Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ cấp cho một số nghệ sĩ là viên chức gói hỗ trợ 3 tháng – 5,4 triệu đồng.
Trong văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề cập tình hình khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn từ đầu năm ngoái do đại dịch. Các nghệ sĩ trải qua quá trình đào tạo vất vả nhưng tuổi nghề ngắn, lương thấp.
Bộ đề nghị hỗ trợ 2.000 viên chức – là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng bốn (mức thấp nhất theo quy định) – được nhận 1,8 triệu mỗi người trên tháng, được hỗ trợ ba tháng, chi trả trong một lần.
Nhà hát Múa rối nước Thăng Long phun khử khuẩn phòng dịch. Ảnh: Nhà hát Múa rối nước Thăng Long.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị hỗ trợ gói tương đương cho người lao động là hướng dẫn viên du lịch, bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch. Hiện tổng số hướng dẫn viên được cấp thẻ trên toàn quốc là 26.721 người.
Covid-19 khiến nhiều diễn viên bỏ nghề, các nhà hát loay hoay tìm đường sống. Nhiều người trẻ bỏ phố về quê vì không đủ sức bám trụ ở thành phố. Những người chọn ở lại Hà Nội, TP HCM mưu sinh bằng nhiều nghề như chạy xe ôm, làm shipper, bán đồ ăn online.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 26/5, nhiều đơn vị nhà hát ở Hà Nội cho biết đợt dịch thứ tư khiến sân khấu miền Bắc lao đao. Nhiều nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã xin nghỉ, chuyển sang bán bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, một số nghệ sĩ ưu tú xin nghỉ ra ngoài kiếm sống. Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhiều người bán online, giao hàng để đảm bảo thu nhập.
Nhà hát Kịch Việt Nam trích từ ngân sách của đơn vị này khoảng 1,5-2 triệu đồng hỗ trợ tiền nhà ở cho các diễn viên không có lương. Các đơn vị công lập phía Bắc mong muốn Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hỗ trợ tạm ứng kinh phí trả trước cho nghệ sĩ, để họ làm điểm tựa tiếp tục gắn bó với nghề trong lúc đang phải ngừng diễn.
Theo Hà Thu/Vnexpress