Việc mưu sĩ Từ Thứ rời Lưu Bị để nương nhờ Tào Tháo và cương quyết không quay về khi có cơ hội thực chất bắt nguồn từ hai nguyên nhân sâu xa dưới đây.

Từ Thứ (160 – 220) từng là mưu sĩ của Lưu Bị, sau đó nương nhờ Tào Tháo và trở thành đại thần của nhà Tào Ngụy vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” nói riêng, sự kiện Từ Thứ rời bỏ Lưu Bị và gia nhập tập đoàn chính trị của Tào Tháo từng được tác giả La Quán Trung xây dựng hết sức sinh động, đồng thời còn có nhiều chi tiết ẩn ý.

Theo Qulishi, nếu dựa theo diễn biến của cuốn tiểu thuyết trên, thì việc vị mưu sĩ này rời bỏ Thục Hán và chấp nhận nương nhờ Tào Ngụy thực chất là do ông đã… nhìn thấu bản chất của Lưu Bị.

Vậy rốt cục Từ Thứ đã nhìn ra điều gì ở vị quân chủ họ Lưu ấy? Và liệu rằng đó có phải là lý do khiến ông không trở về với Lưu Bị ngay cả khi đã không còn bị Tào Tháo uy hiếp?

Điển tích “Từ Thứ quy Tào” trong Tam Quốc diễn nghĩa

Từng là mưu sĩ của Lưu Bị, vì sao Từ Thứ rời bỏ Thục Hán để đầu quân cho Tào Ngụy và cương quyết không quay trở lại? - Ảnh 1.

Từ Thứ có tên tự là Nguyên Trực, người đất Dĩnh Xuyên. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Về việc Từ Thứ từng đầu quân nhưng lại rời bỏ tập đoàn chính trị của Lưu Bị, “Tam Quốc diễn nghĩa” đã xây dựng nên những tình tiết như sau:

Ban đầu, Từ Thứ đi theo phò tá Lưu Bị, tuy nhiên trước đó do có tội phải bỏ trốn nên ông lấy tên giả là Đan Phúc.

Trong khoảng thời gian nương nhờ dưới trướng vị quân chủ này, ông đã hiến kế giúp Lưu Bị đánh bại tướng Tào Nhân của phe Tào Tháo và chiếm Phàn Thành.

Sau đó, Tào Tháo liền lập mưu bắt mẹ Từ Thứ, lại giả nét chữ của bà để viết thư dụ Từ Thứ tới Hứa Đô.

Bấy giờ, Từ Thứ tưởng lá thư của mẹ là thật, nên đành từ biệt Lưu Bị và ra đi. Tới lúc đó, ông đã nói hết sự thật về thân thế của mình, đồng thời hứa sẽ không hiến bất kỳ một mưu kế gì cho Tào Tháo.

Vào giây phút chia ly, Lưu Bị gạt nước mắt trông theo hình bóng Từ Thứ rời khỏi, lại bị rặng cây trước mặt che khuất, liền nói rằng muốn chặt hết rặng cây ấy đi để có thể thấy được quân sư của mình.

Đúng lúc đó, Từ Thứ cưỡi ngựa quay trở lại, tiến cử một nhân tài cho Lưu Bị. Người đó chính là Ngọa Long tiên sinh – Gia Cát Lượng.

Sau này khi về tới Hứa Đô, mẹ Từ Thứ biết con trai đến thì vô cùng tức giận nên đã tự vẫn. Từ Thứ biết mình bị lừa, càng nguyện suốt đời không hiến kế cho Tào Tháo.

Đó là điển tích “Từ Thứ quy Tào” được La Quán Trung xây dựng trong Tam Quốc diễn nghĩa.

Nguyên nhân khiến Từ Thứ rời bỏ Lưu Bị: Liệu có phải do thế lực của quân chủ không đủ sức giữ chân nhân tài?

Từng là mưu sĩ của Lưu Bị, vì sao Từ Thứ rời bỏ Thục Hán để đầu quân cho Tào Ngụy và cương quyết không quay trở lại? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Baidu.

Mặc dù dưới ngòi bút của La Quán Trung, việc Từ Thứ rời khỏi phe Lưu Bị và quy thuận Tào Tháo có thể xem là hết sức miễn cưỡng.

Thế nhưng không ít độc giả lại đặt ra câu hỏi: Trong khi năm xưa Quan Vũ dù được Tào Tháo hậu đãi nhưng vẫn tìm mọi cách để về bên huynh trưởng, vậy nếu Từ Thứ đã không thích phụng sự Tào Ngụy, vì sao sau khi mẹ tự vẫn, bản thân không còn gì ràng buộc, ông vẫn không trở về với phe cánh của Lưu Bị?

Theo quan điểm của Qulishi, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến điều này chính là bởi hoàn cảnh của Lưu Bị khi đó không có đủ sức để giữ chân nhân tài.

Thực tế, việc Từ Thứ rời khỏi tập đoàn chính trị của Lưu Bị ở vào thời điểm đó cũng là một quyết định không quá khó hiểu.

Bởi Lưu Bị khi chiếm được Từ Châu, dù từng là chư hầu xưng bá một phương, thế nhưng lại nhanh chóng rơi vào cảnh thất thế.

Cho nên cha con Trần Đăng, Trần Khuê từng đi theo phụng sự ông cũng nhanh chóng rời khỏi vị quân chủ này, quy thuận Tào Tháo để tìm lối ra cho tiền đồ của mình.

Tương tự như vậy, gia tộc họ Khoái ở đất Kinh Châu cũng lần lượt đầu hàng Tào Tháo, duy chỉ còn cháu của Khoái Việt là Khoái Kỳ mới lưu lại bên cạnh Lưu Bị.

Nếu dựa vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, có thể nói lựa chọn đổi chủ của những nhân vật nói trên không phải là cái sai của họ.

Bởi so với một Tào Tháo nắm trong tay Thiên tử, lại có vô vàn binh hùng tướng mạnh thì một Lưu Bị đang rơi vào cảnh thất thế quả thực không có cửa để so bì.

Vì vậy, một Từ Thứ vốn có hoạch định rõ ràng với sự nghiệp của bản thân cũng khó tránh khỏi bị dao động.

Ban đầu, ông lựa chọn phò tá Lưu Bị bởi thấy rằng vị quân chủ này có hùng tài đại lược, tương lai có thể làm nên nghiệp lớn.

Thế nhưng Lưu Bị lại khiến cho tập đoàn chính trị của mình càng lúc càng lâm vào nguy nan, có những lúc tưởng chừng như đã đứng bên bờ vực sụp đổ. Điều này có lẽ đã phần nào đả kích tới ý chí của Từ Thứ.

Chúng ta không thể yêu cầu bất cứ ai từng phục vụ dưới trướng Thục Hán đều phải nhất mực trung thành vô điều kiện như Quan Vũ, Trương Phi hay Triệu Vân. Thực tế nếu đổi một người khác vào thân phận của Từ Thứ, có lẽ người đó đã rời đi còn nhanh hơn và sớm hơn so với ông.

Trong khi đó, Từ Thứ sau khi lập được đại công cho Lưu Bị mới rời đi. Hơn nữa còn tiến cử Gia Cát Lượng cho chủ cũ, âu cũng có thể xem như đã tận nghĩa.

Lý do khiến Từ Thứ không trở về phe cánh của Lưu Bị dù đã không còn bị Tào Tháo ràng buộc

Từng là mưu sĩ của Lưu Bị, vì sao Từ Thứ rời bỏ Thục Hán để đầu quân cho Tào Ngụy và cương quyết không quay trở lại? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh nguyên nhân nói trên, một trong những lý do quan trọng mà vị mưu sĩ họ Từ không trở lại với Lưu Bị đó chính là: Ở vào thời điểm từ biệt Lưu Bị, một Từ Thứ thông minh đã sớm nhìn thấu bản chất của vị quân chủ này.

Trong hồi thứ 36 của “Tam Quốc diễn nghĩa”, vào thời điểm từ biệt, Từ Thứ từng nói với Lưu Bị rằng:

“Tôi tài nhỏ trí mọn, đội ơn sứ quân trọng dụng, nay chẳng may nửa đường phải từ biệt, chỉ vì mẹ già mà thôi. Dù Tào Tháo có nài ép, tôi cũng thề trọn đời không bày một mưu kế gì cho y cả”.

Lúc này, Lưu Bị cũng đáp:

“Tiên sinh ra đi, Bị này cũng sẽ liệu đường quy ẩn vào nơi rừng núi”.

Theo Qulishi, hai câu thoại trên nhìn có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế lại bộc lộ rõ nhất bản chất bất đồng của Từ Thứ và Lưu Bị.

Theo đó, lời nói của Từ Thứ có ý rất rõ ràng, khẳng định bản thân rời đi chỉ vì mẹ ở trong tay Tào Tháo, đây là điều bất khả kháng.

Thế nhưng câu nói của Lưu Bị lại có phần cố tình gây sức ép cho Từ Thứ, ý là: Chỉ cần nhà ngươi rời khỏi ta, ta cũng sẽ quy ẩn, chẳng tha thiết gì với sự nghiệp phục dựng cơ đồ Hán thất nữa.

Tuy nhiên không khó để nhận ra, lời này của Lưu Bị rõ ràng là nói dối. Bởi trước kia dù trải qua không ít kiếp nạn, ông cũng chưa bao giờ buông bỏ lý tưởng của mình, nay sao có thể dễ dàng từ bỏ chỉ vì sự ra đi của một mình Từ Thứ?

Cho nên, bản thân Từ Thứ chẳng những không tin vào lời này, mà còn thông qua câu nói ấy để nhìn thấy bản chất của Lưu Bị.

Từ Thứ hiểu rằng, Lưu Bị ngoài mặt là đang suy xét chuyện phục dựng Đại Hán, nhưng trên thực tế là đang suy xét chính ông.

Từng là mưu sĩ của Lưu Bị, vì sao Từ Thứ rời bỏ Thục Hán để đầu quân cho Tào Ngụy và cương quyết không quay trở lại? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Xét trên một phương diện khác, Từ Thứ ngay từ ban đầu cũng đã lừa dối Lưu Bị bằng cách dùng tên giả.

Đối với vị mưu sĩ ấy, đây chỉ là cách để bảo vệ bản thân mình. Thế nhưng đối với Lưu Bị, việc lừa dối dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một điều đại kỵ, bởi không có một vị quân chủ nào chấp nhận việc thuộc hạ của mình không thành thật.

Nếu ngay tới cái tên cũng đã là lừa dối, vậy có gì đảm bảo việc mẹ Từ Thứ bị Tào Tháo bắt được không phải là một kế hoạch được toan tính tỉ mỉ ngay từ đầu?

Mặc dù Từ Thứ đã hứa rằng sau khi tới Tào doanh sẽ không hiến bất kỳ kế sách nào, thế nhưng Lưu Bị có thể hoàn toàn tin tưởng lời hứa của ông hay không?

Cho nên Từ Thứ một mặt nhìn thấu sự nhỏ mọn của Lưu Bị, mặt khác cũng ý thức được rằng bản thân đã lừa gạt ông, dù quay trở lại cũng khó có được sự trọng dụng như trước, vì vậy mới lựa chọn lưu lại bên Tào Ngụy.

Sau khi về dưới trướng Tào Tháo, tên tuổi của Từ Thứ mặc dù không còn vang danh thiên hạ như ban đầu, nhưng bù lại ông có được một cuộc sống ổn định, nhờ vào tài trí của mình mà dần trở thành một nhân vật có tiếng nói trong tập đoàn chính trị này.

Sau cùng, Từ Thứ ở nước Ngụy được bổ nhiệm lên tới chức Hữu Trung Lang tướng, Ngự Sử Trung Thừa và lâm bệnh qua đời vài năm sau đó.

*Dịch từ báo nước ngoài.