Đáng tiếc cho Tôn Quyền là Tào Tháo không bị danh vọng làm mờ mắt như ông ta nghĩ.
Tào Tháo là người đã đặt nền móng cho sự thống trị của nhà Bắc Ngụy thời Tam Quốc. Sau này ông cũng được con là Tào Phi truy tôn làm Ngụy Vũ Đế.
Tuy nhiên, thời kỳ nắm trong tay đỉnh cao quyền lực, kiểm soát cả Hán Hiến Đế nhưng Tào Tháo đã bỏ qua mọi lời khuyên phế vua tự lập triều đại mới trong đó có cả lời khuyên của đối thủ Tôn Quyền.
Còn về Tôn Quyền, có thực sự ông ta ngưỡng mộ nên muốn Tào Tháo xưng vương?
Thời kỳ Tam Quốc, chiến lược ngoại giao của các nhà lãnh đạo gồm Tôn Quyền luôn luôn biến ảo. Khi Tào Tháo mạnh và tiến xuống phía nam đe dọa mình thì Tôn Quyền liên minh với Lưu Bị đánh bại Tào Tháo ở trận Xích Bích.
Khi Lưu Bị âm mưu độc chiếm Kinh Châu thì Tôn Quyền hủy bỏ liên minh để cầu thân với Tào Tháo rồi đánh chiếm Kinh Châu giết cả người nghĩa đệ Quan Vũ của Lưu Bị.Tào Tháo trên đỉnh cao quyền lực nhưng vẫn nhất định không xưng đế (Ảnh: Cafebiz.vn)
Năm 219, khi Tào Tháo làm chủ hoàn toàn vùng phía bắc Trung Hoa rộng lớn, trù phú, đông dân và nhiều tài nguyên, có những tướng sĩ đã khuyên Tào Tháo lập triều đại mới thay nhà Hán đã tồn tại 400 năm.
Về phần Tôn Quyền, sau khi giết được Quan Vũ đã chặt đầu vị dũng tướng này rồi sai người mang đến Lạc Dương cho Tào Tháo cùng dâng thư biểu thể hiện mong muốn Tào Tháo lên ngôi hoàng đế. Nhưng Tào Tháo không hề có ý định làm theo.
Trong sách “Ngụy Lược thư” của nhà sử học Ngư Hoạn – cũng là đại thần nhà Ngụy có nói rằng sau khi Tào Tháo nghe đọc thư biểu của Tôn Quyền thì đã nói: “Tên tiểu tử đó muốn ta tự ngồi trên đống lửa”. Ám chỉ lời của Tôn Quyền thực ra là muốn mình đi vào chỗ chết.
Khuyên Tào Tháo làm vua, Tôn Quyền âm mưu gì?
Bản thân Tôn Quyền ngoài mặt khuyên Tào Tháo lên ngôi nhưng thực tâm ông ta có mục đích đầy mưu đồ chính trị của mình. Cụ thể bởi các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, vì giành đất Kinh Châu, Tôn Quyền đã phá vỡ liên minh với Lưu Bị, quân đội Lưu Bị đã lên kế hoạch đánh Đông Ngô. Lúc này, Tôn Quyền cần liên minh với Tào Tháo để tránh tình trạng “lưỡng đầu thọ địch” (hai mặt đều là kẻ thù). Việc cầu thân với Tào Tháo sẽ khiến Lưu Bị phải đề phòng quân Tào chứ không thể toàn tâm toàn ý đánh mình.
Thứ hai, Tào Tháo tuy đang đứng đầu thiên hạ về quyền lực nhưng từ trước đến nay khi điều binh khiển tướng luôn luôn lấy danh nghĩa “phụng sự nhà Hán”. Nếu soán ngôi nhà Hán thì trong mắt thiên hạ ông ta không khác gì kẻ phản bội.
Chưa kể văn thần võ tướng từ thời Hán vẫn còn khá nhiều, đều chịu tư tưởng của Nho giáo, họ muốn làm trung thần nhà Hán. Nếu Tào Tháo tự lập thì nội bộ triều đình sẽ lục đục, suy yếu và như vậy Tôn Quyền cũng bớt đi một mối lo từ phương Bắc.
Đáng tiếc cho Tôn Quyền là Tào Tháo không bị danh vọng làm mờ mắt như ông ta nghĩ. Cho đến lúc chết, Tào Tháo vẫn chỉ là Thừa tướng nhà Đông Hán mà thôi.
Trong sách “Ngụy Thị Xuân Thu” của Tôn Thành (nhà sử học thời Đông Tấn, triều đại liền sau thời nhà Ngụy) thì Tào Tháo từng trả lời về việc xưng đế rằng “Nhược bằng mệnh trời chỉ cho ta làm một Chu Văn Vương nữa mà thôi”.
Chu Văn Vương còn gọi là Cơ Xương, một tướng soái dưới thời vua Trụ (vị vua nổi tiếng bạo ngược độc ác và là vị vua cuối cùng thời nhà Thương). Chu Vũ Vương tuy nắm trong tay binh quyền và sự ủng hộ của triều đình nhưng quyết không soán ngôi. Sau này con trai ông mới diệt vua Trụ của nhà Thương, lập ra nhà Chu, đó là Chu Vũ Vương rồi truy tôn Cơ Xương làm Chu Văn Vương.
Con trai Tào Tháo là Tào Phi gần như ngay lập tức soán ngôi nhà Hán khi cha vừa qua đời (Ảnh: Nguoiduatin.vn)
Quả nhiên, Tào Tháo không phế bỏ vua Hán Hiến Đế mà con trai ông là Tào Phi đã soán ngôi nhà Hán, lập ra nhà Ngụy, truy tôn Tào Tháo là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế – miếu hiệu là Ngụy Vũ Đế.