Dù khước từ mọi vinh hoa phú quý, nhưng sau này Quan Vũ vẫn tự xưng là “Hán Thọ đình hầu” – chức quan mà Tào Tháo phong, khiến nhiều người không khỏi bàn tán về ông.
Quan Vũ, tự Vân Trường, là một vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông được đánh giá là vị tướng võ nghệ dũng mãnh, can đảm kiên cường và đặc biệt trung nghĩa.
Những người hâm mộ Tam Quốc chắc hẳn đều nghe đến điển tích “Thân ở Tào doanh tâm tại Hán”. Sử sách ghi rằng Tào Tháo bắt được Quan Vũ, cho “làm Thiên tướng quân, ban cho lễ cực hậu”.
Tuy nhiên, Quan Vũ khước từ tất cả mọi tấm lòng của Tào Tháo và mọi giá quay về với Lưu Bị, khiến người đời vô cùng kính nể sự trung nghĩa của ông.
Thế nhưng kỳ lạ thay, dù khước từ mọi vinh hoa phú quý, nhưng sau này Quan Vũ vẫn tự xưng là “Hán Thọ đình hầu” – chức quan mà Tào Tháo phong cho ông.
Tước vị “Hán Thọ đình hầu” chẳng lẽ lại vinh dự đến mức ngay cả người trung nghĩa như Quan Vũ cũng không thể khước từ sao?
Chuyện bắt đầu vào năm Kiến An thứ 5 (năm Công Nguyên 200), Tào Tháo dẫn đại quân thảo phạt Lưu Bị ở Từ Châu. Lưu Bị thế yếu buộc phải cầu cứu Viên Thiệu nhưng Thiệu do dự không xuất quân.
Tào Tháo thừa cơ tiến nhanh đánh nhanh, Lưu Bị không chống đỡ nổi, buộc phải bỏ chạy về Hà Bắc nương nhờ Viên Thiệu.
Trương Phi chạy trốn về Như Nam, còn Quan Vũ không còn đường lui nên bị bắt.
Tào Tháo vì quá mến mộ Quan Vũ nên bắt sống không giết, còn Quan Vũ để có thể tìm kiếm tung tích của Lưu Bị, nên lấy danh nghĩa “hàng Hán không hàng Tào” và cùng theo về Hứa Xướng.
Trong thời gian này, Tào Tháo đối xử cực tốt với Quan Vũ, thậm chí trước giờ chưa một nhân vật nào được Tào Tháo đãi ngộ như vậy.
Không chỉ phong tước, tặng phủ đệ hay kim gấm mỹ nữ, Tào Tháo còn mang cả ngựa Xích Thố làm quà để thể hiện thành ý với Quan Vũ. Của ngon vật là mà Tào Tháo được dùng ông đều chia phần của Quan Vũ cùng hưởng.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Tào Tháo thậm chí còn quỳ gối xuống, tự tay buộc lại dây giày cho Quan Vũ trước mặt ba quân khiến Quan Vũ vừa bối rối vừa vô cùng cảm động.
Tuy nhiên, sau cùng Quan Vũ vẫn phụ lòng Tào Tháo. “Ta biết Tào Công đãi ta rất hậu, nhưng ta đã chịu hậu ân của Lưu tướng quân, thề cùng sống chết, chẳng thể bội ước.
Ta thà chết chứ chẳng ở lại được, ý ta muốn lập công để báo ơn Tào công rồi sẽ ra đi” , Quan Vũ nói rõ suy nghĩ của mình với Trương Liêu.
Cũng đúng mùa xuân năm đó, Viên Thiệu phát động chiến tranh Viên-Tào. Viên Thiệu chia quân 2 cánh, một mặt đánh thành Bạch Mã, mặt khác đóng ở bến Diên Tân.
Tháng 4 năm Công Nguyên 200, Tào Tháo theo kế của Tuân Úc, đem theo Quan Vũ và Trương Liêu chi viện Bạch Mã, mặt khác điều một cánh quân ra bến Diên Tân để phân tán sự chú ý của Viên Thiệu.
Quả nhiên, Viên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã.
Quan Vũ xông trận, đột kích giết chết mãnh tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, khiến sĩ khí quân Tào vô cùng hứng phấn, thừa thế giải vây cho thành Bạch Mã. T
Tào Tháo cũng vô cùng phấn khích trước sự dũng mãnh của Quan Vũ, dưới danh nghĩa Hán Hiến Đế, tấn phong Quan Vũ làm Hán Thọ đình hầu.
Có thể thấy, chức “Hán Thọ đình hầu” trên danh nghĩa vẫn là do hoàng đế nhà Hán phong cho Quan Vũ, không hề liên quan gì đến Tào Tháo, nên việc ông chấp nhận tước vị này hoàn toàn hợp tình hợp lý, không hề tổn hại đến chữ “nghĩa” trong con người ông.
“Hán Thọ đình hầu” là sự vinh danh cho chiến tích lẫy lừng mà Quan Vũ làm được.
Vậy Hán Thọ đình hầu là chức quan cao như thế nào? Cần hiểu rõ rằng, Hán Thọ đình hầu không phải chức quan, mà chỉ là tước vị, là một danh hiệu nhưng không có thực quyền.
Quan Vũ có thể xung phong lấy thủ cấp địch giữa vạn quân, đó là “dũng”; xưng Hán thần nhận sắc phong, đó là “trung”; khước từ Tào Tháo về với Lưu Bị, đó là “nghĩa”.
Một người can trung nghĩa đảm, nhận tước Hán Thọ đình hầu, cớ sao phải hổ thẹn!