Gia Cát Lượng (181 – 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, được người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời).
Gia Cát Lượng không chỉ nổi tiếng về tài thần cơ diệu toán, mà còn có khả năng “tâm lý chiến” hơn người. Cùng với khả năng biện luận sắc sảo, ngôn từ có sức mạnh như ngàn vạn gươm đao được xem là thứ vũ khí mạnh nhất và nguy hiểm của Gia Cát Lượng, khiến ông chở thành một trong nhưng nhân vật được yêu thích nhất tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Về khả năng biên luận, trong Tam quốc diễn nghĩa, miệng lưỡi của Gia Cát Lượng từng định ra thế chân vạc trong thời Tam quốc, từng một mình khẩu chiến với đám nho sĩ nổi tiếng Giang Đông, mà có thể sừng sững bất khuất, lại từng một câu “vừa mất phu nhân lại thiệt quân” khiến Chu Du tức giận…
Tuy Chu Du không phải là do Gia Cát Lượng trực tiếp mắng chết nhưng chỉ một câu “Diệu kế Chu Du an thiên hạ, vừa mất phu nhân lại thiệt quân” đã khiến Chu Du nhục nhã, chỉ nghĩ tới thôi đã không muốn sống, tức khí, thét lên: “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng” rồi qua đời.
Gia Cát Lượng còn từng dùng miệng lưỡi như lò xo mượn được Kinh Châu mà không trả, hơn nữa chỉ một cuộc nói chuyện ngắn ngủi đã khiến Tư đồ Vương Lãng ngã ngựa mà chết.
Về việc mắng chết Tư đồ Vương Lãng, tại hồi 93 Tam quốc diễn nghĩa mô tả, thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, khi Gia Cát Lượng cất quân Bắc phạt (mang quân đánh Ngụy), Vương Lãng lại xuất hiện với vai trò quân sư cho Đô đốc Tào Chân và Phó đô đốc Quách Hoài, Vương Lãng tự tin mình có thể dụ hàng Gia Cát Lượng bỏ Hán về Ngụy.
Khi hai bên dàn quân, Vương Lãng sai mời Gia Cát Lượng ra trước trận nói chuyện. Vương Lãng muốn dùng 3 tấc lưỡi để dạy đời và chiêu hàng Gia Cát Lượng. Sau khi nghe Vương Lãng nói hết, Gia Cát Lượng phe phẩy quạt lông, cứng rắn đáp lời:
“Ta tưởng ông là lão thần nhà Hán. Trước ba quân tướng sĩ dâng hiến cao luận gì. Nào ngờ, ông dám thở ra những lời lẽ thô bỉ, hôi thối đến thế. Tôi có mấy lời xin chư vị lắng nghe:
Trước đây dưới thời Hoàn Đế, Linh Đế, rường cột nhà Hán rối tung, hoạn quan gây họa, giặc cướp hoành hành, bốn phương hỗn loạn. Tiếp đó, Đổng Trác, Quách Dĩnh, Lý Thôi thừa dịp nổi lên ức hiếp thiên tử, tàn hại sinh linh.
Vì vậy chỗ Triều đình gỗ mục làm quan, nơi cung cấm cầm thú ăn lộc, một lũ sói lang chấp chính cầm quyền, nên xã tắc biến thành gò hoang, trăm họ dân lành điêu linh thống khổ. Trong cơn quốc nạn đó, quan tư đồ Vương Lãng đã làm gì?
Hành tung Vương Tư đồ ta còn lạ gì. Ông ra đời ven bờ Đông Hải, lấy danh nghĩa Hiếu liêm mà bước lên chốn quan trường. Là bề tôi nhà Hán, đáng lẽ ông phải góp sức yên dân, khôi phục chính thống, dựng lại họ Lưu. Nhưng không, ông đã hùa theo nghịch tặc, đồng mưu cướp ngôi, tội ác chất chồng, trời đất không dung”.
Vương Lãng nghẹn lời: “Tên thôn phu Gia Cát Lượng mi dám…”.
Gia Cát Lượng thấy kế tâm lý chiến của mình quả thực đã phát huy tác dụng đúng như ý, bèn bồi tiếp:
“Câm ngay! Tên giặc già vô liêm sỉ. Ngươi không biết muôn dân khắp bốn cõi đang muốn xé xác, moi gan mi sao còn múa mép. Chiêu Liệt hoàng đế ta nối dựng đại Thục ở Tây Xuyên. Nay ta vâng chiếu chỉ tự quân xuất nghĩa phạt tặc. Kẻ đớn hèn, xu nịnh như mi như rùa rụt cổ khom lưng cầu xin bát cơm thừa, manh áo cũ cho xong sao còn dám ra trước hàng quân mà nói năng càn rỡ, đổ tại số trời.
Tên thất phu đầu bạc, tên giặc già râu trắng kia. Nay mai dưới suối vàng mi còn mặt mũi nào mà thấy 24 tiên đế nhà Hán ta. Tên nghịch tặc nhục nhã, mi sống uổng 76 năm trời, mồm nói Thuấn, Nghiêu mà bán mình cho Tào Tháo. Mi không biết thân phận khuyển ưng mà ra trước hàng quân nói năng càn rỡ. Xưa nay ta chưa thấy ai mặt dày vô liêm sỉ như ngươi!”.
Nói tới đây, Vương Lãng uất giận, hú lên một tiếng mà ngã đột tử dưới chân ngựa. Tất thảy ba quân đều kinh hãi, tướng Nguỵ là Tào Chân thất kinh, còn Gia Cát Lượng thì ngồi xuống, nở một nụ cười nhẹ nhàng, tay khuơ quạt nhìn kết quả.
Tam quốc diễn nghĩa kể rằng khi bị Gia Cát Lượng mắng chết, Vương Lãng 76 tuổi.
Tuy nhiên, sự thực, việc đối đáp giữa Vương Lãng và Gia Cát Lượng xảy ra thời Ngụy Văn Đế Tào Phi (220-226) và thực hiện bằng thư từ. Hai người không gặp nhau ngoài chiến trường. Sự việc dừng lại ở đó và Vương Lãng không chết vì bức thư trả lời của Gia Cát Lượng.
Cụ thể, năm 220, Tào Tháo mất, con là Tào Phi cướp ngôi nhà Hán lập ra nhà Ngụy, Tào Phi xưng là Ngụy Văn Đế. Tào Phi sai Vương Lãng cùng các danh sĩ Hoa Hâm, Trần Quần, Hứa Chi viết thư cho Gia Cát Lượng, khuyên Gia Cát Lượng nên hiểu rõ thời thế, vận nhà Hán đã suy, nên bỏ Hán sang Ngụy.
Gia Cát Lượng nhận thư, công khai trả lời, khẳng định lập trường không thay đổi, không dao động; ngược lại còn tỏ ý tiếc cho lão thần Vương Lãng đã a dua theo những người ủng hộ họ Tào.
Ngụy Văn Đế dùng Vương Lãng vào chức Tư không. Năm 226, Ngụy Văn Đế mất, Ngụy Minh Đế Tào Duệ lên ngôi. Vương Lãng được thay Hoa Hâm làm Tư đồ, Tướng quốc nhà Tào Ngụy.
Năm 228, đời Ngụy Minh Đế, Vương Lãng qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Ông được truy tặng là Thành hầu. Vương Lãng hoạt động từ thời Hán Hiến Đế đến Ngụy Minh Đế tổng cộng gần 40 năm.