Theo Tam Quốc diễn nghĩa, “Ngũ hổ tướng” của tập đoàn chính trị Thục Hán bao gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu. Trong số này, có 3 nhân vật từng khiến Tào Tháo lúc sinh thời phải lo lắng.
Là một vị quân chủ nổi bật trong thời kỳ Tam Quốc, Tào Tháo lúc sinh thời đã dựa vào tài năng và mưu lược của mình để thống nhất một phương, cùng Thục – Ngô chia ba thiên hạ.
Thế nhưng mặc dù đã có được cơ nghiệp được xem là vững chắc nhất trong số các chư hầu thời bấy giờ, vị quân chủ này vẫn chưa thấy thỏa mãn, bởi hùng tâm tráng chí cả đời của ông vẫn luôn là thống nhất thiên hạ.
Tuy nhiên trong quá trình hiện thực hóa lý tưởng của mình, Tào Mạnh Đức túc trí đa mưu cũng có những lúc gặp phải các đối thủ khiến ông không khỏi e dè, thậm chí là khiếp sợ.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” nói riêng, ba viên hổ tướng của tập đoàn Thục Hán dưới đây cũng nằm trong số ít các nhân vật từng khiến gian hùng thời loạn khét tiếng này phải ngày đêm dè chừng.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trương Phi (163 – 221), tự Dực Đức, là danh tướng nổi bật của tập đoàn chính trị Thục Hán vào thời Tam Quốc của lịch sử Trung Hoa.
Trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”, nhân vật này đã cùng Lưu Bị và Quan Vũ kết nghĩa vườn đào và cũng là em út trong ba huynh đệ.
Trước khi gây dựng được tên tuổi trên chiến trường, ông từng hành nghề đồ tể ở quận Trác, sau đó đầu quân cho Lưu Bị. Thế nhưng sau khi thành danh, Trương Phi vẫn bị nhiều người xem là phường vũ phu vì tính cách lỗ mãng và nóng nảy của mình.
Xét theo lẽ thường, một người túc trí đa mưu như Tào Tháo vốn dĩ không cần e dè trước nhân vật bị cho là “hữu dũng vô mưu” như viên tướng họ Trương này.
Thế nhưng điểm đáng nói lại nằm ở chỗ, sự dũng mãnh, quả cảm và thậm chí là liều lĩnh của Trương Phi lại thực sự không thể xem thường.
Theo tình tiết của diễn nghĩa, năm xưa trong trận Trường Bản, Trương Phi từng một mình cưỡi ngựa, tay cầm xà mâu, đứng trên cầu hét lớn:
“Ta là Trương Dực Đức người nước Yên! Ai dám cùng ta quyết trận tử chiến?”.
Tiếng hét của ông to như sấm, khiến cho quân Tào nghe thấy đều không khỏi run sợ mà không dám giao chiến. Thậm chí một bộ tướng của Tào Tháo đã hoảng sợ tới mức vỡ mật mà chết.
Khi đó, Tào Tháo cũng bị sự dũng mãnh của Trương Phi dọa cho giật mình, liền vội vàng phóng ngựa rút lui, quân Tào cũng theo đó mà tháo chạy.
Vì vậy, có thể nói rằng Tào Tháo lúc sinh thời một mặt không khỏi ghi hận Trương Phi năm đó đã phá hủy mưu lược của mình ở Trường Bản, mặt khác cũng không khỏi e dè trước sự dũng mãnh và liều lĩnh mà người thường khó thể sánh nổi của vị tướng này.
Ảnh minh họa.
Quan Vũ (162 – 220), tự Vân Trường, là một viên hổ tướng vô cùng nổi danh của Thục Hán vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc.
Năm xưa, vị tướng họ Quan này được miêu tả là kỳ tài võ nghệ dũng mãnh, sức định vạn người. Sở hữu tài năng hiếm có cùng nhiều phẩm chất hơn người, Quan Vân Trường cũng vì vậy mà trở thành nhân vật vô số chư hầu muốn có được. Và Tào Tháo cũng không phải ngoại lệ.
Tào Mạnh Đức năm xưa từng trải qua trăm cay ngàn đắng, hao tổn không ít tâm sức mới có được sự phụng sự tạm thời của Quan Vũ. Vì vậy ông hết sức khoản đãi và coi trọng nhân tài này.
Thế nhưng Quan Vân Trường một lòng trung thành với Lưu Bị. Sau khi nghe được tung tích của huynh trưởng liền không ngần ngại rời bỏ Tào doanh, thậm chí còn chém không ít đại tướng của quân Tào để có thể về với chủ cũ.
Sự dứt áo ra đi một cách tuyệt tình này đã khiến cho Tào Tháo không khỏi cảm thấy mất mát, đồng thời cũng hết sức lo ngại về việc tài năng xuất chúng của Quan Vũ tương lai có thể trở thành mầm tai họa đe dọa tập đoàn chính trị của mình trong tương lai gần.
Kết quả là sau khi Quan Vân Trường dùng kế khiến nước ngập bảy đạo quân, chém Bàng Đức, bắt Vu Cấm, Tào Tháo đã quyết định cùng Tôn Quyền ra tay để bức ông vào cửa tử.
Nước đi chẳng lấy gì làm vinh quang ấy đã thể hiện rõ sự e sợ của Tào Tháo đối với vị tướng “uy chấn Hoa Hạ” Quan Vân Trường.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Mã Siêu (176 – 222), tự Mạnh Khởi, là võ tướng cuối thời Đông Hán đầu thời Tam Quốc, sau trở thành viên tướng phụng sự cho tập đoàn chính trị Thục Hán của Lưu Bị.
Vì từng có mối thù giết cha không đội trời chung với Tào Tháo, Mã Siêu từ khi còn trẻ đã luôn nung nấu ý định báo thù rửa hận.
Thậm chí trong trận Đồng Quan, Mã Siêu còn từng khiến cho Tào Tháo phải “cắt râu, vứt áo” mới có thể thoát chết.
Cũng bởi vậy nên mới có giai thoại truyền lại rằng, Tào Mạnh Đức từng vì e sợ viên tướng họ Mã này mà tuyên bố:
“Thằng ranh họ Mã chẳng chết, ta chết không có đất mà chôn”.
Đây cũng chính là minh chứng rõ nhất cho thấy Mã Siêu là một trong những nhân vật hiếm hoi khiến cho một gian hùng thời loạn khét tiếng như Tào Tháo cũng phải dè chừng.
*Dịch từ báo nước ngoài