Bước ra từ những clip có độ phủ sóng cao, các hiện tượng mạng dần trở thành một hình ảnh có sức tác động lớn đến một bộ phận bạn trẻ đang trong quá trình định hình phong cách. Những hành vi, tâm lý, cách nhìn nhận bị ảnh hưởng và dần trở nên chai lì cảm xúc vì ‘bội thực’ những nội dung ‘gây sốc’.
Những hiện tượng mạng bất đắc dĩ
Nổi lên nhờ những clip hát ngẫu hứng, Lệ rơi bỗng chốc trở thành hiện tượng mạng với một lượng lớn người sử dụng mạng xã hội vào chê bai giọng hát ‘chẳng giống ai’ của anh ta. Nhận thấy được sự chú ý, Lệ rơi tiếp tục ra thêm những clip và độ lố lăng thêm. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những lời công kích ngày càng dày đặc từ các tài khoản trên mạng.
Sau một thời gian, Lệ rơi dấn thân vào showbiz với những hoài bão khác lớn hơn. Cũng chẳng lâu sau đó, giấc mơ trở thành nghệ sĩ cũng tan vỡ vì tài năng không có, danh tiếng trên mạng chỉ là ảo, Lệ rơi lâm vào cảnh nợ nần. Anh từng trải lòng về cái giá dấn thân vào showbiz quá đắt khiến anh mất tiền và gia đình anh chao đảo.
Cùng thời gian đó, hiện tượng mạng Kenny Sang nổi lên với những bức ảnh giả gái, trang điểm lòe loẹt và lố lăng. Sự chú ý tiếp tục lại đổ dồn về một phía, sự chê bai, miệt thị tăng lên hàng ngày trong những dòng trạng thái của Kenny Sang.
Cứ mỗi lần đăng một bộ ảnh, anh phải cố sao cho thật là sốc và phản cảm để thu hút tiếng vang. Thế nhưng sự nổi tiếng chỉ là một cơn gió bụi, qua rồi lại trở về một con người làm ăn kinh doanh bình thường. Những hợp đồng quảng cáo ngày đó nhiều tiền nhưng cũng chẳng xứng đáng bằng hai chữ bình yên.
Hay mới đây là cô bé Hồ Thị Thanh Nga, cũng như hai người, cô cũng có xuất thân bình thường mà chỉ vì ngoại hình đặc biệt, cộng đồng mạng vào chia sẻ và bình phẩm. Nga nổi lên một cách bất đắc dĩ, nhưng sau cùng những ‘chiêu trò’ mà mọi người gắn lên người cô bé và cho rằng đã được nghĩ ra một cách bài bản đều chỉ là một sự vô tình.
Một cô bé ở tuổi vị thành niên hoàn toàn có thể trở thành chủ đề bàn tán của một cộng đồng mạng. Những hiện tượng mạng sau khi ánh hào quang ảo kết thúc đều có những kết cục khác nhau nhưng tất cả đều cho rằng quãng thời gian nổi lên bất đắc dĩ đó là tai tiếng.
Tiếp nối công thức từ những hiện tượng mạng trước đó, gần đây nhất, hình tượng Thông ‘soái ca’ bắt đầu nổi lên với những đoạn video ngắn trên nhiều nền tảng, đặc biệt là Tik Tok.
Các nội dung đi kèm theo cho thấy sự nhảm nhí và hời hợt trong quá trình tạo chất liệu và tham khảo từ các nguồn. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, kênh Tik Tok của Thông ‘soái ca’ đã có thể đạt tới 1,7 triệu lượt người theo dõi, trung bình một clip có thể cán mốc 1 triệu lượt xem. Đây là những con số đáng kinh ngạc so với một người không hề có tài năng hay đem lại bất cứ thông tin bổ ích.
‘Ban đầu em thấy những clip của Thông ‘soái ca’ trên mạng xã hội, như bao người, em cũng tò mò và tìm hiểu rồi chia sẻ cho bạn bè. Sau một thời gian theo dõi, em dần cảm thấy những clip của người này nhàm chán và chỉ dựa vào một ngoại hình khác lạ để tạo ra tiếng cười. Em nghĩ đây là một trong những hình thức hài nhảm và dần khiến chính mình dễ dãi với các thông tin đón nhận trên mạng xã hội’, em Nguyễn Ngọc Linh (19 tuổi) chia sẻ.
Đồng ý kiến với Linh, em Nguyễn Hoàng Đức (20 tuổi) nói thêm: ‘Những clip kiểu làm lố như Thông ‘soái ca’ em có thấy ở các trang mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Douyin (mạng xã hội của Trung Quốc), họ cũng chỉ nổi lên một thời gian, kiếm hợp đồng quảng cáo và chìm xuống.
Bằng hình thức Parody (hài nhại lại), những clip này vẫn được ủng hộ bởi nhiều người xem. Cá nhân em thấy đây không phải hình thức giải trí nên được phát triển, lâu dần nó làm người xem coi những thứ lố lăng là chuyện bình thường rồi tưởng rằng thế là hài hước’.
Hiện tượng mạng biến chất
Ứng dụng Tik Tok trở nên phổ biến với các bạn trẻ
Trước đó, nhiều hiện tượng mạng cũng được cho ra đời với công thức chung là ‘gây sốc’ chẳng hạn như Khá ‘bảnh’, Huấn hoa hồng… Lợi dụng sự nổi tiếng, những người này tiếp tục phô trương thanh thế và khiến cho một bộ phận người trẻ còn trong giai đoạn định hình về góc nhìn cuộc sống bị lung lay và a dua theo trào lưu. Dựa dẫm vào tâm lý đám đông, những người này tiếp tục làm lố và thậm chí có những hành vi vượt ra ngoài vòng pháp luật.
Thế nhưng, các clip đấy lại nhận được sự tung hô và chia sẻ rất rộng rãi của phần lớn cộng đồng mạng. Một số người còn cho rằng những hành động vượt ra ngoài khuôn khổ là ‘ngầu’, những câu nói tục tĩu mới là ‘bản lĩnh’. Các quy chuẩn về vẻ đẹp dần bị lái sang một chiều hướng khác và người xem ngầm có thỏa hiệp rằng: ‘Không có gì là xấu, tất cả đều đẹp’.
Theo TS. Nhạc Phan Linh (Chuyên gia truyền thông): ‘Sẽ không có gì để nói nếu như các thông điệp đưa ra từ những nhân vật trên tuân theo chuẩn mực xã hội và được thừa nhận. Thế nhưng nếu các hiện tượng này tạo ra những trào lưu xấu với hành vi chẳng hạn như đập phá hay ngôn từ dung tục.
Họ sử dụng cơ chế của truyền thông, tác động đến công chúng, khiến người xem nghe theo và làm theo. Đây là một điều ng.uy h.iểm, đặc biệt với nhóm công chúng đang trong quá trình định hình phong cách và bị ảnh hưởng bởi các biểu tượng, thần tượng và những người có sức ảnh hưởng trên các phương tiện thông tin. Cơ chế chung của các hình tượng này đều là gây sốc’.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Chuyên gia công nghệ Báo chí – Truyền thông).
Từ một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Chuyên gia công nghệ Báo chí – Truyền thông) lại cho rằng: ‘Hiện nay, chúng ta chưa có một quy chuẩn giao tiếp trên mạng xã hội. Trong tình hình mạng xã hội nổ ra ở nước phát triển, một cộng đồng đang háo hức thông tin, các tổ chức xã hội cần đưa ra được bộ chuẩn về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Không được vì đồng tiền hay lợi ích cá nhân mà dẫn dắt, thao túng giới trẻ đến những khía cạnh không mong đợi. Nếu đưa ra và tích cực truyền thông, chúng ta có thể hy vọng vào văn hóa ứng xử trên mạng văn minh hơn’.
Nguồn: https://tiin.vn/chuyen-muc/24/Giai-ma-hien-tuong-mang-Khi-gay-soc-tro-thanh-mot-cong-thuc.html