Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.
1. Nghênh đón Hán Đế, khuông phò vương thất
Cuối năm 192 (tức Sơ Bình năm thứ 3), Trị trung tòng sự người Trần Lưu là Mao Giới hiến kế cho Tào Tháo rằng: “Phò tá thiên tử, ra lệnh cho những kẻ không phải thần tử, sửa sang nghề nông, tích trữ của cải quân nhu. Nếu được như thế, sự nghiệp bá vương ắt thành vậy!“.
Tháo cho lời này là phải, lập tức chuẩn bị nghênh đón Hán Đế, bèn sai sứ đến chỗ Thái thú Hà Nội là Trương Dương, muốn cùng tiến sang phía tây đến Trường An (là nơi thiên tử đang ở). Tuy nhiên Trương Dương lại không nghe theo.
Lúc ấy có người ở Định Đào là Đổng Chiêu can Trương Dương rằng: “Viên Thiệu và Tào Tháo tuy nay kết làm một nhà nhưng thế ấy không lâu dài được. Lúc này, Tào Tháo tuy yếu nhưng chính là anh hùng thiên hạ, nên phải kết giao, huống hồ nay hai người đã có duyên. Chi bằng tướng quân cứ viết biểu tâu lên thánh thượng, nếu chuyện thành công thì sau này tướng quân và Tào Tháo sẽ kết thành thâm giao“.
Đổng Chiêu mấy lượt khuyên Trương Dương nên kết tình giao hảo với Tào Tháo. Cuối cùng Trương Dương nể lời, bèn dâng biểu lên triều đình tiến cử Tào Tháo. Đổng Chiêu lại bỏ tiền túi của mình, lấy danh nghĩa Tào Tháo mà viết thư kết giao với Lý Thôi, Quách Dĩ vốn là quyền thần đang nắm triều chính, lời lẽ gửi gắm ân cần, có nặng có nhẹ. Từ đó Tào Tháo có chỗ đi lại, tiếp cận với Hán Đế.
Quan Hoàng môn thị lang là Chung Diêu lại rỉ tai Lý, Quách rằng: “Ngày nay anh hùng nổi lên như ong vỡ tổ, đều mang bụng riêng, duy chỉ có Tào Duyện Châu là có tấm lòng với vương thất, khác hẳn phần còn lại. Chẳng phải đáng để trông cậy giao phó tương lai nước nhà lắm sao?“.
Lý, Quách nghe lời Chung Diêu nói, lại càng hậu đãi sứ giả của Tào Tháo hơn.
Mùa xuân năm 196 (tức Hưng Bình năm thứ 3), Tào Tháo trú binh ở Hứa Đô, lại muốn tính kế nghênh đón thiên tử về. Các quan văn võ tâu: “Sơn Đông chưa định, Hàn Tiêm, Dương Phụng cậy công làm liều, chưa thể đánh dẹp“, đều khuyên Tào Tháo không nên động binh. Duy có Thượng thư lệnh Tuân Úc bấy giờ kiến nghị Tào Tháo nên thuận theo lòng người, đón gấp thiên tử, vừa là chiến lược lớn, lại vừa tích được đại đức, cho dù có người phản đối thì chuyện cũng đã rồi, phải tận dụng thời cơ có một không hai này.
Tuân Úc nói: “Từ khi thiên tử mắc nạn, tướng quân cất nghĩa binh, đánh dẹp kẻ nhiễu loạn ở Sơn Đông, chưa có ngày nào nhàn rỗi. Nay loan giá long đong, Đông Kinh (tức Lạc Dương – ND) đổ nát, nghĩa sĩ vẫn còn đau xót, muôn dân thương nhớ bi ai. Nếu nhân lúc này, phụng thiên tử để theo nguyện vọng của dân chúng thì chính là việc đại nghĩa, giữ đạo công bằng mà khiến thiên hạ phục tùng chính là kế sách vẹn toàn. Tướng quân giương cao cờ nghĩa chính là việc làm của bậc đại trí, đại đức vậy. Bốn phương chư hầu dẫu có không phục thì cũng liệu làm được gì? Nếu không làm sớm, người khác sẽ làm trước ta ngay, sau có hối hận cũng không kịp nữa“.
Tào Tháo lập tức sai Dương Vũ Trung lang tướng Tào Hồng tiến quân sang phía tây nghênh đón thiên tử. Tuy nhiên Đổng Thừa lại cho quân đóng giữ các chỗ hiểm yếu ngăn cản khiến Tào Hồng không thể tiến lên, chưa đón được thiên tử về.
Bấy giờ có quân Khăn Vàng ở Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên là bọn Hà Nghi, Lưu Tích, Hoàng Thiệu, Hà Mạn tập hợp được đến mấy vạn quân mã, ban đầu theo về hưởng ứng Viên Thuật, sau lại nương nhờ Tôn Kiên. Tháng hai, Tào Tháo tiến quân thảo phạt chúng, chém được bọn Tích, Thiệu. Nghi và tất cả bộ chúng của mình xin hàng. Thiên tử bái Tào Tháo làm Kiến Đức tướng quân. Mùa hạ, tháng sáu, thiên tử lại thăng Tháo làm Trấn Đông tướng quân, phong tước Phí Đình hầu. Tào Tháo khiêm nhường, ba lần từ chối rồi mới miễn cưỡng tiếp nhận ấn phong.
Mùa thu, tháng bảy, Dương Phụng, Hàn Tiêm, Đổng Thừa đưa xa giá Hán Đế về phía đông, đến thành Lạc Dương. Dương Phụng tự làm Xa kỵ tướng quân, Hàn Tiêm lĩnh chức Đại tướng quân, đều được cầm tiết việt. Bấy giờ, cung phủ ở Lạc Dương đều đã bị Đổng Trác đốt phá cả, nơi nơi hoang vắng, gạch ngói nát vụn, cỏ dại mọc khắp nơi. Trăm quan không có chỗ trú thân, bèn phải phá vách của mấy bức tường đổ, tạm làm chỗ nghỉ chân.
Lúc ấy lại không có lương thực, thiên tử sai người đến khắp các châu quận xung quanh cầu viện nhưng mười người không có lấy một người tới ứng cứu. Châu quận các nơi đều có binh hùng tướng mạnh, lương thực dồi dào song lại đùn đẩy nhau không tới. Trăm quan đều đói vàng võ, từ Thượng thư lang trở xuống đều phải tự đi bới cỏ, đào rễ mà ăn cầm hơi. Quan quân thường thường đói chết hoặc bị giặc cướp ven đường cướp bóc, đoạt mạng.
Dương Phụng tự mình mang quân ra đóng ở huyện Lương. Tào Tháo dẫn binh đến Lạc Dương, vây chặt kinh thành. Hàn Tiêm bỏ chạy. Tháo vào bái yết Hán Đế. Thiên tử ban cho Tào Tháo tiết việt, lĩnh chức Lục thượng thư sự. Tháo lại tấn phong cả thảy 13 người của Vệ tướng quân Đổng Thừa làm liệt hầu, thưởng phạt phân minh, khen ngợi trung nghĩa. Lạc Dương kinh khuyết bị tàn phá cả. Đổng Chiêu lúc ấy hiến kế cho Tào Tháo dời đô về Hứa Xương, cho rằng Tháo dấy nghĩa binh trừ bạo loạn, phò tá thiên tử, vương thất, chính là cái công của Ngũ Bá thời Xuân Thu xưa vậy.
Tháng tám năm ấy, xa giá xuất hành từ cửa Hoàn Viên về phía đông. Tào Tháo chính thức dời về Hứa Đô (nay là phía đông nam Hứa Xương). Hán Hiến Đế tự mình đến doanh trại quân Tào, phong Tào Tháo làm Đại tướng quân, chức Vũ Bình hầu.
Từ khi thiên tử dời đô về phía Tây (tức Trường An), triều đình ngày một loạn, khiến cho dân đen đói khát, tranh ăn, châu huyện tiêu điều, hoang tàn. Đến lúc dời về Hứa Đô, tông miếu xã tắc, lễ nghi chế độ mới dần dần được khôi phục. Tào Tháo một tay nắm giữ quyền to, coi sóc tất cả việc triều chính, cải niên hiệu Hưng Bình năm thứ 3 thành Kiến An năm đầu (tức năm 196). Thiên tử bái Tào Tháo làm Kiến Đức tướng quân, sau lại phong làm Trấn Đông tướng quân.
Từ đó trở về sau, Tào Tháo đánh dẹp, thu hàng hết các thành trì ở Dự Châu, nhân danh thiên tử ra lệnh chư hầu. Các tướng ở Quan Trung đều trông về họ Tào mà phục tùng răm rắp. Nhờ Tuân Úc tiến cử, Tào Tháo lại có được thêm 2 mưu sĩ tài giỏi là Tuân Du và Quách Gia. Tuân Du tự Công Đạt, là cháu họ Tuân Úc, được Tháo phong làm thượng thư.
Tháo thường trong lúc vui vẻ, cao hứng mà nói rằng: “Công Đạt chính là một người phi thường vậy. Ta có được ông ta giúp bày kế thì thiên hạ có gì phải lo nữa!“. Tháo lại phong Quách Gia làm quân sư, cùng bàn việc thiên hạ, thường vui mừng mà nói: “Giúp ta thành đại nghiệp ắt là người này“. Quách Gia cũng thường nói về Tào Tháo là: “Thực chính là chủ của ta vậy!“. Tháo lại viết biểu lên thiên tử, xin gia phong cho Quách Gia làm Tư Không tế tửu.
2. Tu sửa đồn điền, phục hưng giáo dục
Từ năm Trung Bình (tức 189) trở đi, thiên hạ loạn ly, dân không cày cấy, ruộng đất bỏ hoang, lương thực thiếu thốn, chư hầu nổi dậy chẳng ai tính kế lâu dài, đói thì cướp bóc, no lại vứt lương, lòng người lìa tan, kẻ không đánh mà tự tan vỡ nhiều không tính xuể. Các quan thỉnh cầu Tào Tháo xây dựng lại đồn điền, tích lương thảo, nuôi quân mạnh.
Tào Tháo nghe theo, nói: “Cái thuật định quốc, là ở chỗ thực túc binh cường. Nước Tần coi trọng nghề nông mà đoạt được thiên hạ. Hiếu Vũ lấy việc khai khẩn đồn điền mà định được Tây Vực. Đó chính là phép hay của các đời trước vậy!“.
Tào Tháo lập tức đặt ra các chức Điền đô úy, Kỵ đô úy trông coi đồn điền, lại phong Nhâm Tuấn làm Điển Nông trung lang tướng lo việc sửa sang nông nghiệp. Tháo lại cho mộ dân khai khẩn đồn điền ở huyện Hứa, thu được hàng trăm vạn hộc lương.
Bởi thế các châu quận đều đặt chức quan trông coi việc ruộng đất, đồn điền, tích trữ lương thực tại chỗ, kho lẫm bỗng chốc sung túc. Đó chính là nền tảng để sau này Tào Tháo chinh phạt quần hùng bốn phương không còn canh cánh mối lo vận lương khó nhọc nữa, có thể cầm đại quân mấy mươi vạn người ứng chiến với địch nhiều tháng trời không chút lo lắng.
Tào Tháo có viết một bài thơ tên là “Giới lộ hành”, trong đó miêu tả rất sinh động cảnh loạn ly cuối thời Đông Hán. Dưới con mắt của một anh hùng lo trước cái lo của thiên hạ, Tào Tháo cho thấy quyết tâm an định giang sơn, trùng hưng vương thất, vỗ về dân chúng, xây dựng thái bình.
Giới lộ hành
Duy Hán chấp nhị thế
Sở nhậm thành bất lương
Mộc hầu nhi quan đới
Tri tiểu nhi mưu cường
Do dự bất cảm đoán
Nhân thú chấp quân vương
Bạch hồng vi quán nhật
Kỷ diệc tiên thụ ương
Tặc thần trì quốc bính
Sát chúa diệt vũ kinh
Đãng phúc đế cơ nghiệp
Tông miếu dĩ phần tang
Bá việt tây thiên di
Hiệu khấp nhi thả hành
Chiêm bỉ Lạc thành quách
Vi Tử vi bi thương
Dịch nghĩa: Đời thứ 22 nhà Hán, kẻ nhậm chức thật bất tài. (Chỉ như) khỉ đội mũ, biết ít lại tính mưu to. Do dự không dám quyết, (nên bọn Trương Nhượng) giữ vua để thoát ra ngoài. Cầu vồng màu trắng che khuất mặt trời (ý nói có biến loạn lớn). Thân mình (chỉ Hà Tiến) cũng chuốc lấy tai ương trước khi hành sự. Kẻ tặc thần nắm giữ quyền bính, giết vua, thiêu cháy kinh thành. Cơ nghiệp đế vương bị lật đổ, tông miếu bị đốt cháy, chôn vùi. Di dời về phía tây, khóc lóc dắt nhau đi. Ngẩng nhìn thành quách Lạc Dương kia, bi thương giống như Vi Tử.
Tào Tháo đưa Hán Hiến Đế dời đô về Hứa Xương, nhân danh thiên tử, ra lệnh chư hầu, đánh dẹp những kẻ quần hùng mà thành đại nghiệp. Tào Tháo tự chiếm Duyện Châu, Dự Châu, trong khi bốn phía còn lại toàn là quần hùng cát cứ. Phía bắc là Viên Thiệu, nắm giữ 3 châu: Ký, Thanh, Tinh. Công Tôn Toản đóng ở U Châu, Trương Dương vẫn còn chiếm Hà Nội. Phía đông có Lã Bố ở Từ Châu, Viên Thuật ở Hoài Nam. Phía nam Lưu Biểu cát cứ Kinh Châu, Trương Tú ở Nam Dương, Tôn Sách ở Giang Đông. Phía tây có Hàn Toại, Mã Siêu chiếm giữ Lương Châu, Trương Lỗ đóng ở Hán Trung, Lưu Chương ngồi giữ Ích Châu. Chính là lúc thời thế tạo anh hùng, hào kiệt nổi lên như ong vỡ tổ.
Chiến loạn liên miên khiến Tào Tháo không còn thấy được cái phong khí của nhân, nghĩa, lễ, nhượng bởi vậy bèn ra sức phục hưng giáo dục khắp nơi. Ông nói: “Loạn lạc chết chóc tới nay có đến 15 năm, lớp người hậu sinh không còn được thấy cái phong khí nhân, nghĩa, lễ, nhượng nữa, ta đau xót lắm thay! Nay lệnh cho các quận trong nước đều phải tu sửa trường học, mỗi huyện 500 hộ lại đặt ra một chức giáo quan, tuyển chọn những kẻ anh tài trong vùng để làm người dạy dỗ học trò. Đó chính là khiến cho đạo của các bậc tiên vương không bị phế bỏ, mà lại có ích lợi lớn cho thiên hạ vậy!“.
Tào Tháo diệt trừ cường hào, nêu cao pháp lệnh, thưởng phạt phân minh, chỉ trong mấy năm mà khôi phục lại giường mối quốc gia, tu sửa được nền chính trị đang trên đà đổ nát của nhà Hán. Nhiều người cho rằng Tào Tháo chuyên quyền, lấn ngôi thiên tử nhưng trong hoàn cảnh loạn ly, chiến tranh khi ấy nếu không có một người quyền biến, quyết đoán như vậy e rằng xã tắc sẽ nghiêng đổ.
Bàn về đạo trị quốc, Tào Tháo đã nói hết sức minh bạch, rõ ràng: “Người có nước có nhà, không lo của ít mà lo chia không đều, không lo nghèo túng mà lo chẳng được yên. Họ Viên cai trị thiên hạ, cường hào phóng túng, chuyên quyền, người thân thích kiêm tính đất đai, hạ dân bần hàn, khốn khổ, đời đời chịu nộp thuế khóa, bán hết gia tài, chẳng đủ để ứng phó…
Muốn cho trăm họ thân gần nương cậy, giáp binh cường thịnh, há làm vậy được sao! Nay thu thuế ruộng một mẫu bốn thưng, mỗi hộ nộp hai thất lụa, hai cân bông tốt mà thôi, cái khác không thể tự tiện trưng thu. Quan tướng đứng đầu quận quốc tra xét rõ việc ấy, không được bao che giấu giếm nhường kẻ mạnh, mà thu thêm thuế của dân yếu vậy!”.
Có thể nói, sau khi đón được xa giá thiên tử, lại dời đô về Hứa Xương, Tào Tháo đã xác lập được thế lực và chiến lược phát triển của mình. So với đối thủ lớn nhất là Viên Thiệu ở phía bắc, Tào Tháo binh lực không bằng, chỉ có thể dựa vào uy thế của thiên tử mà ra lệnh cho chư hầu, chiếm lấy thiên thời, mở rộng uy danh, cải cách đồn điền, nuôi quân dưỡng ngựa, đợi ngày tung hoành thiên hạ.
Muốn biết Tào Tháo xây dựng thế lực, mở rộng ảnh hưởng, bắt đầu chinh phạt thiên hạ ra sao, mời quý độc giả đón đọc ở kỳ tiếp theo, hạ hồi phân giải.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Hữu Bằng biên dịch