Tào Tháo danh chấn thiên hạ, một đời gian hùng nhưng rốt cuộc cũng chẳng thể ngờ rằng, nhiều con trai của ông đều phải chết, bằng cách này hay cách khác, dưới tay người kế vị Tào Phi.
Tào Tháo (155 – 220), tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông từng thể hiện sự khâm phục Tào Tháo khi gọi ông là “vua của các bậc đế vương”.
“Tổng đạo diễn” cuộc thanh trừng huynh đệ: Tào Phi
Trong pho sử Tam Quốc chí, Tác giả Trần Thọ đánh giá Tào Tháo như sau: “Thái Tổ tính kế bày mưu, đánh dẹp trong nước, tỏ phép hay của Thân, Thương, bày kế lạ của Hàn, Bạch, chọn dùng người hiền tùy vào tài năng, quyền biến ngang dọc, không hiềm thù cũ, rút cuộc nắm giữ mệnh vua, làm nên nghiệp lớn. Thái Tổ có thể nói là người khác thường, bậc hào kiệt hơn đời vậy”.
Nhưng Tào Tháo uy chấn thiên hạ là thế song bản thân ông cũng bất lực trong việc giải quyết cuộc đua kế vị giữa các con trai mình. Cuộc chiến ẩn tàng nhiều mưu mô, chước quỷ, máu và cả nước mắt này diễn ra từ khi Tào Tháo còn sống, đến ngay cả khi ông chết hậu quả của nó vẫn để lại di chứng sâu sắc.
Khác với Lưu Bị và Tôn Quyền, hai người đứng đầu các tập đoàn đối nghịch Tào Ngụy, là Thục Hán và Đông Ngô, đa số các người con trai trưởng thành của Tào Tháo đều ít nhiều thừa hưởng những phẩm chất xuất chúng của ông, mỗi người một vẻ, đều là bậc tài trí.
Trong số 25 con trai của Tào Tháo, không tính trường hợp trưởng nam Tảo Ngang chết ở trận Uyển Thành, thì Tào Phi (thứ 2), Tào Chương (thứ 3), Tào Thực (thứ 4) và Tào Xung (thứ 7) là những người mà tài năng được đánh giá cao hơn cả. Và Tào Phi, người kế vị Tào Tháo, cũng là vị vua đầu tiên của nước Tào Ngụy, chính là “tổng đạo diễn” cho cuộc triệt hạ những người anh em.
Cái chết bí ẩn của Thất Hoàng tử Tào Xung
Tào Xung là người ít tuổi nhất trong số các con trai nổi danh của Tào Tháo nhưng lại là đứa con được Tháo yêu quý và hãnh diện nhất. Tào Xung, sinh 196, tự là Thương Thư, là con của Tào Tháo với người vợ thứ tư – Hoàn phu nhân.
Tào Xung được công nhận là một người đặc biệt tài năng và thông minh từ khi còn rất nhỏ. Khi lên 6 tuổi, trí thông minh của Xung nổi tiếng khắp triều đình với giai thoại cân voi. Theo sách “Tam Quốc chí – Ngụy chí – Bỉnh Nguyên chí” ghi chép, năm Kiến An thứ 13 (tức 208), Tào Xung chết bệnh khiến Tháo đau khổ.
Tuy nhiên, cái chết của Tào Xung tồn tại nhiều uẩn khúc và nó được cho là có liên quan đến cuộc đấu tranh quyền lực giữa các con trai Tào Tháo. Do Xung là con trai được Tháo yêu mến và kì vọng nhất nên xung quanh cái chết của thất hoàng tử tồn tại nghi án rằng Xung bị chính anh trai mình, Tào Phi đầu độc.
Tứ Hoàng tử Tào Thực bị chèn ép đến chết
Sau khi Tào Xung chết, Tào Tháo dành nhiều tình cảm hơn cả cho Tào Thực, trong số những người con trai của mình. Thực là nhân vật kiệt xuất của văn đàn Kiến An, là người nổi bật nhất trong bộ ba Tam Tào (gồm cha Tào Tháo, anh tào Phi), lại quan hệ rộng, được nhiều quan chức trong triều ủng hộ. Uy thế, về cơ bản, là lấn át anh trai Tào Phi.
Và thực tế này khiến Tào Phi sống trong âu lo. Sợ rằng ngôi thế tử kế vị cha rơi vào tay em ruột (Thực và Phi là con của Tháo với Biện phu nhân), Phi đã liên tục lập mưu bày kế để hạ bệ đối thủ.
Có lần, Tào Tháo cử Tào Thực đem quân xuất chinh. Tào Phi nghe tin, sai chuẩn bị sẵn tiệc rượu tiễn, chuốc say Tào Thực. Một lát sau, Tào Tháo sai người đến giục Tào Thực lên đường nhưng mấy lần Tào Thực vẫn chưa tỉnh rượu nên Tào Tháo đành bãi bỏ việc sai Tào Thực cầm quân. Sự việc này khiến địa vị Thế tử của Tào Phi càng thêm vững chắc.
Năm Kiến An thứ 25 (220), Ngụy vương Tào Tháo mất, Thế tử Tào Phi được thừa kế địa vị Ngụy vương của cha. Không lâu sau, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp thoái vị và nhường ngôi cho Tào Phi. Tào Phi kiếm đủ cách bức hại Tào Thực như giết hết vây cánh, chỉ phong ông tước vị ở những nơi hẻo lánh, bị buộc phải rời kinh đô.
Về sau, đến đời con của Tào Phi là Ngụy Minh đế- Tào Duệ, tuy Thực được mang tước Trần vương nhưng trong khoảng thời gian hơn 10 năm dài, ông bị thuyên chuyển sáu lần và cuộc sống chẳng khác gì người tù bị giam lỏng. Dần dần, Tào Thực sinh nhàm chán, u uất, dẫn đến bệnh tật mà qua đời vào năm 232, khi mới 40 tuổi.
Tam Hoàng tử Tào Chương bị đầu độc chết?
Tào Chương là anh em ruột với Tào Phi và Tào Thực, cũng là người có năng lực quân sự và võ nghệ giỏi nhất trong những người con trai của Tào Tháo. Tào Chương có sức khỏe hơn người, có thể tay không đánh được mãnh thú. Chương được cha cho làm tướng lĩnh trong quân đội, phong tước Yên Lăng hầu.
Năm 218, Tào Tháo, phong cho Tào Chương làm Bắc trung lang tướng, Hành kiêu kỵ tướng quân, cầm quân đánh bộ tộc Ô Hoàn. Tào Chương tác chiến thuận lợi, nhanh chóng đánh bại quân Ô Hoàn, lập đại công được Tháo phong làm Việt Kỵ tướng quân, trấn thủ Trường An.
Tới cuối năm 219, Tào Tháo tái phát bệnh đau đầu nhắm khó qua khỏi, sai người gọi gấp Tào Chương về Lạc Dương. Đầu năm 220, khi Chương về tới nơi thì Tào Tháo đã qua đời, người lo việc tang lễ là Giả Quỳ. Tào Chương hỏi ấn Ngụy vương của Tào Tháo, Giả Quỳ đáp rằng Ngụy vương đã lập thế tử Tào Phi.
Lúc đó Tào Phi đang ở Nghiệp Thành – trung tâm nước Ngụy tuyên bố là người kế vị ngôi Ngụy vương của Tào Tháo, và lệnh cho các em là Tào Chương (và Tào Thực) phải trở về đất phong. Tào Chương biết không thể tranh ngôi với Tào Phi, đành trở về Yên Lăng.
Để bảo vệ quyền lực đang nắm giữ, Tào Phi áp dụng chế độ quy định với các chư hầu đời trước: nếu không có lệnh, cấm được đến Nghiệp Thành yết kiến vua mới, lại cấm thư từ giao du với các chư hầu khác, chịu sự giám sát đặc biệt.
Năm 223, Tào Chương nhận được lệnh triệu tập của Tào Phi về kinh Lạc Dương. Ông lên đường vào kinh đô. Tới tháng 6/223, Tào Chương đột ngột qua đời ở Lữ đệ. Sử sách có những ghi chép khác nhau về cái chết của ông.
Sách Ngụy Tấn thế thuyết cho rằng khi Tào Chương cùng Tào Phi đánh cờ trong lầu của Biện thái hậu, bị Tào Phi cho ăn táo có độc. Trong khi, Sách Ngụy thị Xuân thu viết rằng Tào Chương đến Lạc Dương nhưng Tào Phi không cho gặp mặt, được một thời gian Chương phẫn uất sinh bệnh mà qua đời