Những ngày qua, khi diễn biến của bộ phim truyền hình “Gạo nếp gạo tẻ” đang ngày càng hấp dẫn với cuộc tình tay 3 chưa ai đoán được hồi kết giữa Phúc – Kiệt – Hân thì người ta chợt nhận ra rằng, trên đời còn một loại đàn ông đáng sợ hơn cả lăng nhăng, phản bội.
Nếu sự xuất hiện ban đầu của Kiệt như mẫu hình của người đàn ông vàng mười, thành đạt, chiều vợ chiều con, chịu thương chịu khó thì càng ngày, người ta lại càng lắc đầu ngao ngán ẩn sau cái bề nổi ấy. Nực cười ở chỗ, cả gần trăm tập phim thì những lần phản kháng yếu ớt của Kiệt đếm trên đầu ngón tay, nhưng cứ hễ anh ấy “vung cao” chút là thiên hạ lại được phen hả lòng, hả dạ. Từ bao giờ mà những hành động quá đỗi bình thường của một người đàn ông cần có lại được coi như “soái ca” vậy?
Thực chất, đàn ông nhu nhược như Kiệt không hiếm. Kiệt ở trong mỗi gia đình, là sự chán chường của những người thân, là nỗi bất lực không thể kể với ai từ chính các bà vợ. Đàn ông nhu nhược như Kiệt chẳng khác nào con sâu dòi đang tàn phá từng ngày cuộc sống hôn nhân.
Nếu Kiệt của “Gạo nếp gạo tẻ” hết lần này đến lần khác vì cái sự nhún nhường, cam chịu của mình để Hân được nước “đè đầu cưỡi cổ” thì Thanh trong “Sống chung với mẹ chồng” lại không đủ chính kiến và bản lĩnh tối thiểu của một người đàn ông đẩy mối quan hệ giữa mẹ và vợ ngày càng bế tắc. Thử hỏi, ngay từ đầu, Kiệt mạnh mẽ một chút, cương trực một chút thì Hân có chán một người chồng giỏi giang, thành đạt rồi trượt dài trong hàng loạt những sai lầm không? Hay người đàn ông được coi là trụ cột gia đình như Thanh nếu biết phân biệt phải trái, không núp bóng mẹ thì cuộc ly hôn đáng tiếc khi vẫn còn tình yêu từ hai phía có xảy ra không?
Ảnh trích trong phim “Sống chung với mẹ chồng”
Thật không ngoa khi nói: Đàn ông nhu nhược là đàn ông đáng khinh nhất. Khi bạn có một cậu con trai hiếu thảo như Kiệt nhưng lại không thể bảo vệ bố mình trước mặt vợ, ngậm ngùi buông bỏ ước mơ một ngày được phụng dưỡng cha già. Khi bạn có một người đàn ông có cả thanh xuân để nuối tiếc và dành phần đời còn lại để hi vọng vào một câu “Hãy tin anh” như Phúc thì bạn sẽ hiểu tại sao đàn ông nhu nhược lại được dành tặng hai từ “đáng khinh”.
Thế nhưng, trên đời này lại vẫn tồn tại một thứ vô cùng phức tạp và rối rắm, đó là tình cảm. Một người phụ nữ mạnh mẽ, làm mẹ đơn thân bao năm như Phúc hết lần này đến lần khác tin tưởng vào một lời hứa hẹn của Kiệt, chịu bị đánh oan vì người đàn ông mình yêu nhưng người ta lại chẳng đủ dũng cảm để bảo vệ mình. Song tình yêu của Phúc lại quá lớn để cô có thể đủ dũng cảm rời bỏ người đàn ông đớn hèn ấy và chấp nhận đóng vai ác để người đời nói là mưu mô, giành giật hạnh phúc của người khác.
Ảnh trích trong phim “Gạo nếp gạo tẻ”
Đàn ông nhu nhược, không có lập trường đáng trách đã đành, nhưng đàn bà không thể đủ bản lĩnh để rời bỏ người đàn ông tồi tệ ấy còn đáng trách hơn. Không phải vì anh ấy không yêu mình, không thương con mình, mà do tình yêu của anh ấy không đủ lớn để khống chế cái phần bạc nhược trong bản chất con người anh ta. Vậy sống bên người đàn ông như vậy, phụ nữ nào là có được hạnh phúc? Đừng nghĩ đó chỉ là một nhược điểm nhỏ và ngoại tình, phản bội mới là chuyện lớn. Phụ nữ đang vô tình bồi đắp thêm cái thói tệ hại của người yêu, của chồng mình để nó càng lớn dần và xấu xí thêm.
Hôm nay, chứng kiến vợ bị mẹ mình mắng oan mà anh ấy không lên tiếng, chỉ biết xin lỗi mẹ sau lưng vợ và an ủi vợ khi không có mẹ thì người vợ ấy sẽ chỉ mãi cô độc trong chính cái tổ ấm mà mình vun vén, trân trọng. Ngày mai, khi bản thân phải chịu ấm ức mà người chồng đứng ngay cạnh chỉ cười xòa cho qua chuyện thì chẳng khác nào người vợ phải chung sống với “bù nhìn rơm”. Dần dà, từ ngày này qua tháng khác, phụ nữ sẽ chỉ thấy mệt mỏi và bế tắc khi chung sống với một người đàn ông không có cũng được mà có lại chỉ khiến ta bực mình thêm.
Đàn ông vốn sinh ra đã là phái mạnh, ủy mị, nhún nhường cho ai xem? Nếu không thể cảm thấy hạnh phúc và luôn bất an trong mối quan hệ với những người đàn ông như thế thì chị em nên “đau một lần rồi thôi”. Bởi sự mập mờ, bạc nhược không thể làm nên một cuộc hôn nhân bền vững. Phụ nữ lấy chồng là để có chỗ bảo vệ, nương tựa cả đời chứ không phải manh quần, tấm áo hay những đồ vật trang trí để làm đẹp cho thiên hạ khen chê.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả