Theo luật sư phân tích, trong quá trình điều tra, xét thấy bà Hằng có nhân thân tốt và phù hợp theo quy định của pháp luật khi có đơn yêu cầu từ người nhà thì có thể đổi biện pháp từ “tạm giam” thành “bảo lãnh”.
Như tin đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang thụ lý điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện.
Song song với quyết định khởi tố bị can, bà Nguyễn Phương Hằng bị áp dụng biện pháp tạm giam 3 tháng. Vậy theo quy định, khi bị áp dụng tạm giam, bị can có được thay đổi hình thức ngăn chặn sang “cấm đi khỏi nơi cư trú” hay không?
Luật sư Phan Kế Hiền
Về quy định trên, thông tin với phóng viên, luật sư Phan Kế Hiền (Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín) cho biết, căn cứ theo Điều 121 BLTTHS có quy định như sau:
Bảo lĩnh (thường được gọi là bảo lãnh) là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh.
Cơ quan điều tra có thể thay đổi biện pháp tạm giam với bà Hằng, nếu thoả mãn các quy định
Việc cơ quan có thẩm quyền bảo lĩnh thì người bị tạm giam sẽ được tại ngoại. Vì thế, trong quá trình điều tra, nếu xét bà Hằng có nhân thân tốt và thấy phù hợp theo quy định của pháp luật khi có đơn yêu cầu từ người nhà của bà Hằng (ít nhất 2 người).
Khi đó, Công an TP Hồ Chí Minh vẫn có thể thay đổi biện pháp “tạm giam” thành biện pháp khác như “bảo lãnh” theo Điều 121 BLTTHS hoặc “đặt tiền để bảo đảm” theo Điều 122, hoặc “cấm đi khỏi nơi cư trú” theo Điều 123.
Đồng quan điểm, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, khi có căn cứ xác định tội phạm, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khi làm rõ người thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ khởi tố bị can.
Khi khởi tố bị can thì cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đối với những tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng thì thường là cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú trừ một số trường hợp bị can cản trở hoạt động điều tra, có dấu hiệu bỏ trốn thì sẽ tạm giam.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường
Còn biện pháp tạm giam sẽ được áp dụng trong trường hợp bị can phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Trong quá trình điều tra, nếu trường hợp bà Hằng không bị khởi tố thêm tội danh khác, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và không có dấu hiệu cản trở hoạt động điều tra, không bỏ trốn thì bà Hằng có thể sẽ được thay đổi biện pháp ngăn chặn sang cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong quá trình bào chữa cho bà Hằng thì các luật sư sẽ viện dẫn các quy định pháp luật, đưa ra các đề xuất, đồng thời gia đình cũng có thể có đơn xin bảo lĩnh tại ngoại để thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với nữ doanh nhân này.
Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Thời điểm Công an TP.HCM xác minh các đơn thư tố cáo thì bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác. Tuy nhiên, ngay sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam thì bà Hằng đã có thái độ hợp tác.
Theo Doanh Nghiệp Và Tiếp Thị