Tài trí của Tư Mã Ý hoàn toàn không hề thua kém Gia Cát Lượng nhưng ông lại luôn tỏ ra sợ hãi quân sư số một của Thục Quốc.
Nói đến nhân vật thông minh nhất thời Tam Quốc, chắc chắn thế nhân sẽ nhắc đến Gia Cát Lượng. Tuy nhiên vào giai đoạn binh đao loạn lạc này, những nhân vật thông minh kiệt xuất có rất nhiều, có thể kể đến Bàng Thống, Chu Du, Lục Tốn, Tư Mã Ý…
Chỉ vì sức ảnh hưởng của danh tác “Tam Quốc Diễn Nghĩa” quá lớn, nên hình ảnh Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán đã ăn sâu vào ý thức của thế nhân. Kỳ thực năng lực của Tư Mã Ý hoàn toàn không thua kém Gia Cát Lượng, nhưng tại sao ông lại phải e sợ Gia Cát Lượng đến vậy?
Tư Mã Ý tự Trọng Đạt, là một trong 8 người con của Tư Mã Phòng, từ nhỏ đã lòng ôm trí lớn, trí tuệ hơn người. Thái thú Nam Dương là Dương Tuấn Tố khi gặp Tư Mã Ý lúc 20 tuổi đã nhận định rằng ông không phải là một người tầm thường.
Danh tiếng của Tư Mã Ý nhanh chóng truyền đến tai Tào Tháo, Tào Tháo lúc đó vừa nhậm chức Tư Không rất muốn Tư Mã Ý gia nhập dưới chướng, nhưng Tư Mã Ý nhiều lần từ chối lời mời gọi của ông.
Đến khi Tào Tháo đã trở thành Thừa tướng và ra lệnh cho Tư Mã Ý tới tham chính, Tư Mã Ý sợ điều không hay sẽ xảy ra nên cuối cùng chấp nhận giữ chức Văn học duyện.
Tài năng của Tư Mã Ý hoàn toàn không thua kém Gia Cát Lượng.
Những ngày tháng trong Tào doanh, Tư Mã Ý đã đề xuất rất nhiều kế sách, giúp quân đội phát triển, lập được rất nhiều công lao to lớn. Tư Mã Ý khuyên Tào Tháo sử dụng kế sách “đồn điền” trong doanh trại để giải quyết vấn đề lương thực, giúp Tào Tháo khi chinh chiến tứ phương không phải bận tâm quá nhiều đến áp lực hậu phương.
Sau khi Tào Tháo qua đời, Tào Phi xưng đế, phế Hán lập Ngụy. Tài năng của vị Hoàng Đế này đương nhiên không thể sánh bằng phụ thân của mình, vì thế Tư Mã Ý đương nhiên trở thành cánh tay phải đắc lực của Tào Phi.
Sau khi Tào Phi ᴄʜếᴛ, quyền lực của Tư Mã Ý ngày càng lớn mạnh. Hơn nữa sau đó, Tư Mã Ý còn bắt sống Mạnh Đạt, nhiều lần ngăn cản thành công chiến dịch phạt Bắc của Gia Cát Lượng (Gia Cát Lượng cũng vì chiến dịch phạt Bắc thất bại mà bệnh mất), sau đó còn tiếp tục bình định Liễu Đông, chiến tích lẫy lừng.
Ấy vậy mà một người tài năng như vậy là có những điển tích trở thành chuyện cười trong dân gian như Không Thành Kế hay Gia Cát ᴄʜếᴛ vẫn đuổi được Trọng Đạt sống.
“Không Thành Kế” bắt đầu khi Mã Tốc làm Nhai Đình thất thủ, Gia Cát Lượng lúc này tại Tây Thành chỉ có 2000 quan văn và 500 kỵ mã, cùng lúc đó Tư Mã Ý mang 15 vạn đại quân đuổi đến nơi.
Gia Cát Lượng lúc này không những không triển khai quân đội ứng phó, mà ra lệnh mở toang cổng thành, còn ông ngồi trên thành lầu bình thản gảy đàn. Tư Mã Ý đến nơi thấy vậy nên sinh nghi, lưỡng lự không dám tiến binh vì sợ mai phục.
Thêm vào đó, tiếng đàn bình thản của Gia Cát Lượng đã khiến Tư Mã Ý càng thêm lo lắng mà quyết định rút quân.
Khi Gia Cát Lượng bệnh nặng sắp lâm chung đã bày cho Khương Duy một diệu kế. Ông bảo Khương Duy không được phát tang, âm thầm lui binh.
Tư Mã Ý lúc này muốn dẫn quân, dù biết Gia Cát Lượng đã ᴄʜếᴛ nhưng lại nhìn thấy quân Thục không rối loạn, hành quân ung dung, nên Tư Mã Ý nghĩ đó là kế của Gia Cát Lượng và nhanh chóng rút quân.
Người ta cho rằng Tư Mã Ý sợ Gia Cát Lượng càng thêm được củng cố. Thực tế, đây chủ yếu là do tính cách quá đa nghi của Tư Mã Ý và cũng là sự bảo thủ trong chiến lược của ông.