Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng được khắc họa người có thể “hô phong hoán vũ”, được thiên địa thần linh giúp đỡ khiến cho quân Tào Ngụy thảm bại trong trận Xích Bích.
Trận Xích Bích là một trong những trận đánh nổi bật nhất thời Tam quốc, là cơ sở để tạo ra thế chân vạc, giúp Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán. Kế “mượn gió đông” để dụng hỏa công trong trận Xích Bích của Gia Cát Lượng, vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Các học giả Trung Quốc ngày nay nhận định, đại chiến Xích Bích là chiến dịch quân sự “có tổ chức, có chuẩn bị, được hoạch định trong một thời gian dài”, với sự tham chiến của Tào Ngụy do Tào Tháo lãnh đạo đối đầu với liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị.
Ngay từ năm năm 207, Tào Tháo đã huấn luyện thủy quân tại Hà Bắc, chuẩn bị cho kế hoạch xua quân Nam tiến.
Vì muốn bảo toàn thế lực, từ tháng 9/208, Tôn Quyền và Lưu Bị đã thành lập liên minh để đối phó Tào Tháo.
Chiến trường lý tưởng để quyết đấu với Tào Ngụy không đâu khác ngoài Trường Giang – địa điểm cho phép liên quân “dùng sở trường đánh sở đoản của Tào Tháo”.
Xét về lực lượng tham chiến, Tào Tháo ước tính quân đội tham gia Nam tiến có 200.000 người. Sau khi chiếm Kinh Châu, Tào Tháo thu nhận hàng binh từ Lưu Biểu, khiến quân số tăng lên gần 300.000. Tuy vậy, các nhà sử học cho rằng, quân số thực sự có thể chiến đấu của Tào Ngụy chỉ khoảng 150.000 người (trong Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo tự nhận mình có 800.000 quân).
Phác họa hình ảnh Gia Cát Lượng.
Ở phía bên kia chiến tuyến, Tôn Quyền có 30.000 thủy quân. Lưu Bị có 10.000 thủy quân và “gần 10.000 bộ binh”. Liên minh Thục-Ngô về cơ bản có khoảng 50.000 – 60.000 lính.
Tháng 10.208, hai phe đụng độ nhau trong trận chiến quyết địch ở Xích Bích. Do quân Tào Tháo là người phương Bắc, không giỏi thủy chiến nên binh sĩ bị bệnh tật, tinh thần xuống thấp.
Vì đánh giá thấp đối phương cùng với năng lực thủy chiến thấp, Tào Tháo liên tiếp phải chuốc lấy thất bại. Tào Tháo rút quân về bờ Bắc sông Trường Giang để ổn định lực lượng.
Để giảm thiểu việc thuyền rung lắc do sóng đánh, khiến quân sĩ nôn mửa, Tào Tháo dùng kế “liên hoàn chiến thuyền”, lệnh cho binh sĩ nối các thuyền chiến lại với nhau, cứ 30-50 chiếc cột làm một, ở phía bên trái mạn thuyền. Như vậy, các binh sĩ trên thuyền có thể đi lại như trên đất bằng, thậm chí cưỡi ngựa được.
Nhược điểm của “Liên hoàn chiến thuyền” là biến lực lượng Tào Tháo trở thành mục tiêu lớn, khó di chuyển và dễ bị trúng hỏa công. Thời điểm diễn ra trận Xích Bích là vào lúc thời tiết mùa đông rõ rệt, khi đó chỉ có gió Tây Bắc nên Tào Tháo hết sức yên tâm. “Thời điểm rét nhất chỉ có gió Tây Bắc chứ làm gì có gió Đông Nam? Quân ta ở hướng Tây Bắc, quân địch ở bờ Nam, nếu chúng châm lửa chẳng phải tự đốt quân mình hay sao, ta sợ gì?”.
Để chuẩn bị cho kế hoạch dùng hỏa công, Đại đô đốc phe Đông Ngô, Chu Du đã lén dùng kế ly gián khiến Tào Tháo giết chết tướng giỏi. Một mặt dùng mưu sĩ tìm cách khiến Tào Tháo tin tưởng vào kế “Liên hoàn chiến thuyền”, mặt khác vừa dùng “khổ nhục kế”, để lão tướng Hoàng Cái xin hàng Tào Tháo để trong ngoài ứng hợp.
Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ thiếu gió đông. Một hôm, Chu Du đứng quan sát động tĩnh quân Tào thì gió Tây Nam nổi lên, đập cả cờ phướn vào mặt.
Phác họa hình ảnh Tào Tháo.
Chu Du vì quá lo lắng nên thổ huyết mà ngã xuống bất tỉnh. Nghe tin, Gia Cát Lượng mượn cớ đến thăm và viết mật thư 16 chữ: “Dục phá Tào công, nghi dụng hỏa công; Vạn sự cụ bị, chỉ kiếm đông phong”. Câu này có nghĩa là muốn đánh bại Tào tháo thì nên dùng hỏa công, mọi sự chuẩn bị đã xong, chỉ chờ gió đông.
Vui mừng vì Gia Cát Lượng hiểu được nỗi lo lắng của mình, Chu Du hỏi xem Lượng có kế gì hay. Gia Cát Lượng tự tin nói mình có tài “hô phong hoán vũ”, mượn gió đông 3 ngày 3 đêm để giúp Đông Ngô đánh Tào Ngụy.
Theo yêu cầu của Gia Cát Lượng, Chu du cho người lập Thất tinh đàn ở phía nam Tịnh sơn, tạo điều kiện để Lượng hàng ngày cầu khấn.
Mặt khác, Chu Du cũng ra lệnh cho Hoàng Cái chuẩn bị sẵn 20 thuyền nhẹ chất đầy vật dễ cháy để chuẩn bị đánh Tào. Nhiều ngày trôi qua mà thời tiết chưa có dấu hiệu biến chuyển khiến Chu du lo lắng.
Nhưng đến một ngày, gió Đông Nam bỗng nhiên thổi mạnh. Chu Du chỉ chờ có vậy phất cờ tấn công. Hoàng Cái soái lĩnh đội thuyền hỏa công, vờ ra hàng Tào Tháo để tìm cách đến gần rồi bất ngờ phóng hỏa, thiêu cháy chiến thuyền Tào Ngụy.
Gió đông càng thổi mạnh khiến lửa bén nhanh, chỉ trong chốc lát, hàng trăm chiến thuyền chìm trong biển lửa.
Thừa thế xông lên, Liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền truy đuổi tàn binh Tào Tháo. Trên đường rút chạy gặp mưa lớn, quân Tào Ngụy chết rất nhiều. Tào Tháo sau đó phải giữ lại một phần binh sĩ trấn giữ Giang Lăng và Tương Dương, còn mình rút quân về phương bắc.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, Gia Cát Lượng không phải là người giỏi trong việc dự báo thời tiết, ông chỉ có thể đoán ngày nào có gió đông chứ không “mượn” được gió.
Gia Cát Lượng là người am hiểu về Kinh Dịch, nên lợi dụng sự biến đổi định kỳ của thời tiết để giúp quân sĩ có sức chiến đấu tốt nhất.
Theo cách lý giải khoa học, Xích Bích là khu vực nằm ở phía đông, gần khu vực sông Trường Giang. Vào mùa đông, vùng đất này hạ nhiệt độ nhanh hơn ở trên sông, tạo thành các khối khí áp cao, giúp cho xuất hiện gió Đông Nam trong từng khoảng thời gian nhất định.
Theo các học giả Trung Quốc, Gia Cát Lượng có thể dự đoán sự xuất hiện của gió Đông Nam nhờ khả năng tinh thông địa lý và thiên văn, ông có thể nhận ra những hiện tượng bất thường để biết được dấu hiệu thời tiết thay đổi.
Cũng có thể gió đông giúp thiêu cháy chiến thuyền Tào Tháo trong trận Xích Bích chỉ là lời thêu dệt. Nếu không có gió, liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền vẫn có thể sử dụng các yếu tố về địa hình để dùng hỏa công.
Sau này, khi đọc Kinh Dịch, Tào Tháo đã ngộ ra nguyên nhân thất bại của mình là bởi yếu tố thời tiết và chỉ còn biết cười lớn.