Trên thực tế, việc Đông Ngô không dám đấu tới cùng với Tào Ngụy dù nhiều lần giành thắng lợi trên chiến trường thực chất bắt nguồn từ một nguyên nhân bất khả kháng.
Năm xưa trong trận Xích Bích, Tôn Quyền và Lưu Bị đã liên thủ đánh bại thế lực của Tào Tháo, đặt cơ sở cho sự hình thành của thế chân vạc vào thời Tam Quốc.
Cho tới sau cuộc chiến tại Hán Trung và Tương Phàn, thế cục Tào – Tôn – Lưu chia ba thiên hạ đã hình thành. Cục diện này cũng đánh dấu sự suy yếu và biến mất của các thế lực chư hầu khác trên võ đài lịch sử vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Thục Hán với sự dẫn dắt của Khổng Minh và kế đó là sự tiếp nối của Khương Duy đã nhiều lần tiến hành Bắc phạt, hơn nữa cũng thu về được một số chiến tích.
Tuy nhiên trên thực tế, điều này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: Ngay tới một Thục Hán đã suy yếu đi nhiều sau thất bại ở Di Lăng vẫn dám ra tay với Tào Ngụy, vậy vì sao một Đông Ngô với thực lực không thể xem thường lại không dám đánh tới cùng với thế lực của họ Tào?
Điểm đáng chú ý hơn còn nằm ở chỗ, trong lịch sử, Đông Ngô thậm chí đã nhiều lần phát động tấn công Tào Ngụy. Trong số đó, tướng quân Lục Tốn với nhiều lần Bắc phạt thậm chí còn thu về chiến tích ba thắng một hòa, chưa một lần thất bại.
Thế nhưng sự thực là ngay cả khi được những chiến thắng áp đảo trên chiến trường như vậy, Đông Ngô vẫn không dám nhân cơ hội này tiêu diệt Tào Ngụy. Vậy liệu rằng đâu là lý do đứng sau điều này?
Sự thật về bốn lần Bắc phạt của Đông Ngô: Chưa từng có lấy một lần thất bại
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo Qulishi, Đông Ngô năm xưa từng tiến hành 4 lần Bắc phạt dưới sự chỉ huy của danh tướng Lục Tốn. Trong số đó, lần Bắc phạt đầu tiên của Lục Tốn chính là trận chiến Thạch Đình nổi tiếng trong lịch sử.
Theo đó, vào năm 228, đất Phàn Dương ở nước Ngô có Thái thú Chu Phường dùng kế trá hàng để lừa gạt Đại Tư mã Tào Ngụy bấy giờ là Tào Hưu, bày tỏ ý muốn phản bội Đông Ngô, thỉnh cầu Tào Hưu phái binh tiếp ứng.
Sau đó, Tào Hưu quả nhiên trúng kế, liền dẫn 100 ngàn binh tiến vào đất Hoản, cùng với đó còn có hai nhánh quân Ngụy đồng thời tiến sâu vào lãnh thổ Đông Ngô.
Tôn Quyền bấy giờ cho quân tới Hoản Khẩu, phái Lục Tốn, Chu Hoàn, Toàn Tông đem 3 vạn binh phủ đầu kẻ địch ở Thạch Đình.
Kết quả là trong trân chiến ấy, Lục Tốn với 3 nhánh quân Đông Ngô đã liều chết xung phong, truy kích, khiến quân Ngụy thất bại nặng nề, Đại Tư mã Tào Hưu cũng chết bệnh không lâu sau đó.
Chiến thắng trong lần Bắc phạt đầu tiên này chính là cơ sở quan trọng để Tôn Quyền chính thực lên ngôi xưng đế.
Lần Bắc phạt thứ hai do Lục Tốn chỉ huy diễn ra vào năm 236 khi ông và Gia Cát Cẩn dùng kế tấn công Tương Dương.
Bấy giờ, Gia Cát Cẩn thống lĩnh thủy quân, còn Lục Tốn dẫn theo binh mã tiến về Tương Dương. Kẻ địch nghe danh tới vị tướng ấy đã sợ hãi vô cùng.
Sau đó, đội quân của Lục Tốn và Gia Cát Cẩn thành công hạ được thành trì này, tiêu diệt tới hơn ngàn lính Tào Ngụy.
Lần Bắc phạt thứ ba bắt đầu từ sự kiện Trung Lang tướng Đông Ngô là Tôn Bố dùng kế trá hàng, dẫn dụ tướng Ngụy là Vương Lăng rơi vào bẫy mai phục ở Phụ Lăng.
Tuy nhiên sau đó, Vương Lăng biết được âm mưu của Đông Ngô, liền nhanh chóng dẫn quân chạy trốn. Sau đó, Tào Ngụy cho quân đi tới Dương Nghi Khẩu nhằm mục đích đánh giáp công quân của Lục Tốn.
Lục Tốn biết được viện binh của kẻ địch đông đảo, liền tranh thủ rút lui trong đêm. Vì vậy kết quả của Bắc phạt thứ ba này có thể xem là bất phân thắng bại, hai bên cùng hòa.
Lần Bắc phạt thứ tư diễn ra vào năm Xích Ô thứ ba, Lục Tốn bấy giờ hạ được Chu Thành, đem mảnh đất này thu về dưới trướng Đông Ngô.
Nguyên nhân thực sự khiến Tôn Quyền không dám mạnh tay với gia tộc họ Tào
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nhìn lại 4 lần Bắc phạt nói trên, có thể thấy phe Đông Ngô đã thu về 3 chiến thắng, 1 lần hòa và không có lấy một lần thất bại. Tuy nhiên ngay cả khi giành được nhiều lợi thế trên chiến trường như vậy, Tôn Quyền vẫn không nhân cơ hội này để tranh thủ tiêu diệt Tào Ngụy.
Theo quan điểm của Qulishi, nguyên nhân thực sự phía sau quyết định này chính là bởi Đông Ngô không có đủ thực lực để tiêu diệt một đối thủ mạnh như Tào Ngụy.
Trên thực tế, thực lực của Đông Ngô và Tào Ngụy tồn tại một sự chênh lệch tương đối lớn. Cho nên chỉ cần Tào Ngụy không phạm sai lầm nghiêm trọng, Đông Ngô căn bản không có cơ hội “thừa nước đục thả câu”.
Mặc dù nhìn trên bản đồ thế lực thời Tam Quốc, lãnh thổ của Thục và Ngô không kém Tào Ngụy là bao. Thế nhưng nếu đánh giá trên dân số cũng như binh lực, cả hai thế lực này đều không thể so bì với cơ ngơi của gia tộc họ Tào.
Theo “Tam Quốc chí” và “Tấn thư”, sau khi thế chân vạc được tạo thành, dân số trên lãnh thổ Tào Ngụy đã vượt hơn 400 vạn người, binh lực cũng lên tới hơn 40 vạn.
Trong khi đó, dân số ở Thục Hán kể từ sau khi Quan Vũ để mất Kinh Châu chỉ còn không tới 100 vạn, binh lực cũng chỉ vẻn vẹn 100 ngàn.
Còn đối với Đông Ngô, dù thế lực này mạnh hơn Thục Hán, nhưng dân số cũng chỉ nhỉnh hơn 200 vạn, binh lực có hơn 200 ngàn.
Từ đó có thể thấy, nếu đem ra so sánh tương quan với Tào Ngụy, dân số và binh lực của Đông Ngô chỉ bằng một nửa so với đối thủ.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hơn nữa điểm mấu chốt còn nằm ở chỗ, Tào Ngụy khi đó kiểm soát khu vực lưu vực sông Hoàng Hà, bất luận là phương diện văn hóa hay khoa học kỹ thuật cũng đều tương đối tân tiến, cuộc sống của bách tính hết sức phồn vinh.
Trong khi đó, lãnh thổ của Đông Ngô phần lớn đều là những vùng đất bị cho là dân cư thưa thớt vào thời Tam Quốc.
Vì vậy, thực lực tổng thể giữa Tôn – Tào tồn tại sự chênh lệch rất lớn. Do đó chỉ khi nội bộ Tào Ngụy xuất hiện một cuộc nội loạn thật lớn thì Đông Ngô mới may mắn có cơ hội lật đổ thế lực này.
Chỉ có điều khi sự kiện Ba lần binh biến Thọ Xuân nổ ra, gia tộc Tư Mã đã nhanh chóng bình định phản loạn, không cho đối thủ có cơ hội thừa cơ tiêu diệt mình.
Hơn nữa, mặc dù năm xưa Lục Tốn bắc phạt thu về kết quả ba thắng một hòa, không một lần bại, thế nhưng nếu xét về quy mô thì đây đều chỉ là những cuộc tấn công nhỏ, không thể tạo thành tổn hại lớn cho Tào Ngụy.
Minh chứng là trong lần Bắc phạt đầu tiên, số quân Tào thương vọng cũng chỉ tới con số 10 ngàn, hoàn toàn không gây hao tổn nguyên khí nặng nề đối với thế lực này.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tiến thêm một bước phân tích, có thể nói rằng các chiến dịch Bắc phạt của Lục Tốn và Đông Ngô thực chất chỉ mang tính tự vệ chứ không mang mục đích tiêu diệt đối thủ.
Tính chất của những trận chiến này cũng giống chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh năm xưa, đều là chủ động tiến công phòng ngự.
Bởi lẽ nếu Lục Tốn không chủ động Bắc phạt, vậy Tào Ngụy chắc chắn sẽ tập trung binh lực tiến đánh Đông Ngô. Mà dưới tình thế địch mạnh ta yếu, việc phòng ngự một cách bị động cũng không phải là biện pháp tốt nhất.
Vì vậy, Đông Ngô đã để Lục Tốn tiến hành Bắc phạt nhằm khiến cho Tào Ngụy rối loạn, từ đó khó tập trung nhân lực và vật lực để tấn công mình.
Nhìn lại lịch sử Tam Quốc giai đoạn này, có thể thấy năm xưa cả Gia Cát Lượng và Tôn Quyền đều nhiều lần tiến hành Bắc phạt, hơn nữa còn thu về chiến tích khả quan.
Thế nhưng bởi vì Tào Ngụy tương đối lớn mạnh, những chiến dịch này của họ căn bản không gây tổn thương nguyên khí và cũng không thể thay đổi sự cách biệt về phương diện thực lực giữa ba thế lực này.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).