Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có viết “Đồng Tước xuân thâm tỏa Nhị kiều” là câu thơ của Tào Thực, nhưng khi đó Tào Thực chưa xuất hiện. Cùng với chi tiết… bịa đặt này, kỳ này mời bạn đọc theo dõi tiếp những hư cấu trong bộ sách nổi tiếng ấy…
Chu Du mưu trí lừa Tưởng Cán?
Thực tế, Tưởng Cán du thuyết Chu Du không thành, trở về ca ngợi Chu Du thông minh rộng lượng, không có chuyện trúng kế. Vả lại chuyện này xảy ra mấy năm trước khi diễn ra trận Xích Bích, chỉ là được La Quán Trung ghép vào cho thêm hấp dẫn.
Chi tiết “Bàng Thống liên hoàn sách” cũng vậy, sử ghi việc ghép thuyền liên hoàn là quyết sách của Tào Tháo, Bàng Thống không có liên quan gì đến trận Xích Bích cả. Hay như thuyền cỏ “mượn” tên cũng không hề có trong trận Xích Bích.
Đây là hành động của cha con Tôn Kiên, Tôn Quyền trong trận Nhu Tu vượt sông đánh Lưu Biểu trước đó. Chuyện tương tự cũng xảy ra thời Đường, Trương Tuần trong khi dẹp loạn An Lộc Sơn, vào ban đêm bện người cỏ thả xuống tường thành, kiếm được 10 vạn mũi tên của Lệnh Hồ Triều.
“Mượn” được gió Đông?
“Khổng Minh mượn gió Đông” hoàn toàn là chuyện hư cấu. Thời điểm Đông chí phần nhiều đều là gió Đông Nam, nên có thể nói Tào Tháo bại trận do thiên tai chứ không phải vì người làm.
Trên đường Hoa Dung Quan Vũ tha Tào Tháo cũng là tình tiết tác giả hư cấu để “dìm hàng” Tào Tháo, nâng cao hình tượng trượng nghĩa của Quan Vũ. Sự thật, người chặn Tào Tháo ở Hoa Dung là Lưu Bị, nhưng ông này… đến muộn nên Tào Tháo chạy mất!
Quân Tào đánh nhau với Mã Siêu ở Đồng Quan rất ác liệt, nhưng “Tam Quốc diễn nghĩa” viết Tào Tháo phải cắt râu vứt chiến bào cũng là “dìm hàng” ông bởi thực tế trong trận Đồng Quan, Tào Tháo là bên thắng trận.
Trong trận Trường Sa, Lưu Bị Nam chinh đánh 4 quận Kinh Nam, thái thú các quận đều đầu hàng thuận theo thời thế, Hoàng Trung cũng theo Hàn Huyền đầu hàng, không hề xảy ra chiến trận như trong sách.
Còn việc chinh chiến Hán Trung thì thực tế tổng chỉ huy chinh phục Hán Trung là Lưu Bị, Gia Cát Lượng ở lại Thành Đô để bảo đảm hậu cần. Và Gia Cát Lượng giỏi cai trị nội chính, dụng binh không phải là điểm mạnh nhất của ông.
Ai “khích” Chu Du?
Tam Quốc diễn nghĩa có tích Gia Cát Lượng “tam khí Chu Du” nhưng khi đó Chu Du không chú ý đến Gia Cát Lượng, rất ít gặp nhau. Từ trận Xích Bích đến khi Chu Du chết bệnh chỉ có 2 năm, Gia Cát Lượng lại đang làm công tác hậu cần ở Linh Lăng, cơ bản không hề gặp Chu Du. Còn sau khi Chu Du chết bệnh thì người thay mặt Thục sang viếng là Bàng Thống chứ không phải Gia Cát Lượng.
Lưu Bị, Tào Tháo |
Theo “Tam Quốc diễn nghĩa”, Tôn Quyền muốn lấy lại Kinh Châu, Chu Du hiến kế “giả kết thân gia bắt Lưu Bị làm con tin” nhưng bị Gia Cát Lượng đoán biết nên sắp xếp Triệu Vân phò tá sang Đông Ngô gặp nhạc phụ Chu Du là Kiều Huyền nhờ ông này thuyết phục Ngô Quốc Thái. Kết quả Ngô Quốc Thái gả Tôn Thượng Hương cho Lưu Bị; Tôn Quyền và Chu Du bị chế diễu “Vừa mất phu nhân lại thiệt binh”.
Trên thực tế không có tình tiết này, đơn thuần đây chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị. Chu Du cũng không phải kẻ nhỏ nhen, hẹp hòi bởi thực tế, Lưu Bị đánh giá Chu Du là người rộng lượng đàng hoàng; Trình Phổ “kết giao Công Cẩn, uống rượu nhạt cũng say”, Tô Đông Pha cũng đánh giá cao nhân phẩm của Chu Du. Cuối cùng, Chu Du chết ở Ba Khâu do lao lực quá độ chứ không bởi phẫn hận, đố tài.
Sự thật những mưu “xuất quỷ nhập thần”
Mưu đánh “thủy công” dìm bảy đạo quân tuy có nhưng khác xa sự thật lịch sử. Đó là thiên tai chứ không phải do mưu “thủy công” của Quan Vũ đánh Bàng Đức ở Phàn Thành. Các sử tịch đều ghi rất rõ: Khi đó mùa Thu, mưa lớn liên miên, nước sông Hán Thủy dâng cao lên 5 -6 trượng, Quan Vũ mang thủy quân lợi dụng thời tiết để đánh.
Vu Cấm và Bàng Đức là người phương Bắc không quen thủy chiến nên bị nước lũ dìm ngập, Vu Cấm đầu hàng, Bàng Đức bị giết.
“Gia Cát chết dọa Trọng Đạt sống khiếp chạy” đúng là có, nhưng không phải là kế của Khổng Minh để lại, mà do Tư Mã Ý nhát gan. Căn cứ của tích này là sách “Hán Tấn xuân thu”, nhưng La Quán Trung đã thêm thắt vào.
Theo sách này ghi chép, thì sau khi Gia Cát Lượng chết, quân Thục không phát tang, bí mật rút lui, Tư Mã Ý phát hiện dẫn quân đuổi theo. Khi hai bên gặp nhau, Trưởng sử Dương Nghi lệnh quân Thục trở cờ gõ trống, tiến về phía quân Ngụy.
Tư Mã Ý không dám đến gần, đành lui binh, quân Thục sau khi vào hang mới phát tang. Thế nhưng trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đã biến thành chuyện quân Thục đẩy chiếc xe 4 bánh trên đặt tượng gỗ của Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý nghi ngờ ông chưa chết nên truyền lui quân.
“Không thành kế” cũng là …chuyện hư cấu, bởi khi Gia Cát Lượng dồn binh ở Dương Bình, Hán Trung thì Tư Mã Ý vẫn là Đô đốc Kinh Châu, không có cơ hội đối đầu nhau. Khi Gia Cát Lượng ở huyện Khang, Thiểm Tây ngày nay thì Tư Mã Ý ở Nam Dương, Hà Nam, cách xa nhau như thế sao có vụ “không thành kế” được? Chuyện Khổng Minh suýt thiêu chết Tư Mã Ý và Ngụy Diên ở khe núi Thượng Phương cũng đều là bịa đặt.
Và nhiều…bịa đặt khác
Ai cũng hãi chuyện cạo xương chữa thương nhưng lúc đó Hoa Đà đã qua đời từ 2 năm trước, nên không có chuyện Hoa Đà cạo xương chữa thương cho Quan Vũ, nếu có thì cũng do các thầy thuốc khác làm.
Kế mượn Kinh Châu thực ra là kế của Lỗ Túc để dùng Lưu chống Tào. Còn chuyện Mã Đằng hỏi tội Đổng Trác thì Mã Đằng và Đổng Trác là người cùng phe, Đằng không những không tham gia đánh Trác mà còn giúp Trác trấn thủ Trường An.
Mã Siêu dấy binh thực ra là phản loạn trái ý cha. Việc Mã Đằng chết không phải do bị Tào Tháo giết do mưu chống Tào, Mã Siêu dấy binh báo thù mà là Mã Siêu dấy binh chống Tào trước nên Mã Đằng bị giết.
Tư Mã Ý – Gia Cát Lượng |
Pháp Chính và Bàng Thống hoàn thành việc chiếm lấy Thục. Sau khi Lưu Bị vào Thục, lôi kéo được Pháp Chính và Trương Tùng, hỏi dò về tình hình minh mã, lương thảo của Thục nên Trương Tùng đã vẽ “Tây Thục địa hình đồ”. Còn nhân vật Kiều Quốc lão là người khác, chứ không phải là Kiều Huyền, nhạc phụ Chu Du.
Xưa nay có nhiều nghi ngờ về nhân vật Điêu Thuyền, nhưng quả thực Vương Doãn có một thị nữ khiến Lã Bố và Đổng Trác trở mặt với nhau. Trong chính sử có 2 Lưu Đại: Lưu Đại tham gia liên minh đánh Đổng Trác và Lưu Đại là thủ hạ của Tào Tháo, không phải là một người như trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Khi Tào Tháo hỏi Hàn Toại bao nhiêu tuổi, Toại đáp 40 nhưng thực tế khi đó Hàn Toại đã ngoài 70 tuổi.
Cũng theo ghi chép trong “Tam Quốc chí. Lỗ Túc truyện” và “Ngô thư” thì không phải Quan Vũ sang phó hội chỗ Lỗ Túc mà là Lỗ Túc đến chỗ Quan Vũ. Người “anh hùng gan dạ” không phải là Quan Vũ, mà là Lỗ Túc, “Tam Quốc diễn nghĩa” đã tráo đổi để tôn vinh Quan Vũ,
Trong lịch sử, không có chuyện Đào Khiêm ba lần nhượng Từ Châu. Văn Sú trúng kế Tào Tháo mà bị giết chứ không phải bị Quan Vũ chém. Chuyện Tả Từ trêu ghẹo Tào Tháo cũng không có thật trong sử, càng không có chuyện Triệu Nhan kéo dài tuổi thọ. Lưu Bị lúc lâm chung thác cô (gửi gắm con) cho hai người là Khổng Minh và Lý Nghiêm chứ không phải mình Khổng Minh.
Tích “Trương Cáp lần lượt bại trận bởi tay Triệu Vân, Mã Siêu” có lẽ do La Quán Trung ghét Trương Cáp nên bịa ra. Thực tế quân Thục đều rất khiếp sợ Trương Cáp. Theo chính sử, Trương Cáp không phải chết do bị phục kích mà là bị loạn tên bắn trúng gối khi đang đuổi theo Khổng Minh. Cũng không có chuyện Hoàng Trung già cả dùng mưu chiếm núi Thiên Đãng.
Còn Tào Tháo mai táng ở Cao Lăng, không có chuyện làm 72 mộ giả. Trong chính sử, Mã Siêu tự viết thư cho Lưu Bị xin hàng, không có chuyện đại chiến với Trương Phi và Lý Khôi khuyên hàng. Tích “Lục xuất Kỳ Sơn” cũng bịa đặt nốt.
Gia Cát Lượng 5 lần phạt Ngụy, chỉ có lần đầu và lần thứ 4 đến Kỳ Sơn, không có chuyện tới đây 6 lần. Còn trâu gỗ ngựa máy, thực ra trâu gỗ là xe 1 bánh; ngựa máy là xe kéo 4 bánh phổ biến ngày nay. Cũng có thuyết nói trâu gỗ là xe 4 bánh, ngựa máy là loại thuyền đầu nhọn.
Thực tế Tào Chân chết bệnh ở Lạc Dương chứ không phải bị Khổng Minh viết thư mắng chết. Cũng không có chuyện Gia Cát Lượng mắng chết Vương Lãng: Vương Lãng chết năm 228, không theo quân chinh chiến…