Theo quan điểm của Qulishi, sự thiếu đoàn kết trong nội bộ của Thục Hán thực chất bắt nguồn từ những người đứng đầu của tập đoàn chính trị này, chính là Lưu Bị và Gia Cát Lượng.
Đánh giá về thế chân vạc trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, có ý kiến cho rằng Ngụy – Thục – Ngô sở dĩ có thể chia ba thiên hạ là bởi Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi, Lưu Bị được nhân hòa.
Tuy nhiên theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Trung Quốc Qulishi, thực tế cho thấy nhận định này không hẳn là chính xác.
Bởi bàn về “thiên thời”, Tào Tháo lại bị xem là người thiệt thòi hơn cả. Ông ra đời ở vào thời điểm Đổng Trác, Lưu Yên, Lưu Biểu hay Viên Thiệu đều đã vững chân, thiên hạ đã sớm đại loạn.
Trong khi đó, so với những nhân vật nổi lên sau này như Lưu Bị hay Tôn Quyền, thời điểm mấu chốt để tranh đoạt lại thuộc vào lúc ông đã bước sang tuổi già, vậy sao có thể nói là nắm trong tay thiên thời?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Về phần Tôn Quyền, Tôn gia vốn an định ở Giang Đông. Tôn Kiên mặc dù nam chinh bắc chiến không ngừng nhưng chưa thu được gì nhiều Tôn Sách gây dựng được đại nghiệp, tuy nhiên bắc nam cũng chia cắt từ đây.
Bắc phương vốn khó đánh xuống phía Nam, mà phương Nam muốn đánh lên phía Bắc lại càng chẳng hề dễ dàng. Đó cũng là lý do khiến năm xưa đại quân 100 ngàn binh của Tôn Quyền lại bị số kỵ binh ít ỏi dưới tay Trương Liêu đánh tan trong trận chiến Hợp Phì. Vậy thử hỏi Tôn Quyền lấy đâu ra “địa lợi”?
Nói tới “nhân hòa”, tập đoàn chính trị của Lưu Bị lại càng gây tranh cãi. Thậm chí Qulishi còn cho rằng, dù cho Lưu Huyền Đức cả đời giương cao ngọn cờ nhân nghĩa thì nội bộ chính trị dưới trướng nhân vật này vẫn bị cho là thiếu đoàn kết hơn cả.
Liệu rằng đâu là lý do dẫn tới điều tưởng như nghịch lý này? Về nguyên nhân lý giải cho câu hỏi ấy, Qulishi đã chỉ ra 3 yếu tố quan trọng dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Lưu Bị chỉ ban phát ân huệ nơi chót lưỡi đầu môi, không thực sự quan tâm thuộc hạ
Ảnh minh họa.
Từ khi thành lập tập đoàn chính trị của mình, Lưu Bị vẫn luôn lấy nhân đức làm đầu. Cũng bởi vậy mà những thuộc hạ dưới tay ông luôn một lòng kính trọng vị quân chủ nhân nghĩa hơn người, yêu dân như con, đức hạnh cao thượng ấy.
Vì nhân đức, đoàn đội của Lưu Bị dù không có thực lực quá mạnh nhưng vẫn tham gia dẹp loạn Khăn Vàng, chinh phạt Đổng Trác.
Vì nhân đức, Lưu Huyền Đức rõ ràng từng nắm trong tay không ít cơ hội ngàn năm có một, thế nhưng vẫn nhiều lần từ chối Từ Châu, phải tới lần thứ ba mới chấp nhận tiếp quản.
Vì nhân đức, bản thân vị quân chủ họ Lưu ấy luôn tỏ ra vạn bất đắc dĩ mới phải đoạt Tây Xuyên của Lưu Chương, hơn nữa còn luôn đem lòng áy náy, day dứt.
Thế nhưng cũng chính một Lưu Bị lấy nhân đức làm đầu lại không thể bảo vệ nổi mẹ của Từ Thứ.
Năm xưa, Từ Thứ là mưu sĩ đáng tin đầu tiên mà ông có được, đáng nhẽ phải được trọng dụng vô cùng. Kết quả là Từ Thứ đã giúp ông thắng liền mấy trận, nhưng Lưu Bị trước sau chưa từng thăm hỏi hay dốc lòng che chở cho gia quyến của vị quân sư này.
Cho nên mẹ của Từ Thứ mới bị Tào Tháo bắt đi, mưu sĩ họ Từ cũng không thể không rời trướng Lưu Bị.
Ảnh minh họa.
Lưu Bị được xem là người nhân đức, nhưng lại không ít lần bỏ rơi vợ con.
Năm xưa, Quản Trọng trước lúc qua đời đã từng đặc biệt nhắc nhở Tề Hoàn Công không thể trọng dụng Dịch Nha, Thụ Điêu và Khai Phương.
Bởi ba người này một người thì bỏ rơi con trai, một người bỏ rơi huynh đệ, một người thì không cần cha mẹ, đều chẳng thể dùng được.
Thế nhưng Lưu Huyền Đức lại lặp đi lặp lại nhiều lần việc làm chẳng hề nhân đức là bỏ rơi gia quyến. Vậy điều gì đảm bảo ông có thể chăm lo và quan tâm thuộc hạ – những người thậm chí còn không cùng chung máu mủ với mình?
Nguyên nhân thứ hai: Lưu Bị đối đãi với ân nhân bị cho là phụ nghĩa
Ảnh minh họa.
Theo quan điểm của Qulishi, danh tiếng nhân nghĩa của Lưu Bị không chỉ được gây dựng từ sự sùng bái của thuộc hạ mà còn bởi những câu cửa miệng quen thuộc của vị quân chủ này.
Trong đó “Cửu Châu xuân thu” từng ghi lại câu nói:
“Nay ta với Tào Tháo như nước với lửa, Tháo cấp bách, ta khoan thai; Tháo tàn bạo, ta nhân từ; Tháo xảo quyệt, ta trung hậu; cái gì cũng ngược với Tháo cả, việc mới thành được vậy. Nay được cái nhỏ mà mất đi tín nghĩa với thiên hạ, ta không đành lòng”.
Thế nhưng trước lầu Bạch Môn, khi đối diện với lời cầu xin của ân nhân trước kia là Lữ Bố, Lưu Bị lại đưa ra một kích trí mạng, đẩy Lữ Phụng Tiên vào cửa tử.
Trên thực tế, Lữ Bố năm xưa từng có lần bắn kích ở Viên môn để giải nguy cho Lưu Bị trước mối đe dọa từ thế lực của Viên Thuật.
Khi Tào Tháo tấn công Từ Châu, ông cũng đem quân đánh vào Duyện Châu khiến quân Tào phải lưu binh, xem như cũng thầm giúp cho Lưu Bị thêm một lần.
Chỉ tiếc rằng ở vào thời điểm Lữ Bố cùng đường, phải xin hàng Tào Tháo, Lưu Bị chẳng những không nói giúp mà còn nhẫn tâm khuyên Tào nên thẳng tay giết.
Kết quả là Lữ Phụng Tiên khét tiếng một thời vong mạng ở lầu Bạch Môn, trước khi chết còn tức tưởi mà kêu rằng:
“Thằng tai to này (chỉ Lưu Bị) mới là kẻ không đáng tin nhất”.
Nguyên nhân thứ ba: Những người đứng đầu Thục Hán không thực sự tạo cơ hội cho nhân tài phát triển
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Người Trung Hoa có câu: Đối đãi với kẻ địch như mùa đông giá rét, đối đãi với người mình như mùa xuân ấm áp. Cho nên âm mưu quỷ kế chủ yếu nên dùng trên người kẻ địch, mà thẳng thắn, chân thật mới là thái độ nên đối xử với người phe mình.
Tập đoàn của Lưu Bị vốn sở hữu không ít nhân tài có thực lực và phẩm cách, vốn dĩ càng nên đoàn kết, gắn bó hơn so với Tào – Tôn.
Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, mà nguyên nhân bắt nguồn từ cách dùng người của một trong những thân tín hàng đầu dưới tay Lưu Huyền Đức. Đó chính là Gia Cát Lượng.
Theo quan điểm của Qulishi, Gia Cát Khổng Minh năm xưa đa số đều dành nhiều tâm tư để nghĩ cách đối phó, điều khiển những người thuộc tập đoàn chính trị phe mình.
Khổng Minh đối với người hợp mắt thì ưu tiên muôn phần, nhưng đối với người không vừa mắt lại vô cùng khắt khe.
Đó cũng là lý do mà Ngụy Diên dù từng khẩn thiết xin gia nhập, lại lập được nhiều chiến công, nhưng chỉ vì Gia Cát Lượng nhìn ông có cái “phản cốt” nên từng muốn hạ thủ.
Dù sự thực có là vậy, thì một người như Ngụy Diên hoàn toàn có thể uốn nắn thêm sau khi gia nhập. Tiếc rằng Khổng Minh không cho ông cơ hội, cho nên dù ở Thục Hán cống hiến nửa đời người, kết quả vẫn là bị mưu hại.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trong khi đó, Gia Cát Lượng lại tin dùng một người như Mã Tốc cho cửa ải Nhai Đình quan trọng. Nào ngờ Mã Tốc để mất Nhai Đình, Bắc phạt thất bại, sau cùng cũng bị tiễn lên đoạn đầu đài.
Đối với người thuộc phe mình vốn nên thẳng thắn đối đãi, tuy nhiên Gia Cát Khổng Minh lại thường quen dùng chiêu khích tướng. Cho nên nhiều người vẫn cho rằng tâm ý của ông vốn mông lung khó dò.
Muốn một đoàn đội trở nên đoàn kết, muốn các thành viên tích cực phấn đấu, việc đầu tiên mà những người lãnh đạo nên làm đó chính là thay họ giải quyết hết thảy những khó khăn, âu lo, đối đãi với họ bằng tất cả sự thành thực và tin tưởng.
Chỉ tiếc rằng Lưu Bị hay Gia Cát Lượng năm xưa chưa thực sự làm được những điều này. Cho nên tập đoàn chính trị Thục Hán mới bị xem là thế lực thiếu đoàn kết nhất trong Tam Quốc.
Đây cũng là lý do khiến Thục Hán từng có không ít nhân vật phản bội như Mi Phương, Mạnh Đạt, Hoàng Quyền, cũng từng ghi nhận cái chết đầy tức tưởi của Trương Phi dưới tay những kẻ phản đồ năm ấy…
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)