Phim “Tân Tam Quốc diễn nghĩa” từng tái hiện truyện Gia Cát Lượng dùng kế “Ve sầu thoát xác” để qua mặt Tư Mã Ý.
Tân Tam Quốc diễn nghĩa ra mắt tròn 10 năm, được đánh giá cao về nội dung, nghệ thuật, với nhiều điểm sáng như các trận đánh được quay hoành tráng, kiến giải mới xoay quanh các nhân vật, sự kiện lịch sử. Một trong những cảnh gây ấn tượng với khán giả là ở tập 94, khi Gia Cát Lượng qua đời vẫn dùng kế qua mặt được kẻ địch.
Lục Nghị đóng Gia Cát Lượng trong “Tân Tam Quốc diễn nghĩa”. Ảnh: Mtime.
Tập phim kể chuyện Gia Cát Lượng tiên lượng tình trạng của mình, sắp xếp hậu sự. Ông nuối tiếc, cắn rứt vì sáu lần Bắc phạt bất thành. Lúc lâm chung, Gia Cát Lượng hiến kế lui binh với Khương Duy, tránh cho quân Thục bị tổn thương bởi tấn công của quân Tào Ngụy, do Tư Mã Ý dẫn đầu.
Gia Cát Lượng lệnh cho Khương Duy sai người làm tượng gỗ giống hệt ông. Khi Tư Mã Ý kéo quân đến đánh, quân Thục cho tượng Gia Cát Lượng ngồi trên cao để Tư Mã Ý thấy, lầm tưởng ông còn sống. Sợ trúng kế, Tư Mã Ý cho quân rút lui. Nhờ vậy, quân Thục thoái binh an toàn, bảo toàn được lực lượng. Sau khi phát hiện bị lừa, Tư Mã Ý tự than nhục nhã vì Gia Cát Lượng chết rồi vẫn làm ông hoảng sợ.
Tư Mã Ý trúng kế Gia Cát Lượng trong “Tân Tam Quốc diễn nghĩa”.
Theo Sohu, Gia Cát Lượng sử dụng kế “Ve sầu thoát xác” (Kim thiền thoát xác) – một trong 36 kế trong binh pháp cổ đại Trung Quốc. Kim thiền thoát xác nghĩa đen chỉ con ve sầu phá vỡ vỏ bọc để chui ra ngoài. Trong quân sự, kế này chỉ việc tạo bề ngoài giả tạo nhằm khiến quân địch hoang mang, án binh bất động, còn bản thân thoát an toàn.
Truyện Gia Cát Lượng chết vẫn dọa được Tư Mã Ý từng được ghi chép trong cuốn Tam Quốc chí Thục thư ngũ – Gia Cát Lượng truyện của nhà sử học Trần Thọ (233-297) đời Tây Tấn.
Tân Tam Quốc diễn nghĩa do Cao Hy Hy đạo diễn, dàn diễn viên Trần Kiến Bân, Vu Hòa Vỹ, Lục Nghị, Nghê Đại Hồng, Hà Nhuận Đông, Nhiếp Viễn, Trần Hảo, Lâm Tâm Như… Tác phẩm đứng đầu tỷ lệ người xem ở Trung Quốc năm 2010, giành nhiều giải thưởng Phim truyền hình xuất sắc trong năm.