Nghiêm khắc với chính mình đôi khi là chuyện không đơn giản, đòi hỏi phải có một dũng khí và sự tu dưỡng nhất định. Hãy xem người xưa khắc chế bản thân mình để thu phục nhân tâm như thế nào. 

Trong thời Trung Quốc cổ đại người ta tin rằng, cơ thể, tóc, da đều là do cha mẹ trao tặng vì thế không dám tự làm mình bị thương. Gìn giữ cơ thể là yêu cầu cơ bản nhất của lòng hiếu thảo. Vì thế người Trung Quốc cổ không dám tự cắt tóc, trừ khi phải chịu hình phạt “cạo trọc đầu”. Đây vốn là hình phạt rất nặng, chủ yếu đánh vào tinh thần. Người chịu phạt sẽ mất hết thể diện, thậm chí sau này không còn dám nhìn mặt ai. Nó đau đớn hơn bị đánh, bị giết nhiều lần, bởi vì như cổ nhân nói: “Kẻ sĩ có thể chết chứ không thể chịu nhục”.

Trong lịch sử, có hai câu chuyện nổi tiếng về “cắt tóc thay đầu”, một là của Tào Tháo và một là của Đào Khản, đều để lại những bài học giáo huấn sâu sắc cho hậu nhân.

Tào Tháo giữ nghiêm quân kỷ, cắt tóc thay đầu

Tào Tháo trị quân nghiêm khắc, quân pháp nghiêm ngặt, thưởng phạt phân minh. Trong một lần hành quân, giữa đường phải đi qua một ruộng lúa mạch, Tào Tháo hạ lệnh: “Những kẻ giẫm lên lúa mạch, bất kể là ai, lập tức sẽ bị chém đầu thị chúng”. Tướng sĩ quả nhiên vô cùng cẩn thận khi đi qua ruộng lúa mạch, không một ai dám giẫm đạp lên ruộng lúa. Trăm họ thấy thế vô cùng tán thưởng.

Đột nhiên, trong ruộng lúa có một chú chim bay vút lên, làm kinh động đến ngựa của Tào Tháo. Chú ngựa bị giật mình đã chạy vào ruộng lúa, giẫm lên một mảnh ruộng lúa mạch nhỏ. Tào Tháo lập tức gọi quan viên tùy tùng tới, yêu cầu trị tội mình vì đã đạp lên ruộng lúa.

Quan viên nói rằng: “Sao có thể trị tội Thừa tướng đây?” Tào Tháo đáp lại: “Lời ta đích thân nói ra, nếu ngay cả ta cũng không tuân thủ, thử hỏi còn ai cam tâm tình nguyện tuân thủ nữa đây?”. Nói rồi Tào Tháo tuốt thanh gươm luôn đeo bên hông, muốn tự cắt cổ mình. Văn thần, võ tướng bên cạnh được một phen khiếp vía, quỳ rạp cả xuống đất kêu khóc.

Mưu sĩ là Quách Gia nói: “Trong “Xuân Thu” của Khổng thánh nhân có nói rằng: “Pháp luật không áp dụng với người tôn quý”. Hiện giờ chủ công thống lĩnh đại quân, vai mang trọng trách, sao có thể tự sát được?”. Thế là Tào Tháo cắt tóc thay đầu, truyền lệnh cho ba quân được biết.

Cổ nhân cho rằng “Thân thể, tóc và da đều do cha mẹ ban cho”. Cắt tóc là một chuyện rất hệ trọng. Do đó hành động này của Tào Tháo cũng là một hình thức tự trừng phạt vô cùng nghiêm khắc. Tào Tháo cắt tóc, vừa có thể giữ uy tín trước mặt tướng sĩ của mình, cũng đắc được lòng dân, lại giữ được sự thành tín, trung thực, đã nói là làm.

Tào Tháo thuận mệnh Trời, vốn là chân nhân hạ thế, giúp rập Hán thất, chỉnh đốn kỷ cương, cứu trợ muôn dân, thực đã hoàn thành việc đại nghĩa trong thiên hạ. Ông lấy mình ra mà làm gương, khiến cho binh sĩ tuân thể nghiêm khắc mệnh lệnh, trăm người như một, bởi vậy mà làm nên nghiệp lớn, giữ cho xã tắc nhà Hán có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ sau đó. Tào Tháo mất, nhà Hán cũng đổ, thật chẳng phải là một việc ngẫu nhiên vậy.

Đào Khản cắt tóc làm tin, nhờ sự chân thành mà chiến thắng

Trong thời nhà Đông Tấn, một viên quan nhỏ ở Thục quận tên là Đỗ Thao làm phản, tiến đánh Kinh Châu, hoành hành khắp một vùng Kinh Tương khiến cho bách tính sợ hãi. Một thủ hạ của Đào Khản tên là Vương Cống theo Đỗ Thao làm phản. Đào Khản dẫn quân tiến vào Kinh Tương thu phục Đỗ Thao. Khi đó Vương Cống lại dẫn 3 nghìn quân tinh nhuệ đến Vũ Xương. Đào Khản liền phái Trịnh Phàn ngày đêm tấn công, có hàng vạn kẻ địch đã phải đầu hàng. Vương Cống thúc thủ, đành phải bỏ trốn.

Nhưng không lâu sau, Vương Cống lại mang quân thách đánh Đào Khản một lần nữa. Trong lúc giao đấu, nhìn thấy cấp trên trước đây của mình, Vương Cống cố ý muốn chọc tức, liền ở trên lưng ngựa mà giơ cao hai chân lên, có ý không coi Đào Khản ra gì.

Đào Khản không vội vã nghênh chiến, bình thản nói với Vương Cống: “Đỗ Thao vốn là tiểu sứ của Ích Châu, chiếm đoạt xe tiền, cha chết cũng không về chịu tang. Ngươi vốn là người tài, sao lại theo đi cướp? Hơn nữa trên đời này làm gì có tên cướp nào tóc bạc”. Ý của Đào Khản là đã là cướp thì không thể sống lâu.

Vương Cống nghe những lời ấy cảm thấy hổ thẹn, không dám kiêu ngạo nữa, nói chuyện tỏ vẻ ôn hoà hơn. Đào Khản biết rằng có thể dùng tấm lòng chân thành mà cảm hoá Vương Cống, bèn dùng đao cắt tóc mình, phái người giao cho Vương Cống. Theo quan niệm của người xưa, tóc có thể đại diện cho đầu, cắt tóc có nghĩa muốn nói với đối phương rằng muốn dùng tấm lòng mình để giao hảo.

Vương Cống biết Đào Khản có thành ý, liền dẫn theo đoàn quân của mình quy hàng. Trải qua biến cố này, đội quân làm phản của Đỗ Thao trước đó cũng dần dần sụp đổ. Đỗ Thao cuối cùng thất bại mà chết. Đào Khản không lãng phí một binh một tướng nào, chỉ dùng một lọn tóc đã thu hạ được cả một đội quân của Vương Cống, chặt đứt vây cánh của Đỗ Thao, giải quyết một thảm họa lớn.

***

Nghiêm khắc với chính mình là cách không thể tốt hơn để thu phục nhân tâm. Người xưa không ngại lấy mình ra làm gương, cắt tóc thay đầu, lấy sự chân thành mà cảm hoá, thu phục cả kẻ địch, thực là một cảnh giới tâm tính rất cao. Như vậy có thể thấy, việc tu thân sửa mình nghiêm khắc cũng chính là cách để có được sự kính trọng từ người khác vậy.

Theo DKN