Trong chính sử, ghi chép lại về cuộc đời Triệu Vân tương đối ít nhưng trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Triệu Vân lại được miêu tả cực kỳ hùng tráng.
Triệu Vân thường được dân gian xem là nhân vật đứng thứ ba trong Ngũ hổ tướng (chức danh hư cấu trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa), sau Quan Vũ, Trương Phi và trên Mã Siêu, Hoàng Trung.
Tuy nhiên, cuốn sử Tam quốc chí sử gia Trần Thọ lại xếp Triệu Vân cuối cùng dựa trên thực tế là sau khi Lưu Bị lên ngôi vương, Triệu Vân chỉ được phong làm Dực quân tướng quân, địa vị và chức tước đứng sau bốn người kia khi Lưu Thiện truy phong tước hầu cho 4 vị Quan Trương Mã Hoàng, Triệu Vân cũng không ở trong số đó (nhờ các tướng lĩnh dâng sớ, tới năm sau thì ông mới được truy phong tước hầu).
Người đời sau đánh giá rất cao tài năng và tấm lòng trung nghĩa của ông. Triệu Vân và Quan Vũ là 2 vị võ tướng duy nhất trong thời Tam quốc được vinh dự thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung có ghi rằng ông “cao tám thước, mắt rồng, mày rậm, má bầu, mặt rộng, sống mũi diều hâu, lưng sói, tay vượn, bụng beo, cưỡi Bạch Long mã, uy phong lẫm liệt”.
Những chiến tích của Triệu Vân phải kể đến: Phá trận Bát Môn kim Tỏa trận của Tào Nhân, hai lần cứu A Đẩu (Lưu Thiện), một mình cưỡi Bạch Long mã phá vây hàng vạn quân Tào, chém gãy 2 lá cờ to, giết 50 danh tướng quân Tào, lấy được thanh gươm báu Thanh Công – thanh gươm báu mạ vàng của Tào Tháo, có thể chém gãy các loại binh khí.
Ông cũng truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, Hán Trung, đánh tộc người Man do Mạnh Hoạch chỉ huy, tham gia Bắc phạt do Gia Cát Lượng chỉ huy.
Tuy nhiên, trước khi theo Lưu Bị để làm nên những chiến tích lừng lẫy, Triệu Vân từng làm việc cho Công Tôn Toản, nhưng lại không được đánh giá cao.
Triệu Vân sinh tại huyện Chính Định thuộc quận Thường Sơn (nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc). Ông được cho là có ngoại hình hùng dũng, uy phong.
Về võ công của Triệu Vân có một giai thoại trong dân gian kể lại rằng, ngay từ nhỏ Triệu Vân đã đam mê và chăm chỉ tập luyện võ thuật, tuy nhiên chưa tìm cho mình được một người thầy ưng ý. Vào năm 18 tuổi, chàng trai Triệu Vân quyết định rời xa quê nhà để nâng cao trình độ võ thuật.
Triệu Vân đi, đi mãi suốt 20 ngày tới núi Thái Hàng, khi tới núi Tây Dương Cao thì mệt nhoài, ngồi nghỉ, rồi tìm một nơi trú đỡ để ngày mai lên đường. Tại đây Triệu Vân đã gặp được một cao thủ tuyệt đỉnh, nằm ngủ vắt vẻo trên thân cây, khi rớt xuống cành cây khác vẫn ngủ ngon lành như không có chuyện gì.
Triệu Vân đã xin được làm đồ đệ của võ sư này, và nhờ sự thành tâm, lễ độ với bậc tiền bối mà Triệu Vân được nhận làm đồ đệ. Lão ông râu trắng này không ai khác chính là Bích Vân Đại sư chùa Huyền Chung trên núi Thái Hàng.
Triệu Vân hồ hởi theo sư phụ lên núi, ngay trong đêm ông đã truyền dạy sử dụng ảo bí kỹ xảo, cách công, cách phòng của thập bát ban binh khí về đao, thương, kiếm, kích cho Triệu Vân nghe.
Đến ngày thứ 82 thì Triệu Vân được Bích Vân Đại sư khuyên nên dùng thương thay vì luyện đao. Cũng kể từ đó, Triệu Vân miệt mài tập luyện cùng cây thương. Thấm thoắt đã được hai năm hai tháng, tay thương của Triệu Vân đã luyện tới mức lô hỏa thuần thanh, biến hóa tuyệt vời. Vào một sáng mùa thu trời trong khí mát, Triệu Vân từ biệt Bích Vân sư truyền, dấn bước vào thiên hạ.
Theo sử liệu, khi trong quận Thường Sơn có loạn, kêu gọi trai tráng, Triệu Vân cũng chiêu mộ quân lính rồi đến xin gia nhập Công Tôn Toản. Lúc đó Viên Thiệu đoạt Ký Châu của Hàn Phức (năm 191), tự xưng Ký Châu mục, nhiều người đến quy phục Viên Thiệu, khiến Công Tôn Toản rất lo lắng.
Công Tôn Toản thấy Triệu Vân không đi theo Viên Thiệu mà lại đến chỗ mình, mới nói đùa rằng: “Nghe nói người ở quý châu đều đến với họ Viên, chỉ một mình ngươi đổi ý, tỉnh ngộ mà bỏ lối mê đấy ư?”.
Triệu Vân đáp rằng thiên hạ đang loạn lạc, người tốt kẻ xấu khó phân biệt, dân chúng thống khổ, ai cũng mong theo về với bậc chính nhân, thế nên mới đến chỗ Toản. Triệu Vân theo Công Tôn Toản chinh chiến, trong đó có những trận đụng độ với Viên Thiệu.
Nhưng khi ở dưới trướng của Công Tôn Toản, Triệu Vân lại không được đánh giá cao. Sau khi gặp Lưu Bị, hai người cảm thấy như “nhân duyên tiền kiếp”.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, khi Tào Tháo tấn công Từ Châu, Đào Khiêm cầu cứu, Lưu Bị cầu cứu Công Tôn Toản. Công Tôn Toản muốn điều ba ngàn binh lính và ngựa đến giúp đỡ nhưng Lưu Bị đã từ chối, chỉ muốn mượn Triệu Vân. Triệu Vân từ lâu đã ngưỡng mộ nhân phẩm và con người của Lưu Bị nên đã nhận lời đi theo phò tá.
Từ đó Triệu Vân đi theo Lưu Bị, khi Lưu Bị mất, ông tiếp tục phục vụ Lưu Thiện. Năm 223, Triệu Vân được Lưu Thiện phong làm Trung hộ quân, Chinh nam tướng quân, sau đó thăng lên Trấn đông tướng quân.
Có thể thấy, qua tiểu thuyết và giai thoại Triệu Vân vốn là người có phong thái khác người, võ nghệ được học hành bài bản và có chí lớn, trượng nghĩa gặp thời loạn không tiếc thân mình ra tay ứng phó.
Triệu Vân (? – 229), tự Tử Long, là một danh tướng sống vào cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh tại huyện Chân Định thuộc quận Thường Sơn, ngày nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc (phía bắc Trung Quốc).