Tam quốc diễn nghĩa như một bản anh hùng ca lúc trầm lúc bổng. Và 9 sự kiện đáng tiếc nhất dưới đây khiến cho ai xem qua cũng phải đôi lần khắc khoải, tiếc nuối.
1. Tào Tháo giết Hoa Đà
Hoa Đà (145 – 208), biểu tự Nguyên Hóa, là một thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Bấy giờ Tào Tháo là người cùng quê với Hoa Đà, khi ấy thường hay bị căn bệnh đau đầu quái ác hành hạ, dù đã rất nhiều lần mời thầy thuốc giỏi về chữa trị nhưng cũng không khỏi. Nghe nói Hoa Đà có y thuật cao siêu, Tào Tháo đã cho mời ông về trị bệnh. Hoa Đà chỉ châm một kim thì bệnh đau đầu của Tào Tháo đã biến mất.
Tào Tháo sợ bệnh đau đầu của mình lại tái phát nên đã muốn Hoa Đà phải ở lại Hứa Xương để chữa bệnh cho mình. Nhưng Hoa Đà bản tính thanh cao, không muốn bị ràng buộc vào công danh lợi lộc, không chỉ phục vụ một người mà còn muốn trị bệnh cho bách tính trăm họ. Vì thế, Hoa Đà liền từ chối, nói rằng muốn trở về quê để tìm thuốc. Nhưng từ khi đi, Hoa Đà không quay trở lại nơi ấy nữa.
Tào Tháo nhiều lần viết thư yêu cầu ông quay trở lại, cũng đồng thời phái quan lại địa phương đến tận nơi thúc ép nhưng Hoa Đà vẫn một mực từ chối, lấy lý do rằng vợ đang bệnh nặng nên không thể trở lại bên Tào Tháo. Tào Tháo vì thế mà giận dữ, phái người đi điều tra. Tào Tháo nói: “Nếu như vợ của Hoa Đà thực sự bị bệnh thì hãy cấp cho họ 400 đấu đậu đỏ và gia hạn thêm thời gian, còn nếu như là giả dối thì bắt về trị tội”.
Không lâu sau, Hoa Đà bị dẫn về Hứa Xương. Hoa Đà lần này chẩn đoán bệnh đã nói: “Bệnh của ngài đã rất nghiêm trọng rồi, châm cứu cũng không thể khỏi được. Tôi nghĩ, cần phải tiến hành phẫu thuật trong não mới mong trị được hết bệnh này”. Tào Tháo vừa nghe những lời này của Hoa Đà thì nổi trận lôi đình, chỉ tay vào Hoa Đà mà quát: “Đầu mổ ra rồi, người còn có thể sống sao?”.
Tào Tháo không tin lời Hoa Đà, cho rằng Hoa Đà muốn âm mưu hại mình nên đã ra lệnh bắt giam Hoa Đà lại chờ xử tử. Trước khi chết, Hoa Đà ở trong ngục đã chỉnh lý lại cuốn sách y học “Thanh nang kinh”, giao cho người cai ngục và nói: “Cuốn sách này truyền lại cho đời sau, có thể cứu được muôn dân trăm họ”. Nhưng người này vì quá sợ hãi nên một mực từ chối, không dám nhận, vậy nên cuốn sách quý ấy đã không thể lưu truyền đến ngày nay.
Có người thỉnh cầu Tào Tháo rằng, Hoa Đà y thuật cao siêu, có thể cứu mạng rất nhiều người, nên tha cho ông ấy. Tào Tháo nói: “Không cần phải lo, trong khắp thiên hạ lẽ nào lại không có bọn chuột nhắt vô năng này hay sao?”. Đến khi Tào Tháo bị bệnh, lại tìm đến Hoa Đà thì Hoa Đà đã chết rồi. Về sau, Tào Xung – đứa con trai yêu dấu của Tào Tháo bệnh tình nguy kịch, Tào Tháo thở dài nói: “Ta thật sự hối hận khi đã giết Hoa Đà, điều này khiến con trai yêu dấu của ta có thể không phải chết mà chết”.
Hoa Đà không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà trong các nước như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, được xem là một trong những ông tổ của Đông Y. Ông cùng Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh được xưng tụng là Kiến An tam Thần y, cùng với Biển Thước, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được xem là 4 vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử.
2. Cái chết của Chu Du
Chu Du tuổi trẻ tài cao, nổi tiếng về tài năng âm nhạc ở Giang Đông. Chu Du được miêu tả: “Khôi ngô hùng vĩ, dung mạo tuyệt đẹp, là Chu Lang ở đất Giang Đông. Lang là chỉ người đàn ông anh tuấn, kêu bằng Lang là để tán dương vẻ đẹp của người được gọi. Giang Đông có hai người được gọi là Lang: Chu Du và Tôn Sách”.
Làm nên đại thắng Xích Bích, Chu Du vang danh thiên hạ. Sau trận Xích Bích, cục diện Tam quốc hoàn toàn phân định, là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử, dẫn đến việc Chu Du cũng trở thành một tướng quân trứ danh trong lịch sử. Tuy nhiên, chiến thắng trận Xích Bích chỉ sau 2 năm thì ông qua đời khi mới 36 tuổi.
Có thể nói, cái chết của Chu Du đó là một tổn thất nặng nề nhất của Giang Đông, mất đi Chu Du cũng có nghĩa là Giang Đông mất đi sức mạnh trí tuệ của mình. Nếu như Chu Du không phải “anh tài yểu mệnh” ắt hẳn Tam quốc tranh hùng sẽ còn nhiều thú vị.
3. Lã Bố vong thân lầu Bạch Môn
Chỉ vì đánh mất chứ Tín mà Lã Bố một đời danh tướng, nhưng sau cùng lại gặp cảnh tang thương.
Tào Tháo dẫn đại quân thân chinh Từ Châu, Lã Bố bại binh, lui về cố thủ trong thành Hạ Bì. Sau hai tháng vẫn chưa phá được Hạ Bì, một hôm Lã Bố đang ngủ bị thuộc hạ lừa bắt trói lại, mở thành đầu hàng Táo Tháo. Tào Tháo ở lầu Bạch Môn xử lý Lã Bố và thuộc hạ, Lưu Bị có mặt, Lã Bố nhắc lại chuyện xưa, nhờ Lưu Bị mở miệng cứu giúp.
Lã Bố nguyện ý muốn làm nghĩa tử của Tào Tháo. Tào Tháo hỏi Lưu Bị ý kiến thế nào? Lưu Bị nói với Tào Tháo: “Tào công hãy nhìn gương ba người Lã Bố từng nhận làm nghĩa phụ, thứ nhất Đinh Nguyên, thứ hai Đổng Trác, thứ ba Vương Doãn, cả 3 đều bỏ mạng vong thân. Đây chính là người không có chữ tín”.
Lã Bố nghe xong chửi Lưu Bị: “Giặc tai to, vong ân phụ nghĩa, không nhớ chuyện bắn kích Viên Môn hay sao?”. Lưu Bị lại nhắc lại chuyện nhường Từ Châu cho Lã Bố, nhưng rồi lại bị Lã Bố phản lại, nhiều lần đem quân đuổi giết.
Nói xong, Tào Tháo cho thuộc hạ lôi xuống chém đầu. Lã Bố một đời danh tướng, nhưng sau cùng lại gặp cảnh tang thương. Xem đến đây cũng có người cho rằng Tào Tháo đã trúng kế của Lưu Bị, nếu giữ lại Lã Bố, ắt hẳn việc thống nhất thiên hạ cũng có phần giúp sức.
Nhưng trên góc độ làm người mà nói, thân sống trong trời đất, làm người đối nhân xử thế mà không có chữ tín như Lã Bố thì dù có đi đâu trong trời đất này cũng chẳng có chỗ đứng. Nếu một người mà mất đi chữ tín thì chính là mất đi tất cả. Thật lấy làm đáng tiếc, thân là một bậc anh tài, võ nghệ cao cường, muôn người khó địch, khôi ngô tuấn tú nhưng lại là người không có được chính nghĩa.
4. Quan Vũ thất ý để mất Kinh Châu
Sau trận Xích Bích, bảy quận Kinh Châu bị Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền phân chia. Lưu Bị vào Thục, Quan Vũ trấn thủ chiếm giữ Kinh Châu năm quận (Trường Sa, Nam Quận, Linh Lăng, Quế Chương, Vũ Lăng). Trong đó Nam Quận là Lưu Bị mượn của Đông Ngô.
Sau khi vào Thục, Lưu Bị đem trả hai quận là Trường Sa và Quế Dương cho Tôn Quyền. Sau này Quan Vũ đem quân đi đánh Tào Tháo tại Tương Phàn, Tôn Quyền thấy vậy sai Lữ Mông đem quân đi đánh lén 3 quận (Nam Quận, Vũ Lăng, Linh Lăng), khiến Kinh Châu thất thủ.
Ở đây không thể không nói đến sự kiêu ngạo của Quan Vũ. Kinh Châu là cứ địa vô cùng trọng yếu, hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đối với hai nước Thục, Ngô đều vô cùng có ý nghĩa. Quan Vũ để mất Kinh Châu, không chỉ là để mất đi bảo địa mà còn dẫn tới mất đi cả tính mạng của mình. Cái chết của Quan Vũ thật là quá đáng tiếc, không gì có thể bù đắp lại cho Lưu Bị và nước Thục.
5. Trận chiến Nhai Đình
Đây là trận chiến lần đầu Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt, cũng có thể nói, đây là trận mang tính quyết định thắng thua toàn cục. Khi Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn, mọi người kiến nghị dùng cựu tướng Ngụy Diên, Ngô Ý nhưng Gia Cát Lượng không nghe. Mã Tốc viết giấy quân lệnh xin lĩnh quân đi giữ Nhai Đình, Gia Cát Lượng đồng ý.
Khi tới nơi, quân Tào ập đến, Mã Tốc cho quân lên núi hạ trại phục kích, tham tướng Vương Bình ngăn cản, khuyên Mã Tốc nên đóng quân nơi hẻm núi chặn đứng quân địch theo mưu Thừa tướng. Tiếc rằng, mấy chục vạn đại quân, khí thế hùng hùng, sức mạnh như chẻ tre nhưng lại bị Mã Tốc cãi ý không nghe.
Cuối cùng Mã Tốc bị quân của Tào Tháo do Trương Hợp chỉ huy bao vây núi, cắt đứt nguồn nước. Vương Bình phải liều chết lĩnh đội quân của mình tiến lên, Trương Hợp sợ có cứu binh nên không dám đánh tiếp. Tranh thủ lúc này, Mã Tốc đem tàn quân rút về.
Mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng mất đi cứ điểm quan trọng của mình khiến cho hơn một nghìn hộ dân phải rút về Hán Trung và ba chục vạn đại quân của Lưu Bị, tiến không được mà lui cũng chẳng xong.
Đây cũng chính là điều đáng ôm hận của quân Thục. Sau thất bại Nhai Đình, nguyên khí quân Thục tổn hại nặng nề, kết quả 3 lần tiến quân Bắc phạt sau đó của quân Thục đều bất thành, để lại nuối tiếc khôn cùng cho sự nghiệp cầm quân của Gia Cát Lượng.
6. Quách Gia kỳ tài yểu mệnh
Tào Tháo quân hùng tướng mạnh, mưu sĩ đa tài, nhiều vô số kể. Cũng như Quản Trọng từng nói: “Sinh ta ra là cha mẹ, hiểu được ta lại là Thúc Nha”. Đối với Tào Tháo cũng lại như thế, trong số hàng trăm người thân cận, nhưng hiểu được Tào Tháo lại chỉ có Quách Gia. Không những vậy, tình cảm hai người vô cùng khăng khít, đi cùng xe, ngồi cùng chiếu.
Lịch sử ghi chép, Quách Gia được mệnh danh là đệ nhất mưu sĩ, đây cũng là người mà Tào Tháo hết mực quý trọng, vô cùng tán dương. Có rất nhiều lần Tào Tháo từng gọi Quách Gia là “Kỳ tá” (người phụ tá kỳ tài) của mình. Trong những năm chinh chiến ngược xuôi, Tào Tháo luôn đưa Quách Gia theo bên mình.
Trong các việc đại sự, hay mỗi lần đối địch, mưu kế của Quách Gia chưa một lần thất bại. Đối với Quách Gia mà nói, Tào Tháo có một kỳ vọng to lớn, hi vọng mai này khi đại nghiệp hoàn thành, sẽ giao việc trị vì thiên hạ ủy thác cho Quách Gia đảm đương.
Đáng tiếc, kỳ tài yểu mệnh, giữa lúc bao nhiêu kỳ vọng đang được trông chờ thì Quách Gia bạo bệnh đột ngột qua đời khi vừa tròn 38 tuổi. Tào Tháo đau buồn thương tiếc mà nói: “Quách Phụng Hiếu mất đi, đó là trời hại ta vậy! Buồn thay Phụng Hiếu! Đau thay Phụng Hiếu! Tiếc thay Phụng Hiếu!“.
Nếu như Quách Gia có thể sống thêm vài năm, thì khả năng Tào Tháo thống nhất giang sơn cũng dễ như là việc gắp thịt trên bàn, thật là đáng tiếc. Người đời sau vì tiếc thương kỳ tài của Quách Gia mà có thơ rằng:
“Trời sinh Quách Phụng Hiếu
Hào kiệt đã nức danh
Ruột chứa đầy kinh sử
Bụng xếp chặt giáp binh
Lập mưu ngang Phạm Lãi
Bày mẹo tựa Trần Bình
Đáng tiếc lại chết sớm
Trung nguyên cột trụ nghiêng”.
7. Bàng Thống trúng tên bỏ mạng
Từ Thứ từng nói với Lưu Bị, Ngọa Long, Phượng Sồ, nếu như được một trong hai người thì có an định được thiên hạ. Chiến thắng Xích Bích của liên minh Tôn Lưu, không thể không nhắc đến công lao của Bàng Thống, khi dùng mưu lừa Tào Tháo liên kết chiến thuyền lại thành bè lớn, khiến cho Chu Du một mồi đốt cháy.
Tiếc thay, Bàng Thống không nghe lời khuyên can của Gia Cát Lượng, nên trong trận Lạc Thành ông bị trúng tên chết khi mới 36 tuổi. Cái chết của Bàng Thống, khiến cho Lưu Bị như hai tay mất một. Viễn cảnh thống nhất giang sơn của Lưu Bị cũng như dần khép lại, nỗi đau tột cùng, niềm thương vô hạn.
Phải chăng đây cũng là ý trời đã định? Bàng Thống chết đi, Lưu Bị lại thất bại trước Đông Ngô ở trận Di Lăng, nước Thục trở thành một nước yếu nhất trong Tam quốc. Nếu như Bàng Thống không chết, có lẽ cục diện cũng đã thay đổi, Gia Cát Lượng cũng không phải bỏ mạng nơi sa trường.
8. Cái chết của Trương Phi
Sau khi Quan Vũ bị Tôn Quyền giết, Trương Phi nóng lòng báo thù nhưng chưa có cơ hội nên chán nản, thường xuyên uống rượu và đánh đập quân lính khi họ phạm lỗi.
Năm 221, Lưu Bị lên ngôi hoàng đế, phong Dực Đức làm Xa kỵ tướng quân kiêm Tư Lệ hiệu úy, cầm quân bản bộ xuất phát từ Lãng Trung đến Giang Châu hội binh với Lưu Bị để đánh Đông Ngô, báo thù cho Vân Trường.
Tam quốc diễn nghĩa kể rằng Trương Phi bắt hai tướng Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ áo giáp trắng để tang Quan Vũ trong thời gian ngắn.
Hai người báo lại việc này khó hoàn thành thì bị Phi sai người đánh đập, ra lệnh nhất thiết phải làm xong.
Lo sợ bị giết, hai người chờ Trương Phi uống rượu, ngủ say rồi lẻn vào trướng, sát hại. Sau đó, Trương Đạt và Phạm Cương trốn sang Đông Ngô.
Trong Tam quốc chí, sử gia Trần Thọ đánh giá công bằng về danh tướng nhà Thục Hán như sau: “Trương Phi sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm Nhan, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Phi bạo mà vô ơn, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.
9. Tào Tháo thất bại Xích Bích
Năm Kiến An thứ 13 (208) Tào Tháo dẫn đại quân muốn vượt Trường Giang tiến đánh Giang Đông, thống nhất thiên hạ. Cứ nghĩ tướng tài, quân giỏi, thế lực như bổ núi lấp sông, nhưng tiếc thay, hành sự tại nhân, thành sự tại thiên. Trời lại không hợp lòng người khi Giang Đông được Gia Cát Lượng bày mưu giúp sức.
Liên quân Lưu Tôn mượn được gió Đông phút chốc đốt sạch đại quân Tào Tháo, khiến Tào Tháo đại bại rút về phương Bắc. Có thể nói đây là một trong những trận chiến lấy ít thắng nhiều tiêu biểu trong lịch sử, cũng là trận chiến nổi tiếng nhất thời Tam quốc.
Thất bại Xích Bích, thế lực của Tào Tháo tổn thất nặng nề. Nhưng Tào Tháo trở về phương Bắc trong một thời gian ngắn đã ổn định nội bộ, xây dựng nước Ngụy hùng cường. Còn Tôn Lưu hai nhà cũng nhân cơ hội khuếch trương thế lực.
Lưu Bị mượn Kinh Châu của Tôn Quyền để mưu lược chiếm Ích Châu. Tôn Quyền thì liên tiếp dẫn quân tiến đánh Hợp Phì bị thất bại, hao binh tổn tướng. Tào Tháo sau 5 năm nghỉ dưỡng, bình định Quan Trung sau đó lại Nam tiến công đánh Tôn Quyền tạo thành thế chân vạc thời Tam quốc.
Thất bại Xích Bích không chỉ là điều tiếc nuối cho Tào Tháo mà còn cho cả hậu thế sau này. Nếu Tào Tháo có thể vượt Trường Giang, đánh Tôn Quyền thống nhất thiên hạ thì trăm dân muôn họ đã không phải chịu cảnh binh đao khói lửa của việc Tam quốc tranh hùng bao năm liên tiếp.
Nhưng đây cũng bởi số trời, nếu như không có cuộc Tam quốc tranh hùng, chúng ta cũng đâu có thể thấy được một Quan Công cả đời vì nghĩa, một Triệu Tử Long quả cảm phi thường, một Khổng Minh dụng binh như thần, một Tư Mã Ý nhẫn nhịn hơn người.