Vào thời đại Tam Quốc tranh hùng, có những câu nói tàn khốc có thể “giết người không dao” mà sau này đã trở thành điển tích khiến người đời phải nhắc mãi.

Hàn Phức: Ta có thượng tướng Phan Phong, có thể trảm Hoa Hùng

Câu nói của Hàn Phức khiến Phan Phong phải bỏ mạng dưới đao của Hoa Hùng.

Trong nguyên tác viết rằng: “Mật thám cấp báo Hoa Hùng dẫn theo thiết kị chửi bới khiêu chiến ngoài thành. Viên Thiệu nói: ‘Ai dám đi nghênh chiến?’ Du Thiệp từ sau lưng Viên Thuật bước lên: ‘Tiểu tướng nguyện đi ứng chiến’. Thiệu vui mừng. Chưa được bao lâu, lại có cấp báo: ‘Du Thiệp và Hoa Hùng giao đấu chưa đầy 3 hiệp, đã bị Hoa Hùng chém rồi’. Chúng chư hầu kinh hãi. Thái thú Hàn Phức liền nói: ‘Ta có thượng tướng Phan Phong, có thể trảm Hoa Hùng’.”

Tam Quốc Diễn Nghĩa xếp Hoa Hùng là mãnh tướng xếp thứ 4 trong quân đội của Đồng Trác, khi nghênh chiến liên minh phạt Đổng đã hạ không ít tướng sĩ của các chư hầu. Hàn Phức thân là thượng cấp của Phan Phong, vốn hiểu rất rõ thực lực bộ hộ của mình, nhưng vẫn đề xuất cho Phan Phong đi ứng chiến.

Chắc chắn sau khi nghe xong câu nói của Hàn Phức, Phan Phong đã phải khóc thầm trên đường ra tiếp chiến, bởi vị tướng đáng thương này cũng mất mạng dưới đao của Hoa Hùng sau chưa đây 3 hiệp.

Lưu Bị: Công không thấy chuyện của Đinh Nguyên, Đổng Trác sao

Lữ Bố bị tử hình chỉ vì một câu nói “bình thản” của Lưu Bị.

Khi Lữ Bố bị Tào Tháo bắt sống, Lữ Bố đã cầu xin Tào Tháo tha mạng và nguyện giúp sức chinh phạt thiên hạ. Tào Tháo nghe xong đã quay sang hỏi Lưu Bị: “Thấy sao?”. Lưu Bị bình thản nói: “Công không thấy chuyện của Đinh Nguyên, Đổng Trác sao?”. Kết quả, Lữ Bố bị Tào Tháo tử hình.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lữ Bố xuất hiện lần đầu với tư cách là con nuôi của Đinh Nguyên. Đổng Trác muốn giết Đinh Nguyên nên sai người dùng ngựa Xích Thố dụ dỗ Lữ Bố tạo phản. Lữ Bố giết Đinh Nguyên, dẫn quân đến hàng Đổng Trác, được Đổng Trác nhận làm con nuôi.

Sau đó, Vương Trung vì muốn dẹp quốc tặc, nên đã dùng Điêu Thiều thực hiện kế ly gián, khiến Lữ Bố giết Đổng Trác.

Khi Tào Tháo bắt sống được Lữ Bố cũng có phần muốn giữ lại sử dụng, nhưng Lưu Bị vì chuyện bị đánh úp Từ Châu, cho rằng Lữ Bố là kẻ vong ân bội nghĩa, liền dùng câu nói trên để cảnh tỉnh Tào Tháo, nếu không giết Lữ Bố sẽ có ngày gặp kết cục như Đinh Nguyên và Đổng Trác.

Giả Hủ khích Lý Thôi, Quách Dĩ

Câu nói của Giả Hủ khiến quân Tây Lương chiếm được Trường An, khiến bá tánh trong thành chịu nhiều tang tóc.

Khi Trác bại vong, Phụ cũng chết, mọi người rất sợ hãi, Hiệu uý Lý Thôi, Quách Dĩ, Trương Tế muốn giải tán về quê. Giả Hủ: “Nghe nói người trong thành Trường An bàn định muốn giết hết người Lương Châu, mà các ông bỏ mọi người ra đi một mình, thì một người đình trưởng cũng có thể bắt được các ông vậy. Chẳng bằng thống lĩnh mọi người ở phương tây, thu nhặt binh sĩ ở đó, vây đánh Trường An, vì Đổng công mà báo hận, may mà nên việc, phụng sự quốc gia để chinh phạt thiên hạ, nếu chẳng xong việc, bỏ chạy cũng chưa muộn.”

Câu nói này của Giả Hủ đã khiến quân Tây Lương từ sợ hãi muốn giải tán đã tập kết trở lại, hồi phục sĩ khí, chiếm lại triều cục, lộng quyền và lạm sát gây nên những trận “động loạn trong kinh thành”, khiến nhân dân thành Trường An phải chịu nhiều tang tóc.

Tào Tháo: Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta

Trần Cung là người đầu tiên được nghe Tào Tháo nói “Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta”.

Trên đường trốn chạy khi mưu sát Đổng Trác không thành, Tào Tháo và Trần Cung đã được một người bác buôi là Lã Bá Xa tiếp đón và đối đãi rất hậu. Tuy nhiên khi nghe thấy gia đinh nói “trói vào rồi mới giết”, với bản tính đa nghi của mình, Tào Tháo đã giết cả nhà Lã Bá Xa.

Trên đường trốn chạy, hai người lại gặp Lã Bá Sa đi mua rượu trở về. Trong lúc Trần Cung còn bối rối không biết làm thế nào, Tào Tháo liền vung kiếm chém chết người đã cứu mang bọn họ.

Trần Cung kinh hãi, Tào Tháo chỉ giải thích cho hành động bất nghĩa này bằng một câu nói mà sau đã trởi thành thương hiệu của ông: “Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta”. Cũng vì câu nói này, mà đôi tay của Tào Tháo nhuốm máu của biết bao người trên con đường xây dựng bá nghiệp.