Trong kinh Thập Thiện, đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau”. Câu này được đức Phật thuyết cho Long Vương cùng tám ngàn chúng đại Tỳ-kheo, ba vạn hai ngàn các vị đại Bồ-tát tại long cung Ta-kiệt-la.

Qua đây, đức Phật muốn chỉ rõ các tính chất bất đồng của các quả báo mà chúng sanh đang thọ nhận, là vì tâm tưởng của chúng sanh mỗi mỗi đều sai khác, nên tạo nghiệp chẳng giống nhau. Vì tạo nghiệp bất đồng, nên cảm thọ quả báo cũng đều khác biệt.

Chúng sanh bao gồm các loài hữu tình và vô tình. Hữu tình là các loài có tình thức như con người, động vật… Vô tình là những thứ vô tri vô giác như cây cối, đất đá… Ở đây, đức Phật muốn nhấn mạnh đến loài hữu tình. Như thế nào là tâm tưởng? Đây là những suy nghĩ, ý nghĩ. Suy nghĩ thì có nghĩ thiện, nghĩ ác và không thiện không ác. Còn nghiệp là cố ý làm, quyết định làm một cái gì đó. Nghiệp được tạo ra qua ba nơi thân, khẩu và ý. Khi đã tạo nghiệp thì sẽ cho ra quả của nghiệp. Nghiệp cũng có nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp vô ký, cho nên cũng sẽ cho ra quả nghiệp tương ưng.

Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau.

Như chúng ta thấy nghiệp được tạo ra qua ba cửa thân, khẩu, ý. Nhưng ở đây, đức Phật chỉ nói đến ý thôi vì tất cả mọi hành động do thân và khẩu gây nên đều do ý điều khiển. Ý nghĩ lành thì sẽ làm lành và nói lành, ý nghĩ xấu thì sẽ có hành động xấu và lời nói không hay. Như trong kinh Pháp Cú, ở câu kệ thứ nhất và thứ hai, đức Phật đã dạy như sau:

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý ô nhiễm

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe, chân vật kéo”.

“Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình”.

Qua hai câu kệ này, đức Phật cũng dạy chúng ta rằng ý nghĩ là cái điều khiển chúng ta quyết định cuộc đời của chúng ta, sẽ là an lạc hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau. Cho nên, dựa theo kinh điển, chúng ta thấy trong cuộc sống, có rất nhiều hạng chúng sanh khác nhau, nào là chư thiên, nhân loại, ngạ quỷ, súc sanh… Trong mỗi hạng lại phân loại thành nhiều loài khác nữa, muôn hình vạn trạng các loài chúng sanh. Ví như loài người chúng ta đây, chúng ta thấy có người thì giàu có, có người thì lại rất nghèo, có người xinh đẹp nhưng có người lại xấu xí ma chê quỷ hờn, có người muốn gì được đó trong khi người khác thì muốn gì cũng không được…

Mỗi người đều có một nghiệp riêng cho mình.

Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh đều có một tài sản của riêng mình để mang theo từ đời này sang đời khác, đó chính là nghiệp của họ. Sở dĩ con người có sự khác biệt như vậy là vì nghiệp lực của mỗi người không giống nhau. Có người rất thích làm việc thiện, nói lời lành, cho nên họ có những kết quả tốt đẹp. Trong khi một số người thì lại thích giết chóc, cướp bóc và nói những lời tà ngụy, cho nên họ không có một cuộc sống tốt đẹp được. Chính vì suy nghĩ khác nhau nên đã tạo ra vô vàn nghiệp của mỗi người khác nhau. Vậy điều gì làm cho suy nghĩ của mỗi người khác nhau như vậy? Đó là do tiền nghiệp, môi trường sống và khuynh hướng tâm lý của mỗi chúng sanh không giống nhau, nên suy nghĩ của họ cũng khác nhau.

Ví như có một người được lớn lên trong một gia đình có sự giáo dục tốt, nên họ luôn có những ý nghĩ đúng đắn, vì thế họ luôn hành thiện pháp, nói những lời có ích, giúp ích cho mọi người và xã hội, vì vậy mà họ luôn gặp may mắn trong cuộc sống và có những quả báo tốt đẹp ở đời sau. Ngược lại, nếu có người thường chơi với những người bạn xấu, không được học hành đàng hoàng, thường làm những chuyện phi pháp, nói những lời lừa phỉnh người khác thì ngay trong đời này, họ sẽ có cuộc sống không thể tốt được, mà những đời sau còn luôn bị khổ não vây quanh.

Tóm lại, qua câu kinh này, đức Phật muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết rằng phải lo chăm sóc cái tâm của mình. Suy nghĩ của mình rất quan trọng. Nó sẽ quyết định mình là ai, sẽ có cuộc sống như thế nào, sung sướng hay khổ đau trong hiện tại và vị lai. Phải siêng nghĩ lành, làm lành và nói lời lành, thì sẽ có cuộc sống như ý. Ngược lại thì chúng ta sẽ có cuộc sống đau khổ, thậm chí là còn bị tái sanh vào các đọa xứ.

Theo Phatgiao.org