Không chỉ bố trí chỗ trọ miễn phí, chính quyền địa phương còn hỗ trợ tiền và lương thực cho những người không thể về quê bằng xe máy để sống tạm qua dịch Covid-19.

Chính quyền lo chỗ ăn ở miễn phí cho người về quê tự phát

Chiều ngày 16/8, một ngày sau khi vận động hàng trăm người dân muốn về quê tự phát bằng xe máy quay trở lại nơi tạm trú, chính quyền địa phương đã trực tiếp hỗ trợ nơi ăn ở miễn phí cho một số bà con không có nơi nương tựa ở TP.HCM.

Có mặt tại dãy nhà trọ trên đường số 6 (phường Long Bình, Thủ Đức) căn nhà trọ rộng hơn 10m2 đã trở thành nơi nương náu của 3 người đàn ông xa lạ để tiếp tục bám víu nơi xứ người đó là ông Đỗ Viết Sau (55 tuổi, quê Bình Thuận), anh Nguyễn Đình Huệ (26 tuổi, quê Thanh Hóa) và em Lê Xuân Nam (15 tuổi, cùng quê Thanh Hóa).

Chính quyền địa phương đã bố trí phòng trọ cho 3 người ở miễn phí

Cả 3 người họ nằm trong số hàng trăm người về quê tự phát bằng xe máy và bị lực lượng chức năng TP. Thủ Đức chặn lại khu vực Quốc lộ 1A (đoạn gần Suối Tiên) vào ngày 15/8.

Sau khi tất cả những người quay lại nơi tạm trú cũ thì lực lượng chức năng đã ghi nhận còn 3 người không có phòng trọ, không có người thân nên đã hỗ trợ.

Cả 3 được chính quyền địa phương thuê trọ ở chung tạm thời trong 1 tháng tới, đồng thời hỗ trợ tiền và lương thực hàng tuần để sinh hoạt.

Khi chính quyền địa phương qua thăm, cả 3 người đều rất phấn khởi khi có chỗ che mưa che nắng để chiến đấu với dịch bệnh. Mặc dù họ rất nhớ quê nhà, nhớ gia đình nhưng được các cán bộ động viên nên cũng nguôi ngoai phần nào.

Trong số họ, ai cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng và khi kể về hành trình ly hương nơi đất khách, ánh mắt họ đượm buồn như muốn khóc.

Bị nợ lương 3 tháng, vác balo đi bộ về quê

Làm bảo vệ công trình ở quận 3, hơn 3 tháng nay ông Sau không nhận được lương nên trụ hết nổi, buộc phải ôm đồ đạc đi bộ về quê. Nghe đến việc đi bộ về quê, ai nấy đều xót xa cho người bảo vệ già.

Ông kể, gia đình ông có 6 người, thu nhập cả năm chỉ hơn 16 triệu đồng từ việc trồng điều. Số tiền đó không đủ để vợ chồng ông trang trải cuộc sống và thuốc thang cho vợ bị viêm xoang. Sau đó ông Sau được giới thiệu vào TP.HCM làm bảo vệ. Công việc nhàn nhã, được lo ăn ở, lương tháng 6 triệu đồng nên ông rất mừng.

Cả 3 người anh Huệ (trái), ông Sau (giữa) và em Nam cùng nương náu trong phòng trọ tạm thời trong thời gian tới

Tuy nhiên vào làm việc chưa được bao lâu, dịch bùng phát, chủ công trình cũng biệt tăm.

“Tôi phải giữ tài sản tại công trình, cố đến 3 tháng nay tôi chưa được trả tiền lương, trụ hết nổi nên tôi phải về quê, bởi lúc này chỉ có quê hương là nơi có thể nương náu những ngày tiếp theo”, ông Sau chia sẻ trong nước mắt.

4 giờ sáng 15/8, ông Sau ôm balo với hai bộ áo quần dài tay, hai bộ đồ bảo vệ, ít thuốc men, mùng mền và tấm ni lông quơ vội trên mái nhà để dừng chân khi trời đổ mưa cùng 600 nghìn đồng.

Bên trong căn phòng trọ dành cho 3 người ở tạm đã được tặng thực phẩm để sống qua ngày

Đi đến những chỗ đường lạ sợ lạc nên ông đều hỏi thăm đường. Khi đi đến cầu vượt Linh Xuân (TP. Thủ Đức) ông nhìn thấy nhiều người chạy xe máy lỉnh kỉnh đồ đạc. Biết họ cũng về quê như mình nên ông xin đi nhờ. Tuy nhiên chạy được đến trước khu du lịch Suối Tiên thì bị lực lượng chức năng chặn lại.

“Không người thân, không có xe máy để về quê nên tôi đành phải đi bộ. Tôi chỉ nghĩ đi tới đâu hay tới đó, mệt thì nghỉ. Lúc đi qua nhiều chốt kiểm soát dịch, tôi năn nỉ một số cán bộ thông cảm để qua chốt đi về nhà. May mắn khi đến khu vực Linh Xuân gặp đoàn người về quê nên xin quá giang. Còn bây giờ ngồi trong phòng trọ miễn phí do chính quyền hỗ trợ nên tôi cũng an tâm phần nào, chỉ mong dịch mau chóng qua đi”, ông Sau chia sẻ thêm.

Hành trình vượt hơn 1.000 km về quê dù “không một xu dính túi”

Còn anh Huệ và em Nam, cả hai cùng quê và quen biết nhau qua Hội đồng hương Thanh Hoá ở TP.HCM nên cùng xin việc phụ container.

Khoảng tháng 5/2021, cả hai được công ty đưa lên Tây Nguyên làm việc được 20 ngày thì về lại TP.HCM. Thời điểm này dịch bệnh ở TP.HCM cũng bùng phát với diễn biến phức tạp nên cả hai xin về An Giang làm việc.

Tuy nhiên, về An Giang làm được không bao lâu thì tại khu vực có dịch nên cả hai rơi vào cảnh thất nghiệp. Trụ không nổi được nữa nên cả hai quyết định đi xe máy để về quê Thanh Hóa mặc dù trong túi không còn đồng nào.

Phạm Ngọc Lượng – Chủ tịch UBND phường Long Bình đến thăm 3 người vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ ăn ở

Cả hai vẫn cố dắt díu nhau trên chiếc xe máy với hy vọng đi tới đâu hay tới đó, mệt chỗ nào nghỉ tới đó, đói thì xin.

“Khi đi trên đường ai thương tình thì cho, có người cho tôi 200 nghìn, rồi 100 nghìn, vài chục nghìn. Cũng có người cho tôi vài lít xăng, bánh, kẹo… để đi đường và may mắn chúng tôi cũng đến được TP.HCM dù rất gian nan”, anh Huệ cho hay.

Theo anh Huệ, cả hai người qua các chốt kiểm soát dịch và may mắn được các anh CSGT thông cảm, đưa đi test Covid-19 rồi tạm ở lại vài tiếng tại chốt khi kết quả âm tính thì cho đi. Cả hai tiếp tục cuộc hành trình di cư từ Nam ra Bắc với quãng đường hàng nghìn km nhưng vẫn quyết tâm, miễn sao được về đến quê nhà.

Đến ngày thứ 8 trong cuộc hành trình hồi hương (ngày 15/8), cả hai lên đến TP.HCM, theo tuyến Quốc lộ 1A hoà theo dòng người đông đúc đi bằng xe máy để về quê. Đến khu vực Suối Tiên thì dòng người hồi hương bị chặn lại, anh Huệ và Nam cũng không ngoại lệ.

UBND phường Long Bình cho biết, trường hợp ông Sau, anh Huệ và em Nam do không có phòng trọ, khó khăn nên được chính quyền địa phương bố trí ở tạm tại địa phương, chờ dịch bệnh ổn định, chờ có đợt đưa người dân về quê, phường sẽ đăng ký đưa về.

Ông Phạm Ngọc Lượng – Chủ tịch UBND phường Long Bình cho hay, đây là những trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không còn nơi nương tựa nên chính quyền đã bố trí chỗ ở tạm, cung cấp lương thực và tiền mặt để họ sống tạm qua dịch. “Nếu họ có nhu cầu ở lại địa phương chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện việc làm, nơi ở để họ có sinh kế”.

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-dan-ve-que-tu-phat-bang-xe-may-duoc-chinh-quyen-tphcm-bo-tri-cho-tro-mien-phi-ho-tro-tien-va-luong-thuc-161211708080039789.htm