Trận đánh Tiêu Diêu, chuyện Cam Ninh mang 100 quân kỵ đột phá doanh trại quân Tào, Gia Cát Lượng 6 lần cất phinh chinh phạt Tào Ngụy, đại chiến Xích Bích hay hình ảnh kết nghĩa vườn đào… xứng đáng là những tình tiết kinh điển trong Tam Quốc.
6. Uy chấn bến Tiêu Diêu

Uy chấn bến Tiêu Diêu là trận đánh kinh điển lấy ít thắng nhiều của danh tướng Trương Liêu của Tào Ngụy dùng 800 bộ binh đánh bật Tôn Quyền. Tiếp đó đại phá 10 vạn quân Ngô ở bến Tiêu Diêu, hóa giải vòng vây ở Hợp Phì, trận chiến này trực tiếp đánh tan tiến công của đại quân Đông Ngô, chỉ thiếu chút nữa đã bắt sống được Tôn Quyền.

Năm thứ 12 niên hiệu Kiến An (năm 215),Tôn Quyền nhân lúc Tào Tháo dùng binh ở Hán Trung, đã thống lĩnh đại quân bao vây Hợp Phì. Trận chiến này, Đông Ngô dốc hết tinh nhuệ, 10 vạn đại quân cuối cùng lại bị 7000 quân của Trương Liêu đánh tan. Ngay đến cả bản thân Tôn Quyền suýt chút nữa cũng bị quân Tào bắt sống, may nhờ các tướng Lăng Thống, Cam Ninh, Lã Mông ra sức tử chiến, mới được thoát thân.

Hình ảnh Tôn Quyền qua cầu ở bến Tiêu Diệu bỏ chạy khi bị quân của Tào truy kích. (Ảnh: wikipedia.org).

7. Một trăm quân kỵ cướp doanh Tào

Sau sự kiện “Uy chấn bến Tiêu Diêu” thì “Một trăm kỵ cướp doanh Tào”, là một mẩu chuyện đặc sắc liên quan đến giao chiến Ngụy – Ngô. Sự kiện này bộc lộ hoàn toàn dũng khí và mưu lược của đại tướng quân Cam Ninh bên Đông Ngô. Và nó cũng đã trở thành thời khắc vàng son của Cam Ninh trong lòng của biết bao đọc giả say mê Tam Quốc.

Tháng giêng năm thứ 18 niên hiệu Kiến An (năm 213), Tào Tháo dẫn theo đại quân tiến đánh Nhu Tu, phao tin có 40 vạn quân bộ. Tôn Quyền mang 7 vạn quân ra địch, sai Cam Ninh mang 3000 quân làm tiên phong. Tôn Quyền lệnh cho Cam Ninh nhân lúc quân Tào mới đến hãy cướp trại để giảm nhuệ khí địch.

Cam Ninh chọn ra 100 quân tinh nhuệ, đến canh hai lặng lẽ kéo đến trại Tào, nhổ hết cọc rào xông vào chém giết. Quân Tào hoảng loạn chạy xuôi ngược. Cam Ninh loạn đả một trận rồi lui về, 100 quân sĩ còn nguyên vẹn không ai bị chết hay bị thương. Sau này, Tôn Quyền đối với Cam Ninh càng xem trọng hơn.

8. Sáu lần ra Kỳ Sơn

Quốc lực nước Thục vốn không được mạnh, nhưng có thể phòng thủ trước mọi nguy hiểm. Nếu chỉ một lòng chăm lo việc nước, không lấy trứng chọi đá thì hẳn là rất lý trí. Gia Cát Lượng với đại quyền trong tay cũng có thể làm thừa tướng mấy chục năm. Nhưng Gia Cát Lượng vì để thực hiện lời hứa với Lưu Bị, đã lựa chọn đặt bản thân và muôn dân vào trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, mong dựa vào sức của cá nhân dẫn quân Bắc phạt.

Gia Cát Lượng vì để thực hiện lời hứa với Lưu Bị, đã quyết định “Sáu lần ra Kỳ Sơn” xuất binh bắc phạt Tào Ngụy. Sử sách ghi chép Gia Cát Lượng trong thời gian bắc phạt Tào ngụy chỉ có hai lần ra Kỳ Sơn, còn cách nói “sáu lần ra Kỳ Sơn” xuất hiện trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”. Do ảnh hưởng của “diễn nghĩa” ở dân gian khá là to lớn, bởi vậy “sáu lần ra Kỳ Sơn” cũng dần dần trở thành đại danh từ bắc phạt của Gia Cát Lượng.

Trong tình cảnh địch mạnh ta yếu như vậy, Thục quốc không thể có chút sai sót nào. Chính là điều chúng ta thấy được sau này, bất cứ một điều bất lợi nào dù là nhỏ nhất đều có thể khiến cho nước Thục lui binh, bởi vì vốn liếng của họ thật sự quá hữu hạn. Vậy nên, Gia Cát Lượng không nghe theo lời khuyên của Ngụy Diên, đi tắt hang Tý Ngọ đánh úp Trường An. Bởi vì ông biết được, cách làm của Ngụy Diên nếu thành công nhiều nhất chỉ có thể đẩy nhanh tiến trình ra Kỳ Sơn, còn như thất bại thì sẽ trực tiếp dẫn đến thất bại, đại binh phải thoái lui.

Nhìn chung, kết cục chiến dịch không như kế hoạch đề ra của quân Thục mà kiến trúc sư là Gia Cát Lượng. Quân Thục đánh thắng nhiều trận và tiêu diệt được nhiều lực lượng địch, nhưng phần vì tiếp tế lương thảo của quân Thục khó khăn, phần vì quân Ngụy đông hơn lại cố thủ không ra đánh nên trước sau quân Thục đều phải lui binh khi chưa đạt mục tiêu cuối cùng.

Tuy nhiên trước sau mấy lần Bắc phạt đã làm rung chuyển rất mạnh nước Ngụy, đồng thời mở ra điều kiện để cha con Tư Mã Ý nổi lên nắm binh quyền và tiến tới cướp ngôi của nhà Tào Ngụy.

Gia Cát Lượng vì để thực hiện lời hứa với Lưu Bị, đã quyết định “Sáu lần ra Kỳ Sơn” xuất binh bắc phạt Tào Ngụy. (Ảnh: wikipedia.org).

9. Xích Bích đại chiến

Năm thứ 13 niên hiệu Kiến An thời Đông Hán (năm 208), Tôn Quyền, Lưu Bị liên quân ở khu vực Xích Bích, Trường Giang, một lần quyết chiến đánh bại đại quân Tào Tháo. Sau khi Tào Tháo diệt Viên Thiệu, đánh bại bộ tộc Ô Hoàn, cơ bản đã thống nhất phương bắc. Tháo thù tính diệt Lưu Biểu trước, rồi đánh bại Tôn Quyền, thống nhất thiên hạ.

Tháng 9, Tào Tháo tấn công chiếm lĩnh Dã Tân (Hà Nam ngày nay), lúc này Lưu Biểu đã mất, con trai Lưu Biểu là Lưu Tông không đánh mà hàng. Lưu Bị đóng quân ở gần đó vội vàng dẫn theo bá tánh, quân đội rút về phía nam. Sau khi Lưu Bị bị quân Tào đánh bại, trên đường tháo chạy đã cử Gia Cát Lượng đến Sài Tang hội kiến thuyết phục Tôn Quyền liên minh kháng Tào.

Tôn Quyền lệnh cho Chu Du làm chủ tướng, Trình Phổ làm phó tướng, dẫn theo ba vạn thủy quân tinh nhuệ, liên hợp với đội quân của Lưu Bị ở Phàn Khẩu, cộng chừng 5 vạn quân ngược dòng Trường Giang, đón đánh quân Tào. Tháng 11, liên quân Lưu – Tôn và quân Tào giằng co ở Xích Bích. Tào Tháo lệnh cho thuyền kết thành một thể, lợi cho việc diễn luyện thủy quân, tùy thời công chiến. Chu Du tiếp nhận chủ ý dùng hỏa công của Hoàng Cái, và lệnh cho Hoàng gửi thư đến Tào Tháo trá hàng, Tào Tháo trúng kế.

Hoàng Cái chọn thời cơ thống lĩnh chiến thuyền thuận theo hướng gió chạy đến thủy trại quân Tào phóng hỏa. Thuyền trận quân Tào bị thiêu cháy, thế lửa mau chóng lan rộng đến doanh trại trên bờ. Liên quân Lưu – Tôn thừa thế xuất kích, quân Tào tử thương quá nửa. Tào Tháo dẫn theo tàn quân tháo chạy về phía bắc, để lại Chinh nam tướng quân Tào Nhân cố thủ ở Giang Lăng. Liên quân thừa thắng mở rộng kết quả chiến đấu, hai quân Tôn – Lưu chiếm giữ yếu địa Kinh Châu.

Quyết chiến Xích Bích, Tào Tháo dưới hình thế có lợi, tự phụ khinh địch, chỉ huy thiếu sót, cuối cùng thất bại thảm hại. Tôn Quyền, Lưu Bị ngay lúc cường địch trước mắt, liên minh kháng giặc, khuếch trương ưu thế thủy chiến, khéo dùng hỏa công, cuối cùng lấy yếu thắng mạnh. Trận chiến này đã đặt cơ sở vững chắc tạo nên thế chân vạc Ngụy, Thục, Ngô sau này.

Quyết chiến Xích Bích, Tào Tháo dưới hình thế có lợi, tự phụ khinh địch, Tôn Quyền, Lưu Bị ngay lúc cường địch trước mắt, liên minh kháng giặc, khuếch trương ưu thế thủy chiến, khéo dùng hỏa công, cuối cùng lấy yếu thắng mạnh. (Ảnh: wikipedia.org).

10. Kết nghĩa vườn đào

Những năm cuối triều Đông Hán, triều đình hủ bại, Trương Giác thống lĩnh nông dân khởi nghĩa lật đổ triều đình. Quân khởi nghĩa đầu đội khăn vàng làm ký hiệu, nên sử sách gọi đây là “khởi nghĩa khăn vàng”.

Hoàng đế Đông Hán vì để trấn áp “khăn vàng”, hạ lệnh các nơi chiêu mộ binh sĩ. Một hôm, Lưu Bị đang lúc xem cáo thị chiêu binh, đằng sau lại có một đại hán mặt đen chen vào, tên là Trương Phi. Hai người thương lượng cùng nhau gia nhập quân ngũ.

Lưu Bị và Trương Phi cùng đến một quán rượu. Hai người đang uống rượu, thì thấy một đại hán mặt đỏ đi vào, hô lớn: “Tiểu nhị, mau mang rượu thịt ra đây, tôi phải đi đầu quân gấp!”. Lưu Bị thấy đại hán đó tướng mạo phi phàm, lại nhắc đến chuyện đầu quân, liền mời đến cùng uống rượu hỏi rõ lai lịch.

Sau này ba người cùng chí hướng muốn làm nên nghiệp lớn, quyết định kết nghĩa tại vườn đào với lời thề: Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày. Tình cảm của ba vị anh em kết nghĩa này được miêu tả son sắt trong suốt tác phẩm.