Trên thực tế, ngay cả khi còn có cơ hội góp mặt trong chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh, một viên hổ tướng như Mã Siêu cũng chưa chắc đã có khả năng giúp Thục Hán thay đổi tình thế. Vì sao?
Mã Siêu, tự Mạnh Khởi, từng là chư hầu khét tiếng Tây Lương, sau trở thành một viên hổ tướng dưới trướng Lưu Bị vào thời Tam Quốc.
Năm 222, viên hổ tướng nổi danh một thời này qua đời ở tuổi ngoài 40, để lại không ít tiếc nuối đối với triều đình nhà Thục Hán.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, nếu như Mã Siêu không mất sớm mà có thể sống tới khi Gia Cát Lượng Bắc phạt Tào Ngụy thì với tài năng của mình, ông có thể giúp Thục Hán nhất thống Trung Nguyên, phục hưng cơ nghiệp của Hán thất.
Tuy nhiên theo quan điểm của Qulishi phân tích trong phạm vi của “Tam Quốc diễn nghĩa”, ngay cả khi không qua đời sớm và góp mặt trong chiến dịch Bắc phạt, Mã Siêu cũng khó có thể thay đổi kết cục thất bại của phe Thục Hán vì những lý do dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Thời đại hoàng kim uy chấn Tây Lương của Mã Siêu đã sớm lùi vào quá khứ
Mã Siêu từng là chư hầu xuất thân vọng tộc, uy chấn một phương và sở hữu nhiều chiến công khét tiếng Tam Quốc. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Sinh thời, Mã Siêu xuất thân là chư hầu Tây Lương, hậu duệ của tướng quân Mã Viện. Ông từng tiếp quản quân đội của Mã Đằng và cùng Hàn Toại đối đầu với Tào Tháo.
Trong những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp ấy, Mã Siêu từng chiếm được Đồng Quan, Trường An. Năm xưa, Tào Tháo từng tự mình dẫn theo đại quân cùng Mã Siêu đại chiến, khó khăn lắm mới có thể có được thắng lợi.
Cho nên có thể nói rằng, ở Tây Lương vào thời điểm bấy giờ, Mã Siêu chính là một đại nhân vật, thủ hạ dưới trướng có tới mấy trăm ngàn kỵ binh tinh nhuệ, ngay tới người Khương cũng phải kính trọng mà tôn sùng ông là “Thần uy Thiên Tướng quân”.
Thế nhưng kể từ sau khi quy thuận Lưu Bị, sự nghiệp viên tướng họ Mã này tựa như mặt trời lặn đằng tây.
Cha ruột là Mã Đằng cùng hai anh em họ Mã Hưu, Mã Thiết đều bị Tào Tháo giết chết. Ngay tới vợ con và thân nhân cũng bị hại, phó tướng Bàng Đức còn quy thuận quân Tào, duy chỉ còn lại người em trai Mã Đại là theo anh nương nhờ Thục Hán.
Bấy giờ, dù cho ông vẫn còn uy danh nhất định ở Tây Lương thì kể từ sau khi quy thuận Lưu Bị, uy tín cũng đã dần giảm sút.
Khó có thể không thừa nhận rằng, thời đại lẫy lừng của Mã Siêu đã sớm lùi vào quá khứ. Do đó dù cho còn sống tới lúc Khổng Minh Bắc phạt, ông cũng khó có thể khiến quân Tây Lương hay người Khương tình nguyện nghe theo mình để chống lại một thế lực hùng mạnh như Tào Ngụy.
Nguyên nhân thứ hai: Nếu còn sống tới khi Bắc phạt, Mã Siêu cũng đã tuổi cao sức yếu
Kể từ sau khi về dưới trướng Lưu Bị, sự nghiệp của Mã Siêu bị ví như “mặt trời lặn về đằng Tây”. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Được cho là người trẻ tuổi nhất trong hàng ngũ “Ngũ hổ thượng tướng”, ở vào thời điểm qua đời là năm 222, Mã Siêu còn chưa bước qua tuổi 47.
Tuy nhiên nếu như sống tới thời điểm Khổng Minh Bắc phạt, ông lúc này cũng đã tuổi ngoài 50. Vào thời cổ đại, độ tuổi ấy đã có thể xem là người già.
Năm xưa khi còn trẻ, Mã Siêu theo cha chinh chiến từ năm 17 tuổi. Sau đó vài năm, ông liên tiếp vang danh thiên hạ nhờ hàng loạt chiến tích như chém chết bộ hạ của của Đổng Trác, khiến Tào Tháo phải cắt râu, vứt áo để chạy trốn trong trận Đồng Quan, thậm chí còn một mình đấu với dũng sĩ đệ nhất của phe Tào Ngụy là Hứa Chử…
Thế nhưng hết thảy mọi chiến tích lẫy lừng năm ấy đều diễn ra khi ông đang còn ở độ tuổi tráng niên. Mà một Mã Siêu khi đã ngoài ngũ tuần đã sớm bước qua thời kỳ vàng son, nếu muốn tiếp tục chinh chiến ở vị trí xung phong ắt sẽ gặp nhiều khó khăn hơn cả.
Nguyên nhân thứ ba: Năng lực của một mình Mã Siêu cũng không thể cứu vãn được kết cục thất bại của Thục Hán
Trên thực tế, người có khả năng thay đổi kết cục của Bắc phạt là Gia Cát Lượng chứ không phải Mã Siêu. (Ảnh minh họa).
Mã Siêu cho dù có sở hữu năng lực lợi hại hơn nữa thì đó cũng chỉ là sức của một người, không cách nào giúp Thục Hán thay đổi kết quả sau cùng.
Nhìn lại thời điểm mới tiến hành Bắc phạt lần đầu tiên, không khó để nhận thấy phe Thục Hán chiếm được không ít thuận lợi. Thế nhưng thế cục đã thay đổi theo chiều hướng bất lợi kể từ khi cứ điểm Nhai Đình thất thủ.
Trong chiến dịch năm đó, mặc dù không có sự xuất hiện của Mã Siêu, nhưng Thục Hán vẫn còn một viên hổ tướng khác là Triệu Vân xuất chiến. Tiếc rằng kết cục cuối cùng cũng chẳng thể thay đổi.
Mặc dù ở vào thời điểm bấy giờ, phe Thục Hán không chịu hao tổn quá lớn. Tuy nhiên mất công xuất quân mà vẫn thu về tay trắng thì đã có thể xem như thất bại.
Cho nên dù Mã Siêu còn sống và có thể tham gia lần Bắc phạt đầu tiên này, sức lực của một mình ông cũng rất khó có thể thay đổi sự kiện mấu chốt là Mã Tốc để mất Nhai Đình.
Trên thực tế, ảnh hưởng của một viên đại tướng đối với một cuộc chiến tranh là không lớn. Người có thể đưa ra những quyết định thay đổi thế cục chính là nhân vật ở ngôi chủ soái như Gia Cát Lượng hay Tư Mã Ý.
Hơn nữa, nếu đánh giá dựa trên tương quan quốc lực giữa hai bên, năng lực của Thục Hán khi đó không thể so sánh cùng Tào Ngụy. Đây mới là lý do chủ yếu khiến Gia Cát Lượng nhiều lần Bắc phạt mà không thể thu về được gì.
Ở vào thời điểm tham gia Bắc phạt, tuổi tác của Triệu Vân và Mã Siêu đều đã có thể được xếp vào hàng “lão tướng”. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Vì vậy, dù cho Mã Siêu không mất sớm và sống tới thời điểm phạt Ngụy thì vai trò của ông và Triệu Vân cũng sẽ giống nhau, đem tới ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là công dụng thực tế.
Bởi lẽ, thời kỳ huy hoàng của những vị lão tướng này đều đã sớm lùi vào quá khứ. Vì lý do tuổi tác, uy danh, họ khó có thể phát huy uy lực trên chiến trường để làm nên những chiến công oanh liệt như thuở còn tráng niên.
Đây cũng là lý do khiến chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi nhận định rằng: Ngay cả khi Mã Siêu có tham gia chiến dịch Bắc phạt thì chưa chắc đã có thể giúp Thục Hán trở thành kẻ giành chiến thắng.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).