Nếu bước chân vào cuộc hôn nhân với một người đàn ông chẳng biết thương mình, yêu mình, chỉ níu chân mình, làm phiền mình, vậy cớ sao phải kết hôn để rồi than thân trách phận?

“Ly hôn như mày có người để ý là tốt lắm rồi”.

Trong lúc nói chuyện với đứa bạn thân, tôi thấy màn hình điện thoại của nó nhận được một tin nhắn như vậy. Nó chính người “đã ly hôn” trong tin nhắn. Chuyện xảy ra cách đây 2 năm, mâu thuẫn tình cảm với chồng quá lớn, nó chọn cách ly hôn.

Dạo gần đây, mẹ nó chứng kiến cảnh mấy bà bạn lần lượt có cháu bồng cháu bế nên một lần nữa lôi chuyện hôn nhân của nó ra để thúc giục. Bạn thân tôi xinh đẹp, giỏi giang, đi du học về, hiện đang làm việc ở một công ty top đầu, nhà cũng đã tự mua. Ấy vậy mà nó vẫn chịu chung số phận bị giục giã như bao người. Nó vừa về quê, một bà dì của nó đã lập tức giới thiệu cho nó một đứa cháu làm cùng đơn vị. Công nhân viên chức, lương chỉ bằng 1/3 lương nó, vẫn sống cùng nhà với bố mẹ.

Sau buổi hẹn bắt buộc đó, nó rủ tôi đi uống cafe: “Dì tao nghĩ gì vậy nhỉ? Ly hôn trong mắt người khác là thảm hại thế cơ à?”.

Vừa nói dứt câu, điện thoại nó đã rung lên, người đàn ông được mai mối kia lại đề nghị hẹn gặp. Nó lập tức trả lời điều đó là không cần thiết và rằng hai người không phù hợp chút nào.

Có vẻ anh ta sốc lắm, lập tức tuôn một tràng: “Hình như em sắp 30 tuổi rồi mà đúng không? Còn ly hôn một lần rồi, yêu cầu gì cao vậy?”. Nói chưa đã tức, anh ta còn nhắn thêm một loạt cùng nội dung trên gửi cho bạn tôi.

Rốt cuộc từ bao giờ, ly hôn lại thành một cái tội của người phụ nữ?

01

Có thể bạn không để ý nhưng định kiến ​​của xã hội đối với phụ nữ đã ly hôn chưa bao giờ dừng lại cả:

“Đàn bà ly hôn chẳng khác gì đồ second-hand, mất giá rồi!”

“Đàn ông lấy vợ lần đầu tội gì lấy người đã qua một lần đò, xấu mặt ra!”

“Phụ nữ ly hôn mưu mô xảo trá lắm, cẩn thận cô ta tính kế cả cậu.”

Tôi đã từng xem một cuộc phỏng vấn dạo trên đường phố, câu hỏi được đặt ra cho người đi đường là “Giữa một phụ nữ 27 tuổi đã ly hôn và một phụ nữ 35 tuổi chưa kết hôn, bạn sẽ lấy ai?”.

Một người đàn ông chọn kết hôn vế sau. Lý do anh ta đưa ra như sau: “Mua nhà qua tay, mua xe cũ, chẳng lẽ lấy vợ cũng phải lấy hạng second-hand à?”.

Một MC nổi tiếng từng nói: “Rất ít người nói người đàn ông này rất thành đạt nhưng anh ta từng ly hôn. Tuy nhiên, người ta luôn sẵn sàng nói người phụ nữ kia rất thành công nhưng cô ấy từng ly hôn”.

Còn nhớ hồi Vương Phi mới ly hôn và quay lại với Tạ Đình Phong, một netizen nam cũng đã bình luận hết sức gay gắt: “Ở làng tôi chẳng ai thèm một người phụ nữ như Vương Phi hết”.

Khi chúng ta nghĩ rằng xã hội chỉ ác ý công kích những phụ nữ đã ly hôn, thì những người chưa kết hôn cũng không tránh khỏi điều tiếng. Trong mắt một số người, dường như kết hôn là một thành tựu lớn, còn không kết hôn thì xem như thất bại.

Không ai muốn cả, không lấy được chồng, chắc chắn có vấn đề.

Họ coi đó là điều hiển nhiên, coi cuộc hôn nhân là sản phẩm của chiến thắng, và coi chưa kết hôn là sản phẩm lỗi. Bị gọi là “gái ế” vì 30 tuổi không chịu lấy chồng là định kiến ​​lớn nhất đối với phụ nữ.

02

Có ai đó nói rằng: “Sau khi bạn bước sang tuổi 25, cả thế giới đều như đổ dồn sự quan tâm vào chuyện tình cảm của bạn”.

Bạn có yêu ai hay không, bạn hạnh phúc hay không đó không phải là việc của riêng bạn nữa. Đó là một vấn đề của gia đình. Đó là một vấn đề của xã hội. Đó là một vấn đề của tập thể. Cha mẹ rào trước nhắc sau, bắt bạn phải tìm người yêu, phải lấy chồng. Thế rồi, cô năm dì ba cũng bắt đầu tìm thời cơ thích hợp để hỏi dồn bạn những cây đại loại như bao giờ kết hôn.

Lướt một vòng newsfeed, bạn học đại học A chuẩn bị làm đám cưới vào tuần sau, vợ của đồng nghiệp B sẽ sinh em bé trong tuần này… Họ nói với bạn: “Tuy hôn nhân là một nấm mồ nhưng ít nhất còn hơn lang thang ngoài hoang vu”.

Nhưng thử nhìn ra ngoài kia mà xem, những câu chuyện có thật khiến người ta phải chùn bước. Một nữ du học sinh 34 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài, vừa có học vấn vừa có ngoại hình, cô được mệnh danh là “con nhà người ta” trong truyền thuyết. Về nước, nữ thạc sĩ này bị cha mẹ bắt đăng tin kết bạn bốn phương. Trong bài đăng có đầy đủ thông tin về trình độ học vấn, tính cách, hoàn cảnh gia đình nhưng không ghi tuổi. Sau khi độc giả biết cô đã 34 tuổi, họ chỉ để lại câu “Lòng dũng cảm đáng khen” rồi biến mất.

Hay như chuyện một cô gái khác 29 tuổi, được sắp xếp xem mắt một “anh chàng tốt lắm” 32 tuổi. Vừa gặp mặt, phía nam đã nói: “Năm nay em 29 tuổi rồi nhỉ, ế hơi sâu nha”/ “Như em chắc bố mẹ sốt ruột lắm đây. Kiếm bừa một ai rồi lấy là được”.

Có một vài cô gái không thể chịu đựng được áp lực và nên kiếm một người tạm bợ để hoàn thành cho xong KPI. Kết quả lúc ấy ra sao?

Để tôi kể bạn nghe câu chuyện về một đàn em tôi quen từ hồi đại học với tình huống như trên. Còn nhớ trước khi kết hôn, lương tháng của nó là hơn 25 triệu. Nó chẳng gặp áp lực gì trong cuộc sống cả, một năm đi du lịch 2-3 bận. Nhưng rồi sau khi kết hôn, lấy một anh cũng đang tuổi lấy vợ trong lời mọi người, mọi thứ đều thay đổi 180 độ.

Nó không được đi chơi thường xuyên với bạn bè, không được tham gia các buổi liên hoan với đồng nghiệp trong công ty, không được đi gặp khách hàng ngoài giờ làm, không được mua quần áo đắt tiền, không được mua quà cho người thân, không được cái này không được cái kia…

Hàng loạt điều “không được” khiến tôi nghe tôi mà đã thấy khó thở, nhưng nó không phải nỗi kinh hoàng nhất. Chồng nó giữ thẻ ngân hàng của nó và nói rằng nó tiêu quá nhiều tiền, không biết tiết kiệm nên anh ta sẽ xử lý thay.

Thử hỏi: Nếu bước chân vào cuộc hôn nhân với một người đàn ông chẳng biết thương mình, yêu mình, chỉ níu chân mình, làm phiền mình, vậy cớ sao phải kết hôn để rồi than thân trách phận?

03

Tôi từng đọc trong một quyển sách đoạn trích khá tâm đắc: “Mỗi người đều như một hạt lúa, vùi xuống đất thành hạt giống, rớt xuống mương thành bùn lầy”.

Một cuộc hôn tốt đẹp giống như một mảnh đất lành, giúp hạt giống bén rễ và nảy mầm. Một cuộc hôn nhân tồi tệ giống như một vũng nước có mùi, sẽ làm hạt lúa bị ủng và chứa đầy vi khuẩn.

Không phải hôn nhân không quan trọng, mà là vì quá quan trọng nên nhất định không được qua loa.

Ngày trước trên mạng từng lan truyền một video cực viral, người ta xem mà thấy xót xa. Một người đàn ông đã bí mật quay cảnh vợ mình ngồi giặt quần áo từ phía sau lưng kèm theo lời bình: “Hoa khôi một thời đấy, thằng này phải cưa mãi mới đổ. Thế mà giờ cũng chỉ làm bảo mẫu miễn phí, giặt giũ nấu nướng, sinh 2 đứa cho thằng này thôi”.

Tư tưởng đáng phê phán này lại thu hút tới hơn 50k lượt thích.

Không biết người vợ trong clip có biết chuyện chồng mình quay video sỉ nhục mình như thế không. Cô từng là hoa khôi, từng tỏa sáng mọi nơi bước tới vậy mà lại lấy nhầm một kẻ chẳng biết nâng niu trân trọng cô. Dù cô có xinh đẹp hơn, anh ta chẳng khen ngợi; dù cô có rực rỡ hơn, anh ta cũng chẳng quan tâm. Dù cô có hy sinh nhiều thế nào, anh ta cũng sẽ nghĩ “đáng đời”.

Thế mới nói, nếu bị ép buộc, sẽ chỉ có những cuộc hôn nhân tồi tệ được sinh ra. Và chỉ khi dám chờ đợi, bạn mới có thể có được những cuộc hôn nhân tốt đẹp.

Hôn nhân giống như một trò đánh cược. Nếu may mắn, bạn có thể gặp được người bạn đời thấu hiểu bạn, lý giải bạn. Trong trường hợp thiếu may mắn, chắc chắn bạn sẽ rơi vào tình trạng sống trong hoang mang vô định.

04

Nói nhiều như vậy không có nghĩa là tôi khuyến khích mọi người đừng lấy chồng. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng hôn nhân không phải là mục đích sống, hạnh phúc mới là thứ chúng ta cần hướng tới.

Đừng để tiếng nói của người đời cản trở suy nghĩ riêng của bạn. Bởi vì những người thúc ép bạn hay cố gắng thay đổi bạn thường chỉ biết chỉ tay 5 ngón vậy thôi chứ chẳng thể chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của bạn được.

Vì vậy, đừng dùng cuộc sống của mình để làm hài lòng người khác. Hãy sống theo cách bạn thích và đi theo trái tim mình suốt đời.

Hôn nhân là vấn đề cần tích lũy và cũng cần cơ hội. Nó là một lựa chọn trong cuộc sống của bạn, nhưng không phải là một lựa chọn bắt buộc. Nếu bạn gặp được tình yêu đích thực và dấn thân vào hôn nhân, bạn có thể nắm lấy hạnh phúc. Còn nếu tình yêu chưa đến thì cứ tiếp tục chờ đợi, độc thân có cái vui của độc thân, một mình có cái vui của một mình.

Như ai đó từng nói đấy thôi, “Tôi chỉ có một cuộc đời, và tôi không thể hào phóng trao nó cho người mà tôi không yêu”.

Ảnh: Tổng hợp