, Hán Trung, Lưu Bị cuối cùng cũng thành lập được nhà Thục Hán, cùng Đông Ngô, Tào Ngụy tạo nên thế chân vạc nổi tiếng thời Tam Quốc.
Sohu nhận định, nhà Thục Hán có tiếng tăm hơn cả. Thế nhưng đa số các nhân vật cấp cao trong tập đoàn chính trị này lại phải chịu chung kết cục bi thảm, nhất là bộ 3 cốt cán Lưu – Quan – Trương.
Quan Vũ thua chạy Mạch Thành, bị Đông Ngô giết chết. Trương Phi cũng bị thuộc hạ mưu sát. Lưu Bị vì muốn báo thù cho hổ tướng mà vội vàng đem quân chinh phạt Đông Ngô. Cuối cùng cũng chuốc lấy cục thảm bại ở Di Lăng, sau đó ôm hận mà chết tại thành Bạch Đế.
Thế nhưng, ít ai biết được, tấn bi kịch của bộ 3 cốt cán nhà Thục Hán lại bắt nguồn từ cùng 1 nhân vật. Hắn chính là kẻ “vô sỉ” nhất thời Tam Quốc – My Phương (em trai của My Trúc và cũng là anh vợ của Lưu Bị).
Kẻ “vô sỉ” từng là thuộc hạ thân tín với Lưu Bị
My Phương (? – ?) tự Tử Phương, là một viên quan phục vụ dưới trướng của Lưu Bị thời Tam Quốc. My Phương là em trai của My Trúc (người được Lưu Bị coi trọng hơn huynh đệ kết nghĩa và quân sư Gia Cát Lượng).
Theo Bách khoa toàn thư Trung Quốc (Baike), gia tộc họ My làm ăn buôn bán nhiều đời, gia sản lớn, gia nô trong nhà lên đến hơn mười ngàn. Của ăn của để của gia đình này khéo đến vài đời cũng không hết.
Năm xưa, My Phương theo anh trai là My Trúc đến xin làm thuộc hạ cho Từ Châu mục Đào Khiêm. Sau khi Đào Khiêm qua đời vài năm Hưng Bình thứ 2, hai anh em họ My đã đi theo Lưu Bị.
Trong tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” không miêu tả nhiều về My Trúc nhưng thực tế cho thấy, đây là người cực kỳ được Lưu Bị tín nhiệm. Thậm chí, sẽ không hề quá lời nếu nhận định rằng, My Trúc được quân chủ họ Lưu trọng dụng và tin tưởng hơn cả anh em Quan – Trương và Gia Cát Lượng.
Nhờ có mối quan hệ thân thiết của anh trai mà My Phương cũng có cơ hội thể hiện tài năng, được trọng dụng. My Phương cũng được xem là 1 trong những thuộc hạ thân tín nhất của Lưu Bị. Ngoài mối quan hệ quân – thần với với Lưu Huyền Đức, My Phương trên danh nghĩa còn là anh vợ của vị quân chủ này.
Cụ thể, ông từng gả em gái cho Lưu Bị làm tiểu thiếp, người này chính là My phu nhân. Chưa dừng lại, gia tộc họ My còn viện trợ một phần tài lực – nhân lực không nhỏ cho họ Lưu lập nghiệp.
Về phần Lưu Bị, ông đối với người anh vợ này xem như hết tình hết nghĩa khi phong cho My Phương làm chức Tướng quân và rất mực tin tưởng, trọng dụng. Việc lớn, việc bé đều vời vào bàn bạc.
Tờ Sohu nhận định, My Phương theo Lưu Bị nhiều năm, từng không ít lần vào sinh ra tử ngoài sa trường. Thế nhưng buồn lòng thay, từ trong cốt tủy của vị hổ tướng này không mang cốt cách của bậc quân tử. Bởi ông có mưu đồ vu vạ cho Triệu Vân và cũng bị xem là kẻ khiến cho cơ nghiệp nhà Thục Hán điêu đứng khi đã gián tiếp gây nên cái chết của Quan Vũ, Trương Phi và cả Lưu Bị.
Trong lịch sử Tam Quốc, My Phương là một nhật vật tầm thường. Bất kể chiến tích quân sự hay thành tích trên vũ đài chính trị đều không có gì đáng để nói. Cái ông ta giỏi nhất chính là biến mình trở thành kẻ “vô sỉ” nhất trong số những kẻ vô sỉ thời Tam Quốc.
Vu oan Triệu Vân, tiếp tay hại chết Lưu – Quan – Trương
Vu oan cho Triệu Vân
Triệu Vân là một danh tướng trung nghĩa. Suốt đời ông trung thành với Lưu Bị và nhà Thục Hán. Sử sách không có nhiều ghi chép về quan hệ giữa Triệu Vân và My Phương nhưng có giai thoại nói rằng, vị tướng họ My này đã từng dùng lời lẽ vu cáo cho Triệu Tử Long tội danh phản trắc.
Trong trận Đương Dương – Trường Bản, Lưu Bị không thể nào chống đỡ nổi sức mạnh của đội Hổ Báo kỵ thuộc phe Tào Tháo và chỉ còn cách đem quân trốn đến Giang Hạ. Khi đó, Triệu Vân vì muốn cứu vợ con của quân chủ nên đã một mình xông vào núi Trường Bản, cuối cùng đem được Hậu chủ Lưu Thiện về.
Khi đó, không ít người nói rằng, vị tướng họ Triệu đi hàng Tào Tháo nên mới có thể sống sót trở ra giữa vòng vây của địch. Bản thân, My Phương khi đó còn khẳng định chắc chắn với Lưu Bị rằng: “Triệu Vân chắc chắn đã nương nhờ Tào Tháo rồi!”.
Trước những lời vu cáo của My Phương, Lưu Bị vẫn một mực tin rằng, vị tướng họ Triệu trong sạch, bỏ ngoài tai lời vu cáo của My Phương.
Và thực tế chứng minh, Triệu Vân chưa bao giờ đem lòng phản trắc với quân chủ và nhà Thục Hán. Điều này đồng thời cũng cho thấy những lời vu vạ của My Phương đã để lộ bản chất “vô sỉ” của hắn.
Tiếp tay hại chết Quan Vũ
Có không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến My Phương phản bội Lưu Bị và Thục Hán là do mâu thuẫn với Quan Vũ – danh tướng uy trấn Hoa Hạ trong Tam Quốc. Tư liệu lịch sử chép rằng, khi Quan Vũ trấn thủ vùng đất Kinh châu, My Phương giữ chức Thái thú Nam quận, trấn giữ ở Giang Lăng, còn Phó Sĩ Nhân giữ thành Công An.
Nam Kiến An thứ 24 (tức 219), khi đánh Tương Phàn, Quan Vũ đã lệnh cho My Phương và Phó Nhân Sĩ chuẩn bị quân tư. Do hai người không hoàn thành nhiệm vụ nên Quan Vũ đã cảnh cáo rằng: “Khi trở về ta sẽ trừng trị các ngươi”.
Khi ấy, Quan Vũ vẫn tập trung dẫn quân đi Bắc phạt, nhiều lần giành chiến thắng, thậm chí còn khiến quân của Tào Tháo rơi vào thế khó. Song khi đó Tôn Quyền đã phái quân đánh lén Kinh Châu. Do bất mãn với Quan Vũ nên My Phương cùng Phó Sĩ Nhân quyết định đầu hàng Tôn Quyền và không xuất binh cứu Kinh Châu.
Bấy giờ, Quan Vũ thua trận chạy về nửa đường mới biết Giang Lăng và Công An đã mất. Vị tướng này vì vậy mà rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng thua chạy Mạch Thành, bị quân Đông Ngô bắt và sát hại.
Nếu My Phương không đưa ra quyết định hèn hạ trên thì Quan Vũ rất có khả năng không bỏ mạng trong tay Tôn Ngô. Vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng, kết cục đau đớn của Quan Vũ vốn do 1 tay kẻ phản trắc họ My tạo nên.
Hành động phản bội của My Phương khi đó không chỉ khiến Thục Hán mất Quan Vũ, mất Kinh Châu mà còn trực tiếp khiến người anh ruột của ông là My Trúc vì hổ thẹn mà lâm bệnh qua đời chỉ chưa đầy 1 năm sau đó.
Gián tiếp hại chết Trương Phi – Lưu Bị
Sau cái chết đau đớn của Quan Vũ, nhà Thục Hán nhanh chóng chuẩn bị kế hoạch chinh phạt Đông Ngô nhằm đòi lại Kinh Châu và báo thù cho vị hổ tướng lừng danh này. Song sự ra đi đột ngột của Quan Vũ khiến 1 vị tướng vốn tính nóng nảy như Trương Phi trở nên lỗ mãng và hà khắc.
Kết quả, Trương Phi đã bị chính thuộc hạ dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương sát hại, thủ cấp còn bị mang sang đất Ngô để xin hàng Tôn Quyền.
Cùng lúc mất đi hai hổ tướng là nỗi đau vô bờ bến đối với Lưu Bị. Sau cùng, ông cũng thảm bại ở Di Lăng, khiến cho đội quân tinh nhuệ của Thục Hán tiêu tán chỉ trong chớp mắt.
Thất bại nặng nề đã khiến bộ máy chính trị của nhà Thục Hán bị lung lay, suy tổn. Đồng thời còn khiến cho Lưu Bị u uất, cuối cùng, chỉ chưa đầy 1 năm sau qua đời ở Bạch Đế thành.
Như vậy từ biến cố ở Kinh Châu do My Phương gây ra, Thục Hán đã liên tiếp mất đi 3 nhân vật trụ cột. Đó chính là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.
Sau khi khiến Thục Hán điêu đứng, My Phương tiếp tục con đường quan lộ của mình trên đất Tôn Ngô. Thế nhưng, thân là kẻ phản trắc, những gì mà viên tướng này trải qua sau này cũng không mấy vẻ vang. My Phương mất năm nào cũng không được ghi chép trong sử sách.