Triệu Vân (? – 229), tự Tử Long, là một danh tướng sống vào cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh tại huyện Chân Định thuộc quận Thường Sơn, ngày nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc (phía bắc Trung Quốc).

Trong chính sử, tư liệu ghi chép lại về cuộc đời ông tương đối ít nhưng trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Triệu Vân lại được miêu tả cực kỳ hùng tráng. Không chỉ võ nghệ cao cường, lãnh binh tác chiến dũng mãnh, mà cả trí tuệ và nhân phẩm đều gần như hoàn hảo.

Sinh thời, Triệu Vân không chỉ khiến người đời nể phục với lòng trung thành và tinh thần tận trung vì nước hiếm có mà ông còn nổi danh võ nghệ cao cường, năng lực tác chiến xuất chúng. Tuy nhiên, để có được thương pháp “vô song” một phần cũng là do công chỉ bảo của Thương pháp đại sư Đồng Uyên (Đổng Uyên).

Ghi chép lịch sử về Đồng Uyên không nhiều, vì vậy khá nhiều người còn lạ lẫm với cái tên này, nhưng 3 vị đồ đệ của ông lại là những cái tên vô cùng quen thuộc. Đó là Trương Nhiệm đại tướng dưới trướng của Lưu Chương, Trương Nhiệm không những võ công cao cường mà còn thạo mưu lược, mưu sĩ Bàng Thống của Lưu Bị là do Trương Nhiệm bắn chết. Người tiếp theo là Trương Tú, ông được mệnh danh là “Thương Vương đất Bắc” (tức người dùng thương giỏi nhất miền Bắc Trung Quốc thời bấy giờ) và người cuối cùng đó chính là Triệu Vân, người khiến cả Tào Tháo cũng từng đem lòng mến mộ. Luận về thương pháp, thời bấy giờ có lẽ không ai dám đứng ngang hàng với Triệu Vân.

Nói về Đồng Uyên, từ trẻ ông đã bắt đầu ngao du giang hồ hành hiệp trượng nghĩa. Có lần ông đặt chân đến Tịnh Châu, nhìn thấy quân Hung Nô cướp bóc dân Hán, ông đơn thương độc mã xông vào giữa đại quân Hung Nô, giết thủ lĩnh của chúng.

Những tướng lĩnh khác thấy vậy liền xông lên tấn công Đồng Uyên nhưng bị ông vung thương lần lượt đoạt mạng từng tên một, khiến quân Hung Nô hoảng sợ tháo chạy.

Sau sự kiện này, Đồng Uyên nghĩ rằng sức lực con người có hạn, cần thêm nhiều người như ông mới đủ để bảo vệ bá tánh. Ông quyết đi tìm những đứa trẻ có tư chất thiên phú và truyền dạy cho chúng tinh hoa võ nghệ cả đời của ông. Sau khi Triệu Vân xuất sư không lâu thì Đồng Uyên cũng qua đời ở trên núi.

Ngoài ra nói về sư phụ của Triệu Vân còn có một giai thoại trong dân gian kể lại rằng, ngay từ nhỏ Triệu Vân đã đam mê và chăm chỉ tập luyện võ thuật, tuy nhiên chưa tìm cho mình được một người thầy ưng ý. Vào năm 18 tuổi, chàng trai Triệu Vân quyết định rời xa quê nhà để nâng cao trình độ võ thuật.

Triệu Vân đi, đi mãi suốt 20 ngày tới núi Thái Hàng, khi tới núi Tây Dương Cao thì mệt nhoài, ngồi nghỉ, rồi tìm một nơi trú đỡ để ngày mai lên đường. Tại đây Triệu Vân đã gặp được một cao thủ tuyệt đỉnh, nằm ngủ vắt vẻo trên thân cây, khi rớt xuống cành cây khác vẫn ngủ ngon lành như không có chuyện gì.

Triệu Vân đã xin được làm đồ đệ của võ sư này, và nhờ sự thành tâm, lễ độ với bậc tiền bối mà Triệu Vân được nhận làm đồ đệ. Lão ông râu trắng này không ai khác chính là Bích Vân Đại sư chùa Huyền Chung trên núi Thái Hàng.

Triệu Vân hồ hởi theo sư phụ lên núi, ngay trong đêm ông đã truyền dạy sử dụng ảo bí kỹ xảo, cách công, cách phòng của thập bát ban binh khí về đao, thương, kiếm, kích cho Triệu Vân nghe.

Đến ngày thứ 82 thì Triệu Vân được Bích Vân Đại sư khuyên nên dùng thương thay vì luyện đao. Cũng kể từ đó, Triệu Vân miệt mài tập luyện cùng cây thương. Thấm thoắt đã được hai năm hai tháng, tay thương của Triệu Vân đã luyện tới mức lô hỏa thuần thanh, biến hóa tuyệt vời. Vào một sáng mùa thu trời trong khí mát, Triệu Vân từ biệt Bích Vân sư truyền, dấn bước vào thiên hạ.